Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kinh tế biển vươn khơi: Sức bật từ những vạn chài

14:51 18/02/2021 GMT+7

Nói đến kinh tế biển vươn khơi hiện đại, người ta nghĩ ngay đến những hải cảng sầm uất, những hãng tàu biển quy mô có những chuyến hải hành vượt đại dương hàng ngàn hải lý, và những đội thuyền đánh bắt với vỏ sắt đồ sộ, ngày đêm chiếm lĩnh ngư trường. Tuy nhiên, xuất phát điểm của những ước mơ vươn tầm ấy, gốc rễ những phương thức khai thác kinh tế biển quy mô ấy, lại chính là những vạn chài nhỏ bé, những ngôi làng ngư phủ trăm năm, nơi ẩn chứa những câu chuyện và luật định của biển cả muôn đời.

Làng chài Thạch Bi 2 (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) vẫn nô nức thuyền về bến.

Đây là lý do để Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế nhìn nhận, trong lịch sử phát triển kinh tế biển Việt Nam, những dòng lưu ký về các làng chài ven biển chưa bao giờ giảm sút giá trị. Tìm hiểu đúng, tôn trọng và bảo tồn những chuẩn mực giá trị văn hóa và cả cách thức khai thác kinh tế biển truyền thống, là đòn bẩy quan trọng để giấc mơ kinh tế biển Việt Nam vươn khơi thành công.

Dấu mốc biển khơi từ những vạn chài

Theo những ghi chép và tìm hiểu của các nhà chuyên môn, lịch sử khai phá mở rộng bờ cõi Việt từ sau thế kỷ 15 ghi nhận những đợt di dân từ Bắc vào Nam, khởi nguồn ở vùng Thuận Quảng và chốt lại ở Hà Tiên. Xen lẫn giữa những cuộc chiến nắm lãnh địa của các triều đại phong kiến, hàng ngàn lưu dân người Việt đã đi dần vào Nam, quần tụ với nhau thành những làng xóm và lập nên những cơ sở hành chính đầu tiên là các man (vạn) chài ven biển. Dần dà về sau, người dân đã đoàn kết gắn bó, tạo ra các quần thể cư dân ở dọc biển và những làng chài hình thành, tồn tại hàng trăm năm. Chính dấu chân của họ đã in lên cột mốc lịch sử dân tộc và định vị bờ cõi nước Nam.

Sau khi thống nhất quốc gia, Gia Long là vị vua phong kiến đầu tiên nhận ra những giá trị to lớn từ biển cả. Những năm tháng lưu vong, chạy trốn và khao khát khôi phục vương quyền đã đẩy nhà vua này xích gần những lưu dân sống ven bờ nước, hiểu rõ sóng gió đại dương và liên lạc cả với những thế lực ngoại bang trên biển.

Nếu các triều vua Đại Việt trước chỉ dừng lại ở bên này đất Thuận Hóa, nhìn biển cả gói gọn trong vịnh Bắc bộ, thì Gia Long khi đứng trên đèo Hải Vân, thấy rõ khung cảnh mênh mông của biển Đông, biên giới Việt trong mắt ông rõ ràng không chỉ là cột mốc ở đất liền mà hướng mạnh ra khơi xa, vùng lãnh hải cần thiết đặt bền vững.
Ước mơ của Gia Long, đã được con trai ông, vị vua kế vị, Minh Mạng thực thi thành công. Vị vua này với tư duy quyền biến, đã cổ súy những ngư dân Việt dám cưỡi sóng vượt gió, thoát khỏi giới hạn của vịnh Bắc bộ, thẳng ra đại dương. Ông hiểu rằng, quản lý dân chúng bằng bộ máy hành chính, chỉ kiểm soát được hành vi; phải quản lý dân chúng bằng sức mạnh tâm linh, mới kiểm soát được ý thức.

Thế là vua Minh Mạng đã cùng triều thần xây dựng một hệ thống thần linh trên biển cả, với đầy đủ những chức sắc quyền năng với Đông Hải Long Vương, Đông Hải Ngạc Thần… để tạo sức mạnh “ảo” trong lòng người. Ông chọn cá voi, loài vật gần gũi với ngư dân, nằm trong ý thức tôn sùng của họ, để tôn vinh thành Thần, và cho lập hàng ngàn lăng miếu thờ thần linh biển cả, thờ Long Vương, các hoàng tử công chúa của thế giới biển sâu. Theo đó, những vạn chài, đơn vị hành chính của ngư dân ven biển đã được nhà vua sắc phong vị thế, tôn hiệu, định vị những gia tộc… Qua đó, nhà vua tạo tâm lý vững vàng cho ngư dân, kêu gọi họ mạnh dạn dong thuyền ra biển lớn, không còn sợ hãi bão tố nữa, vì đã có thần linh phù trợ.

