Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lãnh đạo TP. HCM đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân

Ái Vân - 07:24 08/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 7/1, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), Thành ủy TP. HCM tổ chức Chương trình Lãnh đạo TP. HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM; Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy; Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. HCM; Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP. HCM, cùng lãnh đạo các sở, ban ,ngành TP. HCM…

Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP. HCM cho biết: Năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua tăng trưởng ổn định với mức bình quân 5,5%/năm, Thành phố hiện có 113.634ha đất nông nghiệp, chiếm 54,23% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 65.055,8ha, đất nuôi trồng thủy sản là 10.798,5ha…Khu vực nông thôn có dân số trên 1,9 triệu người, trong đó có 49.805 lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm dân. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Một số nông sản như cá kiểng, hoa kiểng, rau gia vị… được xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM phát biểu tại buổi đối thoại
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Vân Nguyễn

Trong chương trình đối thoại, các đại biểu kiến nghị TP. HCM nên điều chỉnh trong việc thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn cụ thể về cho phép xây dựng nhà màng, nhà lưới trên đất nông nghiệp và chương trình hỗ trợ vay vốn nông nghiệp. Thành phố sớm có chủ trương giúp nông dân chuyển mục đích đất nông nghiệp khác để mở rộng diện tích xây dựng nhà màng, nhà lưới,  nhà sơ chế…  Các ngành chức năng nên thường xuyên tăng cường kiểm tra xử lý kiên quyết đối với các khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi cho rằng: Hiện nay trong việc thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp ở huyện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo quy định hiện nay, việc sử dụng các công trình phụ phục vụ sản xuất nông nghiệp là 15m² dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của người dân. Một số trường hợp xây dựng các công trình phụ trợ để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng đất không có tiếp giáp đường giao thông công cộng vẫn không được xem xét giải quyết.

Theo bà Lê Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn phân tích, theo quyết định 655/QĐ-UBND của UBND TPHCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị có quy định là dự án phải phù hợp với quy hoạch là nông nghiệp mới được hỗ trợ vay vốn. Đây là quy định còn gây cản trở cho Hóc Môn, vì đất nông nghiệp còn đan xen trong khu dân cư khó đáp ứng tiêu chí để vay vốn. Để chương trình hỗ trợ của TP. HCM đạt hiệu quả cao hơn đúng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thì cần có hướng dẫn cụ thể về cho phép xây dựng nhà màng, nhà lưới trên đất nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Các vấn đề đại biểu kiến nghị tồn tại đã lâu nhưng đến nay vẫn còn, do chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa đến nơi. Ông đề nghị Sở NN & PTNT phối hợp Sở Kế hoạch & Đầu tư báo cáo phương án xử lý những vấn đề tồn tại của quyết định 655. Đồng thời, xây dựng dự thảo tờ trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy và trình Hội đồng Nhân dân TP. HCM quy chế hỗ trợ lãi vay cho kích cầu công nghiệp và nông nghiệp.

Đối với công trình xây dựng tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp, Sở Xây dựng phối hợp với các sở có báo cáo sơ kết cập nhật bổ sung và khẳng định cái nào cho, cái nào không cho, bổ sung cái nào để tạo thuận lợi nhất cho người nông dân. Hội Nông dân nên vận động hội viên nông dân giữ đất, không nghe theo các tin đồn thất thiệt mà bán rẻ hay bán lúa non. Vận động hội viên nông dân chuẩn bị các bước tiến cho sự phát triển của tương lai.

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Vân Nguyễn

Phát biểu chỉ đạo buổi đối thoại, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM ghi nhận sự nỗ lực của hội viên nông dân trong thời gian qua đã khắc phục mọi khó khăn, tìm giải pháp phù hợp và tập trung sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tích cực góp phần cùng TP. HCM phát triển ngành Nông nghiệp. Định hướng phát triển thời gian tới, TP. HCM xác định phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Do đó, TP. HCM sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, con của khu vực, phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực…

Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM chỉ đạo Thường trực UBND thành phố, các sở, ban, ngành khẩn trương giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của cán bộ hội viên nông dân. Đồng thời, kịp thời sơ kết, tổng kết những chính sách đã ban hành để có đánh giá, phân tích việc làm được, chưa được và điều chỉnh hoặc kiến nghị Trung ương xem xét về nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách như: quy hoạch, xây dựng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị.

Hội Nông dân TP. HCM chủ động phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai các quyết định của UBND thành phố trong hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân để nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả và thu nhập cho nông dân. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để liên kết nông dân với 3 nhà gồm: nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Sát sao nắm bắt tình hình, nguyện vọng, vướng mắc của cán bộ, hội viên nông dân để đề xuất lãnh đạo TP. HCM kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

  • “Nông dân chính là tương lai của chúng ta”
    Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập AsiaDHRRA.
  • Cách trồng chuối Laba cho năng suất cao
    Chuối Laba còn được gọi với một tên khác nữa là chuối Dạ Hương bởi mùi hương thơm đặc trưng khi chín. Chuối Laba sinh trưởng tốt ở vùng đất đỏ bazan hoặc đất phù sa, nơi có nền nhiệt tương đối mát mẻ quanh năm. Nếu chăm sóc tốt, chuối cho năng suất cao và chất lượng. Mỗi buồng chuối đạt từ 25 - 30kg, cho khoảng 10 - 12 nải.
  • Từ 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 7 địa phương cấp huyện
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025.  Theo đó, từ ngày 01/01/2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn.
  • “Giải cứu” hàng nghìn phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn tránh bị bạo hành gia đình, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã thành lập Đường dây nóng 18001768, hoạt động 24h/7 ngày. Sau 3 năm đi vào hoạt động đã có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn được các tư vấn viên của tổng đài 18001768 hỗ trợ thoát khỏi cảnh bị bạo hành của người chồng, người cha trong gia đình.
  • Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
    Tháng 11/2024, một cột mốc quan trọng đã được ghi nhận khi 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn – tỉnh Nghệ An và huyện Kbang – tỉnh Gia Lai đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P (Smart Livestock Production) bởi tổ chức kiểm định và chứng nhận uy tín toàn cầu Bureau Veritas (BV).
  • Đổi mới trên quê hương Nho Quan
    ​​​​​​​Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Miền sơn cước nay đã "thay da, đổi thịt".