Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lâm Đồng tập huấn hỗ trợ hội viên nông dân liên kết sản xuất, phát triển trồng dâu, nuôi tằm bền vững

Bùi Hằng - 07:30 25/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong 3 ngày 11 - 13/9/2024, tại TP. Bảo Lộc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn về “Liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị trồng dâu, nuôi tằm theo hướng bền vững”. Tham dự lớp tập huấn có 40 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ Hội Nông dân, hội viên nông dân tại các huyện: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP. Bảo Lộc.

Phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng bền vững, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân

Qua 3 ngày tập huấn, các học viên đã được giảng viên là cán bộ có kinh nghiệm của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chia sẻ những kiến thức về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, nuôi tằm con tập trung và tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ theo hướng bền vững.

Thông qua lớp tập huấn đã giúp cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật đang công tác tại các Phòng Kinh tế, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Nông nghiệp, Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân các xã và đặc biệt là các hội viên nông dân tiếp thu được những kiến thức và tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị trồng dâu nuôi tằm theo hướng bền vững hiện nay tại các địa phương.

Các học viên tham quan, học tập thực tế mô hình nuôi tằm con tập trung ở xã Đam B’ri, TP. Bảo Lộc.

Đây là lớp học được các học viên đánh giá là rất tốt, thiết thực với thực tế của bà con nông dân hiện nay trồng dâu, nuôi tằm, phát triển các chuỗi giá trị nông sản theo hướng bền vững được nhân rộng trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các học viên còn được tham quan, học tập thực tế mô hình nuôi tằm con tập trung ở xã Đam B’ri và cơ sở ươm tơ, dệt lụa của Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh tại TP. Bảo Lộc.

Các học viên tham gia lớp tập huấn trồng dâu, nuôi tằm.

Hiện nay, diện tích trồng dâu của tỉnh Lâm Đồng là 9.882ha với khoảng trên 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm. Sản lượng lá dâu ước đạt 250.398 tấn, các giống dâu lai cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi tằm, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh dần thay thế các giống dâu cũ như S7-CB, VA-201, TBL-03, TBL-05. Sản lượng kén tằm ước đạt 14.867 tấn, sản lượng tơ tằm ước đạt 2.117 tấn.

Các học viên tham quan cơ sở ươm tơ của Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh tại TP. Bảo Lộc.

Hiện nay, với giá kén tằm đang ổn định và ở mức cao, dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, nông dân nuôi tằm đã có thu nhập khá cao. Do vậy, ngành sản xuất dâu tằm cũng đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội ở một số địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, các nông hộ tham gia dự án rất phấn khởi, nếu giữ vững và phát triển tốt thì nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ tạo điều kiện việc làm cho nhiều người lao động, làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ gia đình trong thời gian tới ở Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.

Áp dụng đúng kỹ thuật trồng dâu nâng chất lượng, hiệu quả kén tằm

Quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh áp dụng cho tất cả các vùng trồng dâu tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, theo đó:

Nhiệt độ thích hợp để cây dâu sinh trưởng từ 24-32 độ C, khi nhiệt độ trên 40 độ C một số bộ phận của cây dâu bị chết, ở nhiệt độ 0 độ C cây dâu ngừng sinh trưởng, nhiệt độ không khí tăng trên 12 độ C thì cây dâu bắt đầu nảy mầm. Là loại cây trồng ưa ánh sáng, năng suất chất lượng lá có quan hệ mật thiết với điều kiện chiếu sáng. Số giờ chiếu sáng 10-12 giờ/ngày là tốt nhất. Cần chọn đất có bề dày tầng canh tác >1m, pH từ 6,5-7,0. Cây dâu chịu mặn kém, ở những nơi có độ mặn thấp < 0,2% cây sinh trưởng tốt. Độ mặn ≥1% cây sẽ chết.

Chị Phạm Thị Thế là một trong những hộ dân nuôi tằm giỏi tại thôn 10, xã Đambri (TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Khâu chọn giống:

Một số giống dâu đang trồng phổ biến tại Lâm Đồng là giống bầu đen, giống S7-CB, giống VA-201, tổ hợp lai TBL-03, giống VA-186, giống dâu Sa nhị luân... Cây dâu có thể trồng bằng hạt (nhân giống hữu tính) hoặc trồng bằng cách giâm hom (nhân giống vô tính).

