Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làng nghề truyền thống nắn nồi đất ở Kiên Giang

23:32 11/01/2019 GMT+7

Làng nghề thủ công truyền thống nắn nồi đất ở thị trấn Hòn Đất (Kiên Giang) đã tồn tại và phát triển từ rất lâu đời với các sản phẩm: cà ràng, nồi, om, ơ, chảo…

Công đoạn tạo hình cho sản phẩm nồi đất.

Xuất hiện vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, vị sư tổ của làng nghề là người Khmer, về sau người Việt đã học và phát triển thành nghề truyền thống của người Việt.

Đất sét được người dân nơi đây chọn kỹ và được lấy về từ vùng đất có loại đất sét đặc trưng của huyện Hòn Đất.

Nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, phải có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn, công đoạn đầu là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn (khung) bằng gỗ hoặc bằng đất nung, đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh.

Các sản phẩm đều được làm thủ công dưới đôi tay khéo léo của người thợ.
Nghệ nhân nắn nồi đất bằng tay, chỉnh sửa lại hình dáng và tạo mịn trên bề mặt sản phẩm trước khi mang phơi khô.
Công đoạn vỗ rất khó do đất ướt đòi hỏi phải có kỹ thuật tốt.

Sau một tuần lễ, các sản phẩm được phơi khô và có thể đưa vào nung. Trước khi nung người thợ phải sắp mọi sản phẩm lên mặt đất, chèn rơm hoặc cỏ khô vào các sản phẩm, phía trên lớp rơm có một lớp củi tràm. Người ta thường tiến hành đốt vào lúc ban đêm để dễ theo dõi lửa cháy cho đều.

Công đoạn phơi khô sản phẩm.
Hiện còn hơn 100 gia đình gắn bó với nghề thủ công truyền thống nắn nồi đất.

Thông thường người ta sẽ xếp sản phẩm có độ dày ở trong, càng ra ngoài thì các sản phẩm càng có độ dày giảm đi. Kỹ thuật này nhằm bảo đảm cân đối lửa cho sản phẩm nung, cũng như tăng thêm độ bền cho sản phẩm.

Sản phẩm sau khi được nung xong sẽ được chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.

Nguồn Văn Hiến