Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27.3: Vì mục tiêu dân cường, nước thịnh

Bảo Minh - 13:15 27/03/2022 GMT+7
Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”. Nhìn lại chặng đường 76 năm qua, hoạt động thể dục thể thao Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, giành thành tích cao tại đấu trường khu vực và quốc tế.

Thực hiện lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thể thao Việt Nam đã vươn tầm quốc tế

Sắc lệnh số 14 ngày 30-1-1946 nêu rõ: Nha thể thao Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

Gần hai tháng sau Sắc lệnh số 14, căn cứ theo Quyết định của Quốc dân đại hội Việt Nam (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2-3-1946, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền thể dục, thể thao (TDTT) cách mạng của nước Việt Nam, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức khỏe của dân tộc và sự cường thịnh của đất nước.

76 năm sau lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào luyện tập TDTT Việt Nam đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới.

Theo số liệu của Tổng cục TDTT, tính đến hết năm 2021, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên ước đạt hơn 35% dân số; số hộ gia đình thể thao chiếm tỷ lệ hơn 26%. Hàng năm, các ngành, đơn vị, cơ sở tại các địa phương tổ chức khoảng 50.000 giải thi đấu TDTT.

Các hoạt động thể thao cơ sở được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia. Công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được chú trọng như: Võ cổ truyền, vật dân tộc, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bắn ná, lân sư rồng, tung còn, đánh quay…

Tại đấu trường quốc tế, Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng nể. Ảnh minh họa

Về thể thao thành tích cao, kể từ khi hội nhập trở lại tại kỳ SEA Games 1989, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến phát triển không ngừng. Tại đấu trường quốc tế, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng nể, trong đó có việc lần đầu tiên giành Huy chương Vàng Olympic quý giá. Đó là tấm Huy chương Vàng môn bắn súng của xạ thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh giành được tại Olympic Rio năm 2016.

Trong 1 năm qua, Thể thao Việt Nam có niềm vui. Vui vì Đội tuyển Futsal Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp góp mặt ở VCK World Cup và vượt qua được vòng đấu bảng. Vui vì Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và U23 Việt Nam giành chức vô địch U23 Đông Nam Á trên đất Campuchia.

Không chỉ ở môn bóng đá nam, tại môn bóng đá nữ, ĐT nữ Việt Nam đã viết câu chuyện cổ tích trên đất Ấn Độ, khi chiến thắng đại dịch Covid-19 cũng như vượt qua các đối thủ để lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự VCK World Cup.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng Cục Thể thao cho biết: “Ngành Thể thao Việt Nam quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ với phương châm đổi mới mạnh mẽ, phát huy các thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, làm cơ sở phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, việc thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được chú trọng. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng một số bộ, ngành triển khai các chương trình, nhằm thúc đẩy công tác giáo dục thể chất, hoạt động TDTT trong trường học, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tập trung tổ chức và thi đấu thành công tại SEAGames 31 trên sân nhà

Bên cạnh những quyết tâm và thành tích đạt được, ngành TDTT vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong đó, phong trào TDTT quần chúng vẫn chưa đi sâu, chưa phát triển thực chất tại một số địa phương, một số vùng miền. Việc phát triển thể thao thành tích cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xã hội hóa, việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào điều trị chấn thương, hồi phục thể lực cho vận động viên vẫn chưa được tiến hành một cách bài bản.

Nốt trầm trong 1 năm qua của Thể thao Việt Nam chính là thất bại toàn diện ở Olympic Tokyo (tổ chức năm 2021). 18 vận động viên đỉnh cao của Việt Nam dù đã thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào ở kỳ đại hội trên đất Nhật Bản. Những niềm hy vọng như Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Thị Duyên hay Nguyễn Thị Ánh Viên trở thành nỗi thất vọng.

Mổ xẻ thất bại của Thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cho rằng: “Trình độ vận động viên Việt Nam còn thấp, cách xa với tầm Olympic trong khi trình độ của vận động viên các nước đến Olympic đều là những nhà thể thao xuất sắc của thế giới.  Mặt khác, nhận thức về thể thao thành tích cao cũng chưa được thống nhất. Thành tích cao của vận động viên trên đấu trường quốc tế là “màu cờ, sắc áo”, là hình ảnh của đất nước, là vinh quang của dân tộc. Bởi vậy, các nhân tài thể thao cần phải được nhìn nhận và đối đãi giống như những nhân tài của các ngành nghề khác trong xã hội. Tiếc rằng, nhiều nhân tài thể thao Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ sống khi theo nghề”.

Phát triển TDTT là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020” đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tăng lên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT và đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao được quan tâm; đồng thời đã phát huy các nguồn lực xã hội, không ngừng đổi mới quản lý nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động TDTT…

Phát triển TDTT là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ảnh minh họa

Trong năm 2022, ngành Thể thao Việt Nam triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Khắc phục những khó khăn, rào cản của đại dịch Covid-19, phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được triển khai sôi nổi, tạo khí thế phát triển thể thao trên toàn quốc. Về thể thao thành tích cao, ngành thể thao Việt Nam tập trung tổ chức và thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEAGames) lần thứ 31 trên sân nhà; có bước đột phá về thành tích thi đấu tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19.