Bón lót trước trồng: Tùy theo chất đất tốt hay xấu mà quyết định lượng phân bón lót. Những vùng đất bạc màu cần phải kết hợp cải tạo đất trước khi trồng bằng cách bón vôi, lân, phân hữu cơ. Đối với những vùng đất nghèo dinh dưỡng lượng bón lót 15-20 tấn phân hữu cơ, phân lân nung chảy 700kg, 1 tấn vôi. Cách bón: Ngay sau khi đào rãnh cho phân hữu cơ, lân, vôi và một phần đất vào rãnh, trộn đều sau đó phủ thêm một lớp đất khoảng 5cm ở trên mặt và tiến hành trồng. Trong trường hợp phân chưa hoai mục, sau khi trộn phân 10-15 ngày thì mới tiến hành trồng.

Trồng dâu:

Trồng dâu bằng hom: Cắm hom xiên áp dụng với đất có tỉ lệ sét cao và đất ẩm, cắm hom xiên 450 cắm sâu ¾ chiều dài hom vào trong đất – ¼ hom trên mặt đất. Cắm thẳng đứng áp dụng đất đồi có độ ảm kém cắm hom thẳng đứng trong đất chiều dài hom được chôn trong đất chỉ chừa 1 mắt trên mặt đất.

Trồng dâu bằng cây con: Thời gian trong vườn ươm thường 50-60 ngày, khi cây trong vườn ươm đạt chiều cao 40-50cm, đường kính thân đạt 0,3cm trở lên thì nhổ đem trồng. Khi đặt cây dâu không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với lớp phân bón ở rãnh, giữ cho rễ cây dâu con thẳng, không bị cuộn lại, lấp đất kín phần cổ rễ, nén chặt đất xung quanh gốc. Chú ý: Khi lấp đất xuống rãnh chỉ lấp 2/3 chiều sâu của rãnh, sau khi đặt cây dâu xuống rãnh giữ cho cây thẳng, lấp tiếp phần đất còn lại sao cho luống dâu cao hơn rãnh 10-15cm để khi mưa không bị đọng nước ở gốc.

Chăm sóc dâu trồng mới: Sau khi trồng 10-15 ngày, hom bắt đầu nẩy mầm, tưới nước và làm cỏ thường xuyên tránh va chạm vào cây khi làm cỏ. Sau trồng 2-3 tháng nên trồng dặm để đảm bảo mật độ, có thể trồng dặm bằng hom hoặc cây con, tốt nhất là dặm bằng cây con. Sau trồng 1 tháng bón đợt đầu tiên 150kg urê/ha, sau đó định kỳ 1-1,5 tháng bón một lần với tổng lượng cho năm thứ nhất là: 400kg urê, 600kg lân, 150 kg kali/ha.

Định hình cây khi hái lá: Sau trồng mới 4-6 tháng sau có thể thu hái lá nâng dần, không nên tận thu. Tỉa để mỗi gốc từ 2 -3 thân chính, thường xuyên tỉa cành cấp 2. Chú ý trừ dịch hại cây dâu con, đặc biệt là rầy hại búp dâu.

Người dân Lâm Hà (Lâm Đồng) có kinh nghiệm nhiều năm trồng dâu, nuôi tằm.

Quản lý chăm sóc dâu hàng năm:

Làm cỏ: Tùy điều kiện từng nơi có thể làm cỏ gốc 6 lần, cỏ giữa hàng 2 lần kết hợp với việc dùng thuốc trừ cỏ như: Gramoxone, Roundup,…nên phun vào lúc cỏ đang phát triển, lúc trời nắng và xới xáo gốc 1-2 lần/năm.

Bón phân: Phân hữu cơ liều lượng bón hàng năm khoảng 15-20 tấn. Phân hữu cơ chủ yếu bón trước hoặc sau khi thu hoạch 15 ngày. Bón phân vô cơ nguyên chất gồm 400kg N, 160kg P2O5, 160kg K2O. Phân bón cho dâu cần chia làm nhiều lần để tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Sau khi bón phân, nếu có điều kiện, nên tưới nước 1-2 lần để cây dễ hấp thụ.