Đây là lý do tại sao triều Nguyễn có được đội hải binh hùng mạnh và chính thức ghi dấu chủ quyền lên những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, với các trạm binh trấn giữ, thay cho những dấu vết chủ quyền còn mờ nhạt của các triều đại trước đó. Chính những người lính – ngư dân Việt dưới triều Minh Mạng đã khởi sự chiến lược phát triển kinh tế biển, vừa đồn trú lãnh hải vừa khai thác ngư trường. Tiến sĩ Trần Đình Hằng nhận định, cột mốc biên giới biển Việt Nam, bởi thế không thể không gắn kết với những vạn chài.

Cân cá ngừ đại dương ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định).

Sức mạnh chủ quyền kinh tế từ tay lưới!

Ông Trần Hồi, một ngư phủ Hoài Nhơn Bình Định chia sẻ, quê ông ở thôn Thiện Chánh (Tam Quan Bắc), gốc gác là Vạn Đông An, một trong những làng vạn chài lâu năm quen nghề đánh cá. Vạn này, có gốc rễ từ Hoài Hương, thôn biển có lịch sử nuôi trồng thủy sản, lúc hưng thịnh những năm 1930 có đến hàng trăm ghe thuyền quây quần hoạt động. Bờ biển Hoài Nhơn có hàng chục vạn chài như vậy, từ lâu đã là tụ điểm ngư dân sinh sống, những thôn xóm có hàng chục miếu thờ lăng tẩm thần linh biển được coi sóc chu đáo. Đến nay, Vạn Đông An cũng như bao vạn khác, vẫn giữ tục phân chia tộc họ canh đền, mỗi tộc chỉ được phụ trách trông coi vạn trong 10 năm.

Điều quan trọng, theo ông Hồi, là trong những năm tháng chiến tranh, các vạn chài luôn là điểm ngầm tập kết quân lương, bổ sung quân ngũ chiến đấu trên biển cả. Không ít ngư dân vạn chài đã hy sinh trong các trận đánh lớn, ghi dấu dũng cảm đốt phá thuyền địch cùng khí tài quân sự. Đất nước hòa bình, Hoài Nhơn lại là vùng ngư trường lớn nhất nước, với hàng ngàn thuyền đánh bắt xa bờ. Những ngư dân cầm súng lại trở về quê giăng lưới. Vùng quê này lại là nơi khởi phát những nghề đánh bắt hải sản giá trị trong bối cảnh kinh tế thị trường, như câu mực khơi, săn cá ngừ đại dương, gần đây là bắt chình biển, cá mút đá… phục vụ xuất khẩu. Những chuyến biển của ngư dân hiện nay có giá trị hàng hóa từ 300 triệu đến cả tỷ đồng.

“Câu chuyện của ông Hồi, hay của bao nhiêu ngư dân già miền Trung khác, đều chung một góc nhìn kinh tế từ chính năng lực lao động họ có được, và tất cả đều gắn kết, tự hào với giá trị tồn tại của các vạn chài. Hơn nữa, với mục tiêu bảo vệ biển đảo, chỉ có người ngư dân mới thực sự là người lính kiên cường luôn có mặt trên biển, bảo vệ an toàn lãnh hải quốc gia”. Ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) thổ lộ như vậy. Theo ông, hiểu rõ tinh thần ngư dân qua lịch sử các vạn chài, đồng hành với họ về niềm tin tâm linh, thờ phụng Cá Ông Voi và các thần linh trên biển, là nền tảng quan trọng để chính quyền địa phương cổ vũ họ đạt năng suất lao động, khai thác ngư trường làm kinh tế, và tham gia tích cực công tác quốc phòng toàn dân.

Mỗi độ Xuân về, chính quyền và người dân nơi đây lại đồng lòng tổ chức những lễ cầu ngư, lễ cúng đình miếu, cúng Lăng Ông (nơi thờ tự cá voi). Qua những buổi lễ trang trọng ấy, tôn vinh các vạn chài với tông tộc họ hàng lâu đời, người ngư dân sẽ thêm vững lòng để bẻ lái vươn khơi!

Về đâu câu hát vạn chài xa xăm

Ông Trần Văn Lĩnh (Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng), nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề Cá Việt Nam nhìn nhận, lịch sử kinh tế biển Việt Nam, lịch sử biên giới biển Việt Nam, luôn gắn chặt với giá trị của những vạn chài, những làng chài truyền thống. Cho nên, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển, định hướng người ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, nhất định không thể tách rời vấn đề bảo tồn, gìn giữ các vạn chài đó.

“Đặc biệt, khi chúng ta hô vang khẩu hiệu bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta chỉ đứng trên bờ. Chỉ có người ngư dân mới thực sự có mặt trên biển cả, ngày ngày đối mặt với quân thù xâm lấn, là nhân chứng hiện hữu cho những giá trị dân tộc đó. Vậy phải làm sao bảo vệ được niềm tin của họ, bảo vệ được chỗ neo đậu khi họ quay về, bảo vệ bàn thờ để họ thắp nhang trước khi lên thuyền, là trách nhiệm mà mỗi người chúng ta phải lĩnh hội và thực thi”. Ông Lĩnh nhấn mạnh như vậy.

