Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu nhờ nuôi cá theo quy trình VietGAP

07:58 07/09/2020 GMT+7

Nhờ việc chuyển đổi sang mô hình nuôi cá theo quy trình VietGAP, anh Lê Văn Lâm, thôn Tầm Hạ, xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.

Ước mơ làm giàu trên quê hương

Sinh năm 1986, quê thôn Tầm Hạ, xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), anh Lâm hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lãng. Lớn lên trên vùng đồng chiêm trũng, quanh năm cày cấy, anh Lâm luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính nơi chôn nhau cắt rốn và góp phần thay đổi diện mạo quê hương mình. Ước mơ ấy chưa bao giờ tắt, luôn âm ỉ thôi thúc người thanh niên này. Anh đã chia sẻ ước mơ, mong muốn với vợ và được chị đồng tình, cổ vũ, động viên.

Giữa năm 2016, thôn Tầm Hạ có một khu ruộng trũng khoảng 4ha, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp không thuận tiện. Anh Lâm đã xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và được các chủ ruộng cùng các cấp lãnh đạo trong xã đồng tình cho làm đề án chuyển đổi. Tham gia đấu thầu và trúng thầu khu ruộng này, anh Lâm đã cho quy hoạch lại, cải tạo khu đất thành trang trại nuôi cá. Và đến nay, trang trại của anh đã được mở rộng quy mô lên đến 11 mẫu.

Trang trại nuôi cá của anh Lâm ngay từ đầu đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại theo mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Với diện tích 11 mẫu, gồm 5 ao nuôi cá được lắp đặt đầy đủ hệ thống sục khí, máy quạt nước và máy cho cá ăn tự động, ngoài ra anh còn trồng thêm 3 mẫu cỏ làm thức ăn cho cá.

Anh Lê Văn Lâm cho cá ăn.

Theo anh thì hàng ngày anh đều có mặt ở trang trại: “Nuôi cá mà không trực tiếp hàng ngày theo dõi, chăm sóc cá thì không nuôi được đâu”. Đến nay anh đã có một thời gian khá dài gắn bó với việc nuôi cá bởi trước khi làm việc này, anh đã cùng làm trang trại nuôi cá kết hợp với chăn nuôi gia cầm, gia súc cùng bố mình nên học được nhiều kinh nghiệm.

Anh Lâm bắt đầu nuôi cá từ năm 2016. Đến đầu năm 2019, sau khi anh được tham dự hội thảo về mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, anh đã quyết định phát triển trang trại theo hướng này. Sau hơn một năm triển khai nuôi các loại cá truyền thống như: Trắm, trôi, mè, chép…, anh Lâm nhận định đây là một hướng phát triển hiệu quả và bền vững bên cạnh những yếu tố “thiên thời, địa lợi” về khí hậu, nguồn nước… tại địa phương.

So với cách nuôi truyền thống trước đây, anh nhận thấy nuôi hình theo mô hình VietGAP có nhiều ưu điểm hơn. Do có thể theo dõi, quản lý được trong suốt quy trình nuôi nên giảm thiểu được rủi ro, dịch bệnh. Vấn đề môi trường được cải thiện hơn nhờ việc xử lý ao nuôi bằng các loại men vi sinh, bổ sung các loại vitamin, kiểm soát chất lượng nước định kỳ bằng các phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến… giúp nâng cao sức đề kháng cho cá, nên cá cũng mau ăn chóng lớn hơn. Cá được nuôi theo quy trình VietGAP có màu sáng bóng, mình dày, chất lượng thịt thơm ngon hơn và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đây, khi nuôi theo phương pháp truyền thống, mỗi vụ thu hoạch sản lượng cá trang trại anh Lâm thu về khoảng 70 – 75 tấn. Khi nuôi cá theo quy trình VietGAP, mật độ thả con giống cao hơn so với nuôi bình thường từ 20 – 30%, năng suất đã tăng lên 90 – 100 tấn cá/năm, thu nhập bình quân dao động từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/năm. Trong năm 2020, sản lượng cá anh dự đoán có thể đạt tới 100 – 120 tấn. Anh Lâm chia sẻ thêm, nếu nuôi theo mô hình truyền thống để tạo ra 1kg cá thịt mất khoảng 2,4 – 2,5 kg thức ăn, lợi nhuận khoảng 6.000 – 7.000 đồng/kg cá, khi nuôi cá theo VietGAP thì chỉ mất 1,7 – 1,8kg thức ăn để tạo ra 1 kg cá, lợi nhuận đạt 10.000 – 12.000 đồng/kg cá.

Ngoài ra, để giảm thiểu sức lao động trong quá trình chăm sóc cũng như phân bổ tỷ lệ thức ăn cho cá đều hơn, giảm hao hụt, kiểm soát được chất lượng thức ăn cũng như giảm thiểu lượng thức ăn thừa ở mức thấp nhất thải ra làm ô nhiễm môi trường sống của cá, anh Lâm đã đầu tư và lắp đặt hệ thống máy cho cá ăn tự động tại các ao nuôi.

Thiếu vốn – trở ngại lớn nhất cho phát triển mô hình

Khó khăn lớn nhất hiện tại của anh Lâm là vốn để đầu tư phát triển trang trại. Ban đầu, anh nghĩ không cần sổ đỏ vì là đất thầu nhưng mình có hợp đồng và đề án trang trại, đi vay ngân hàng chắc cũng được 500 triệu đồng. Thực tế không phải vậy, không có sổ đỏ thế chấp, ngân hàng không cho vay, trong khi gia đình anh đang thiếu vốn. Sau khi anh lên bản vẽ quy hoạch trang trại, cho múc đào đắp bờ, khoanh vùng với giá hợp lý và được chủ máy cho nợ tiền một năm, nhờ đó anh có động lực để tiếp tục đam mê nghề. Anh cũng được anh em, họ hàng cho vay một phần nên cũng đỡ gánh nặng chi phí đầu tư. Tổng số vốn đầu tư cho mô hình đến nay đã lên tới 5 tỷ đồng, chưa kể hàng năm đầu tư cho giống, vốn, thức ăn.

Đầu ra cũng là một trong những khó khăn lớn đối với những người nuôi trồng thuỷ sản theo hướng VietGAP như anh Lâm và cũng là lý do khiến người dân địa phương chưa an tâm theo đuổi mô hình này. Bởi các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP chưa được nhiều người biết đến. Anh Lâm chia sẻ, người dân còn thiếu thông tin về thị trường, chất lượng sản phẩm cá sạch. Vì vậy, cá nuôi theo quy trình VietGAP bán ra không chênh lệch nhiều so với cá nuôi truyền thống nên người nuôi chưa có lãi tương xứng.

Hệ thống máy sục khí, cho cá ăn tự động tại trang trại của anh Lê Văn Lâm.

Ngoài ra, anh Lâm còn gặp khó khăn trong quá trình nuôi cá như thời tiết, dịch bệnh thất thường, hệ thống điện, giao thông không thuận lợi. Con đường đi vào trang trại nuôi cá của anh vòng vèo, nhỏ hẹp gây khó khăn, cản trở lớn trong việc đi lại, vận chuyển giống, thức ăn và mỗi lần xuất bán cá.

Anh Lê Văn Lâm mong muốn chính quyền cũng như Hội Nông dân các cấp quan tâm, giúp đỡ về vốn, hỗ trợ giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, giúp anh tái đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, … để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi và quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm sạch tới người tiêu dùng, để đầu ra cho cá sạch không còn là một nỗi lo lớn. Ngoài ra, anh cũng rất mong mô hình nuôi cá theo quy trình VietGAP sẽ được nhân rộng, phổ biến hơn để người dân tại địa phương cùng nhau làm giàu.

Bài, ảnh: Tô Thị Huyền Trang