Đốn dâu: Là biện pháp kỹ thuật để điều khiển dâu lá theo ý muốn. Đốn tạo hình dâu khóm: Dâu sau trồng 12 tháng đốn thân chính cách mặt đất 15-20cm, tỉa bớt cành cấp 1, giữ mỗi khóm 5-6 cành cấp 1. Sau lần đốn thứ nhất 12 tháng, đốn cành cấp 1 cách thân chính 6-6cm, mỗi cành cấp 1 có 3-4 mắt khỏe. Từ năm thứ 3 trở đi đốn cành cấp 2 cách vết đốn cũ 5-6cm. Sau 8 – 10 năm khi bộ cành cấp 1, cấp 2 và cành sản xuất già và sức nẩy mầm yếu cần tiến hành đốn trẻ lại. Thời vụ đốn tại Lâm Đồng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Kỹ thuật đốn: Chọn ngày trời mát để đốn, dụng cụ đốn tốt nhất là dùng cưa máy, tránh làm dập nát vết đốn. Nếu đốn tạo hình hoặc đốn cao chú ý tỉa bỏ sạch cành nhỏ (cành tăm), bỏ những mầm dâu đã nảy trước khi đốn để dâu sinh trưởng đều. Đốn lần thứ nhất cách mặt đất 10-15cm, tỉa bớt cành cấp 1, mỗi khóm giữ 4-6 cành. Các đợt đốn sau đó đốn cách vết đốn cũ 2-3cm, sau đốn 25-35 ngày tiến hành tỉa định mầm. Đồi với dâu đang tạo cành cấp 1, cấp 2 tỉa bỏ mầm yếu, mầm bệnh, giữ lại số lượng mầm để tạo tán cho cây. Đối với dâu đốn thấp chỉ tỉa bỏ mầm yếu, giữ lại tất cả những mầm có khả năng cho năng suất.

Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dâu:

Dựa vào qui luật phát sinh phát triển của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ thích hợp. Thời điểm phòng bệnh tốt nhất từ tháng 7-10 hàng năm. Rầy búp (rệp mềm) dùng Bassa 0,2%, Bi58 0,4% phun định kỳ 20-25 ngày một lần.

Dâu thường bị bệnh bạc thau, đốm lá, cháy lá, gỉ sắt, xoăn lá. Cần hái lá kịp thời và vệ sinh đồng ruộng. Sâu đục thân, bọ gạo, sâu cuốn lá, sâu đo, sâu róm và các loại rầy rệp truyền bệnh virut xoăn lá, hoa lá. Dùng thuốc Dipterex hoặc Bi 58 tỷ lệ 10-15 %, phun sau 15 ngày mới hái lá cho tằm ăn.

Để phòng trừ có hiệu quả sự phát sinh và lây lan của các loại sâu bệnh hại cây dâu, đảm bảo nâng cao sản lượng, an toàn cho việc nuôi tằm, cần nắm vững quy luật phát sinh, phát triển của từng loại sâu, bệnh mà áp dụng các biện pháp hữu hiệu để phòng trị kịp thời.

Thu hoạch và bảo quản lá dâu:

Phương pháp hái lá: Chọn lá theo đúng yêu cầu của tằm, ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, giảm tỷ lệ sâu bệnh, tốn công lao động. Việc thu hái trên một lô dâu cần tập trung trong khoảng 7-10 ngày, không nên kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc vườn dâu. Hái dâu cho tằm ăn tốt nhất vào 8-10 giờ sáng, không nên hái quá sớm hoặc buổi trưa.

Phương pháp thu hoạch bằng cách cắt cành: Ít tốn công lao động, làm cho tươi dâu, dễ bảo quản, làm cho khoảng cách giữa các lứa nuôi dài hơn và có thời gian để chăm sóc. Phương pháp cắt cành chỉ nên áp dụng cho những vùng đất tốt, những hộ gia đình có điều kiện thâm canh cao.

Bảo quản lá dâu:  Đối với lá dâu nuôi tằm nên xếp theo lớp và phủ vải thấm nước, dâu cho tằm lớn chất thành đống có chiều dày không quá 20cm, giữ ẩm bằng cách phủ vải thấm nước (không phủ bằng nilon), cứ 2-4 giờ đảo một lần. Phòng bảo quản lá dâu phải thoáng mát, có cửa thông gió để giảm nhiệt độ của phòng.

Hội Nông dân An Giang hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho hội viên, nông dân
Là địa phương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn thực hiện Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường, An Giang đã triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục vận động, tuyên truyền nông dân tham gia canh tác lúa thân thiện với môi trường nhằm giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường.