Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người dân vùng Lìa cùng nhau gìn giữ “Báu vật trời cho”

Đức Thủy - 13:48 09/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vùng Lìa, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị từ xưa đã là “lãnh địa” của vô vàn loại gỗ quý, đặc biệt là giáng hương, hiện loài cây này vẫn còn ở khắp nơi, đến nổi người dân cứ bước ra khỏi nhà là bắt gặp.

Gỗ giáng hương được người dân đồng bào Pa Kô gọi là “trưu”, còn người Vân Kiều gọi là “xa rưi”, là loại gỗ thuộc nhóm I rất quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao, được nhiều người ưa chuộng nên loại gỗ này ngày càng khan hiếm, thế nhưng những người dân vùng Lìa vẫn còn giữ lại và chăm sóc đã góp phần lan toả phong trào bảo vệ rừng, tạo nên tài sản vô cùng quý giá cho địa phương.

Đi đâu cũng thấy gỗ quý

Chạy dọc tuyến đường tỉnh lộ ĐT.586, đi qua các xã: Thuận, Thanh, Lìa, A Dơi,… (người dân quen gọi là đường vùng Lìa), nếu ai có hứng thú ngắm cảnh vật xung qoanh, tinh mắt thì không thể không nhìn thấy những tán cây giáng hương ở khắp nơi, chúng mọc xen vào nương rẫy và những ngôi nhà của người dân nơi đây.

Xuyên qua rừng cây, ngôi nhà của già làng Ăm Moan cùng vợ là bà Hồ Thị Tưng (thôn A Quan, xã Lìa) dần hiện ra. Già Ăm Moan ngồi trong nhà, khi được hỏi về những loại cây gỗ quý, ông đã không ngần ngại mà chỉ ra vườn kề bên mà khoe hàng chục cây giáng hương cổ thụ.

Già làng Ăm Moan cùng vợ dưới gốc cây giáng hương trong vườn nhà.

Già làng Ăm Moan 78 tuổi, cho biết số cây trên được ông đào từ rẫy đưa về trồng cũng đã gần 30 năm nay. Mới đầu ông đưa về trồng với mục đích để cho cây hồ tiêu leo, nhưng rồi cây tiêu không sống được nên ông để đó và chăm sóc cho đến bây giờ. Hiện nay mỗi cây phải một đến hai người ôm mới xuể, thấy cây lớn nhiều người tìm đến tận nhà trả giá, ngỏ ý muốn mua nhưng Ăm Moan từ chối dứt khoát không bán.

“Cây này bóng mát lắm, ở trong nhà nóng là vợ chồng tui đưa võng ra dưới cây mắc lên nằm ngủ, giờ mà bán cây đi thì con cháu sau này không có gì. Trước đây vùng này rừng thưa nhưng có nhiều cây gỗ quý cổ thụ, nhất là giáng hương, nhưng nhiều người đến khai thác, thu mua nên những cây gỗ quý ba bốn người ôm giờ không còn nữa, tiếc lắm. Giờ Ăm Moan còn cây nào là mình để lại cho con cháu thôi, không chỉ ông Ăm Moan đâu, mà nhiều người dân ở vùng Lìa này cũng có suy nghỉ như vậy thôi” già làng Ăm Moan chia sẻ.

Không những vậy già làng Ăm Moan hiện đang sở hữu một vườn gỗ trắc quý hiếm với diện tích hơn 2ha, mặc dù nhiều người đã tới trả giá tiền tỷ nhưng ông vẫn không bán với ý nghĩ để lại tài sản cho con cháu.

Vườn gỗ trắc hơn 2ha của già làng Ăm Moan

Tới ngôi nhà nằm cách một rừng ma không xa, ông Hồ Văn Phâng (75 tuổi, ngụ thôn Kỳ Tăng, xã Lìa), cho biết dòng họ của ông có một khu trong rừng ma khá rộng, khu rừng này hiện vẫn đang còn rất nhiều gỗ quý. “Trước đây trong rừng rất nhiều cây giáng hương đại thụ nhưng do đạn bom chiến tranh tàn phá nên nhiều cây đã bị ngã đổ thôi chứ người dân ở đây không dám vào rừng ma chặt cây nhỏ, chứ đừng nói là những cây gỗ lớn” ông Phâng chia sẻ.

Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, cho hay trước đây khu vực này cây giáng hương đại thụ nhiều vô kể, có cây vài người ôm vẫn không xuể, nhiều đến nổi người dân nơi đây còn đốn hạ giáng hương đưa về làm củi, vì loại này củi chắc, thổi lửa rất tốt. Giờ đây cây giáng hương vẫn còn rất nhiều, nhưng không còn thấy cây đại thụ như trước đây, cây một – hai người ôm thì đâu đâu cũng thấy, nó ở khắp bản làng, đặc biệt là trong các khu rừng ma và rẫy, vườn của người dân.