Theo đó, ông Lĩnh bày tỏ lo lắng về tình trạng đô thị hóa và những tác động từ kinh tế thị trường hiện nay đang làm suy thoái và biến mất đi những vạn chài truyền thống. Cùng chia sẻ suy nghĩ này, nhà nghiên cứu Đặng Dùng (làng Nam Ô, Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) tâm tư, trong lịch sử chỉnh trang đô thị Đà Nẵng 20 năm qua, không ít làng chài trăm năm của Đà Nẵng đã bị “xóa sổ”. Cụ thể nhất là các làng chài Xuân Hà, Thanh Khê, Trước Đông, Nại Hiên… sau các dự án mở đường, phát triển du lịch, đô thị mới, gần như chỉ còn lưu dấu trong vài miếu thờ, đình làng mà thôi. Làng chài Thọ Quang, Mân Thái… Đà Nẵng đến nay cũng đang đứng trước tình cảnh bấp bênh khi các dự án đô thị mới triển khai, và bản thân người dân làng không còn mặn mà cũng như cơ hội làm nghề biển nữa. Các đền miếu bao đời, hiện bắt đầu mai một, rất dễ bị giải tỏa và biến mất. Ngay cả những bến neo đậu tàu thuyền của ngư dân, cũng ngày một ít đi, phạm vi các âu thuyền tránh trú bão cũng ngày một thu hẹp.

Ông Lê Văn Xuất, Trưởng làng Nam Ô đánh giá, làng nghề nước mắm này nhờ có lịch sử 700 năm, đã được ghi tên tỏ tường, đến nay vẫn được tồn tại, và năm 2019 còn được chứng nhận làng truyền thống. Nhưng đi dọc bờ biển miền Trung, có biết bao làng chài, làng nghề truyền thống biển đang bị lụi tàn và mai một bởi diễn biến đô thị hóa, và quan trọng hơn là ý thức bám biển giữ làng của ngư dân bị thui chột. “Ở làng tôi, trước đây có hơn 100 hộ làm nghề, nay chỉ còn 56 hộ gia đình, đa số bọn trẻ đều không muốn theo giữ nghề cha ông bao đời nữa. Với các vạn chài khác, các làng nghề khác, tình hình đó còn diễn biến xấu hơn”. Ông Xuất thở dài như vậy.

Theo ông Trương Quang Minh, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, yếu tố sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân với nhà văn hóa tại cơ sở xã phường, thôn xóm, cùng các hoạt động tri thức đọc, môi trường… là điểm đáng quan tâm nhằm khôi phục văn hóa truyền thống bản địa. Đây là chi tiết đáng chú ý để các làng xã, đặc biệt là các vạn chài ngư dân có cơ hội định vị tổ chức tốt hơn, trước những quan ngại xã hội hiện nay. Tiến sĩ Trần Đình Hằng cho rằng, chăm sóc lại những hoạt động gắn với tâm linh, tinh thần của người ngư dân, từ các Lăng Ông miếu cô bác như hiện hữu của sức mạnh niềm tin cuộc sống trước thiên nhiên kỳ vĩ, cho đến từng điệu hát vạn chài xa xưa, sẽ giúp người ngư dân thêm mạnh mẽ để tham gia vào lịch trình cưỡi sóng vượt đại dương, góp bàn tay xây đắp kinh tế biển Việt Nam vươn khơi.

Trong những ngày cuối Đông ẩm ướt giá buốt, trên con đường về làng bích họa Tam Thanh, dọc trục ven biển Tam Quan – Hoài Hương, hay băng qua cầu Thạnh Đức nhìn hai thôn Thạch Bi Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) lặng lẽ cùng cửa biển Sa Huỳnh, người ta vẫn thấy những ngư dân lầm lũi vác chài cuộn lưới, với nụ cười chân chất trên môi. Họ vừa thắp thêm một tuần nhang nữa ở Lăng Ông, để lên thuyền vào chuyến biển mới.

Những bạn thuyền cùng nhau nhịp tay hô hát một điệu trầm hùng, như để dẻo thêm mái chèo lướt sóng. Và khi những ngư dân Sơn Trà hoàn tất mẻ lưới ven bờ để tỏa ra bãi cát những dấu chân lún nặng với mớ cá trên vai, họ lại nhìn về giữa trảng cát Mân Thái, nơi miếu thờ âm hồn bao đời uy nghiêm trấn ngự.

Muôn dặm hành trình, luôn khởi đầu bằng mỗi bước chân. Kinh tế biển với mơ ước vươn khơi hôm nay, phải chăng, đừng quên lãng đi cội nguồn sức mạnh bao đời của người ngư dân, sức bật niềm tin từ những vạn chài.

Nguyên Đức