Vùng đất là “lãnh địa” của nhiều loại gỗ quý

Trước đây vùng Lìa nhiều cây đại thụ đến nổi người dân trong làng hạ một vài cây là làm đủ cả cái nhà. Đến bây giờ, nhiều ngôi nhà sàn làm bằng gỗ quý như giáng hương, thậm chí cột, kèo có cả gỗ trắc vẫn đang còn đó, nó như là một minh chứng cho một vùng đất mà người dân vẫn gọi là “lãnh địa” của gỗ quý.

Ông Hồ Văn Ép (70 tuổi, ngụ thôn A Máy, xã Lìa) người đang sở hữu “đung pựt” (tiếng Pa Kô, có nghĩa có là nhà to lớn, nhà chung), cho biết ngôi nhà dài truyền thống này được gia đình ông xây dựng từ năm 1986 cho đến nay nó vẫn như vậy. “Hồi đó nhờ thanh niên cả làng đi hạ vài cây giáng hương đưa về làm nhà, sau gần 2 năm miệt mài thì nhà mới làm xong. Nhà có 4 gian, gian giữa để thờ ông bà tổ tiên, ba gian còn lại là nơi ở của anh em chúng tôi cùng vợ, con, cháu chắt, mỗi gian có mỗi bếp lửa riêng. Giờ căn nhà dài này do con trai út của ông ở, những người khác đều ra xây nhà mới rồi, nhưng khi có việc quan trọng các anh em, con cháu lại kéo về đung pựt để ngồi lại với nhau, cùng nhau kể cho nhau những chuyện vui, rồi có chuyện gì xích mích thì cũng đều được giải quyết tại đây dưới sự chứng giám của tổ tiên” ông Ép tâm sự.

"Đung pựt" của gia đình ông Hồ Văn Ép

Tìm tới nhà ông Hồ Văn Còm (47 tuổi, ngụ thôn Kỳ Tăng, xã Lìa) để được ông dẫn lên rẫy ngắm gỗ quý, leo vài con dốc nhỏ thì hàng chục cây giáng hương đã nằm ngay trên đỉnh đầu. Đứng dưới gốc cây giáng hương ông Còm khoe, đến mùa, hoa giáng hương nở li ti, thơm phức núi đồi. Cứ mùa hoa qua thì cây kết quả. Giáng hương ở vùng Lìa thuộc loài quả to, cây càng nhiều năm tuổi thì gỗ càng đẹp càng có giá trị.

“Thời ông đang thanh niên, gỗ quý ở đây nhiều vô kể, ngoài giáng hương ra thì gỗ trắc, muồng đen,.. cũng rải rác khắc vùng. Lúc đó người dân muốn làm nhà là cứ đi vài chục bước, hạ một hai cây là đủ làm nhà để ở, thậm chí người dân cũng chặt các loại gỗ này để làm củi đốt. Hiện nay mặc dù các cây giáng hương đại thụ không còn nữa, nhưng những cây vài người ôm đầy khắp mọi ngốc ngách của bản làng. Là loại gỗ quý, nhiều người tới hỏi mua nhưng tôi không bán đâu, người dân ở đây họ cũng vậy thôi, phải để gỗ lại cho con cháu” ông Còm chia sẻ.

Cây giáng hương mộc ở mọi ngóc ngách của vùng Lìa.

Ông Nguyễn Minh Hiền - Trưởng Trạm Kiểm lâm khu vực Lao Bảo, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa - thông tin trên địa bàn 7 xã vùng Lìa chỉ có hơn 1.000ha rừng tự nhiên. Riêng rừng ma có hàng chục khu với diện tích khoảng 150ha rừng. Ở vùng Lìa, không chỉ giáng hương mà nhiều loài gỗ quý khác như trắc, muồng đen cũng còn đang hiện diện, đặc biệt là trong các khu rừng ma.

Theo ông Hiền, thời gian qua đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, trong đó có các khu rừng ma. Đối với cây gỗ nằm trong diện tích đất có “sổ đỏ” của người dân thì khi khai thác, phải được cơ quan chức năng cấp phép. Nếu tự ý khai thác loài cây quý hiếm này khi chưa được các cơ quan đồng ý thì sẽ vi phạm pháp luật. 

Xin được nói về Rừng ma ở vùng Lìa, đây là nơi các dòng họ người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô chôn cất người chết. Theo quan niệm của người đồng bào nơi đây, rừng ma là khu vực linh thiêng, được bảo vệ nghiêm ngặt không ai được phép xâm phạm, người nào tự ý đốn hạ cây hoặc tác động đến mồ mã chôn cất ở đây thì bị làng phạt rất nặng, đã có nhiều người bị làng bắt phạt bò, dê. Chính vì vậy mà hiện nay khu vực này cây gỗ quý như: Sến, lim, trắc,.. trong đó giáng hương cổ thụ vẫn đang còn rất nhiều, to đến ba - bốn người ôm, cao hàng chục mét.

Quảng Trị: Mưa dông, lốc xoáy khiến gần 400 ha lúa sắp thu hoạch bị đổ ngã
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong hai ngày 3 và 4/5), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa dông diện rộng, kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh khiến nhiều diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngã rạp, nhiều nhà dân bị tốc mái.