Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lo lắng vụ rau không kịp Tết, vườn hoa vắng thương lái hỏi mua

09:00 24/01/2022 GMT+7
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, thế nhưng nhiều nông dân trồng rau ở vùng rốn lũ tỉnh Quảng Bình lại không kịp thu hoạch đúng vụ Tết. Nhiều người trồng hoa thì thấp thỏm khi thương lái vẫn chưa đến đặt mua.

Tết Nguyên đán đã đến gần nhưng không khí tại làng hoa phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vẫn đìu hiu. Nhiều hộ trồng hoa lo lắng khi đã chuẩn bị hoa Tết nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, chưa thấy bóng dáng thương lái đến mua như mọi năm.

Trước đó, nhận định thị trường Tết sẽ có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà vườn đã giảm bớt diện tích so với những năm trước để tránh lỗ nặng khi ít người mua.

Nhiều người trồng hoa thấp thỏm khi thương lái vẫn chưa đến đặt mua.

Gia đình ông Ngô Minh Năng, ở thôn Trường Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn một trong những hộ dân trồng hoa nổi tiếng với sản lượng lớn của vùng. Năm nay gia đình ông đã cắt giảm hơn một nửa diện tích bởi lo không có đầu ra cho sản phẩm.

Ông Ngô Minh Năng cho biết, năm 2020 gia đình trồng 10.000 cây hoa cúc nhưng năm nay chỉ trồng vỏn vẹn 4.000 cây. So với các năm, thời gian này đang vào dịp cao điểm vụ Tết nhưng năm nay lại trống vắng, không thấy thương lái nào đến mua.

“Người trồng hoa cũng mong vụ Tết để có nguồn thu, mà tình hình dịch bệnh thế này dân đang còn lo ngại. Lúc mới trồng, biết tình hình dịch nên cũng trồng hạn chế hơn so với trước. Giờ cũng chưa dự đoán được, đến sát Tết mới dự đoán được giá cả thị trường, tùy theo từng giai đoạn, sát Tết cũng có mối đến mua một số ít" - ông Năng chia sẻ.

Người trồng hoa Tết ở Quảng Bình giảm diện tích do lo ngại sức mua thấp, đầu ra khó.

Còn bà con vùng lũ xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy thì lo lắng khi vụ rau không kịp thu hoạch để bán Tết. Hàng năm, vào tháng 9 Âm lịch, bà Nguyễn Thị Đông, ở thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy đã tất bật làm đất, gieo giống vụ rau Tết.

Nhưng thời tiết cuối năm 2021 thất thường, mưa lớn liên tục, vùng rốn lũ Hồng Thủy nước rút chậm, đất ngâm nước rất lâu nên nông dân không thể gieo trồng. Đợi đến khi đất khô ráo thì vụ rau Tết của bà con gieo trồng chậm tiến độ. Đến nay đã cận Tết nhưng nhiều loại như cà rốt, củ cải, mướp, su hào… củ quả đều chưa kịp lớn.

Bà Nguyễn Thị Đông lo lắng, mặc dù đã chăm sóc cây rất kỹ, bón đủ các loại phân nhưng do lịch gieo trồng chậm nên năm nay gia đình bà không có rau củ đến bán dịp Tết.

“Trồng thì nhiều nhưng giá thì rẻ, lũ lụt, ngập úng nên cây không lên được, không có thu hoạch. Vụ rau Tết trồng muộn, trồng cây rau thì phải 3 tháng mới có thu nhưng vụ rau này từ giờ đến Tết là không thu hoạch được, không có gì bán; ra Tết, đến tháng 2, may ra mới có bán. Trồng cũng đa dạng loại rau nhưng trồng nhiều lại sợ bán không được" - bà Đông chia sẻ.

Nông dân trồng rau tại vùng lũ Quảng Bình không kịp thu hoạch để bán Tết.

Cuối năm Tân Sửu, thời tiết có phần khắc nghiệt, mưa nắng thất thường khiến nhiều loại rau, cây hoa không thể phát triển được. Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết, Hội Nông dân đã đi khảo sát nhiều nơi để nắm tình hình vụ Tết của bà con nông dân. Hiện nay vấn đề lo ngại nhất của bà con vẫn là giá rau, hoa vụ Tết đang ở mức thấp, nhiều nơi không thấy thương lái đến mua.

Theo ông Trần Tiến Sỹ, Hội Nông dân đang thực hiện việc kết nối với các đơn vị đầu ra, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hoa tết giúp bà con nông dân. "Thấy tình hình nhu cầu bây giờ trong tình hình dịch cũng ít người tiêu dùng mua hoa, rau. Hội đang giao cho các trung tâm làm mô hình tiêu thụ nông sản dịp Tết, làm sao đó hỗ trợ bà con tiêu thụ, đưa một số mặt hàng rau củ quả về 1 điểm để giới thiệu. Chủ yếu dùng các hàng mẫu của các loại rau củ quả về đó để giới thiệu, kết nối điểm đến cho bà con và giúp họ bán"./.

Theo VOV

Lượng hoa tết tại chợ giảm, nhiều người chuộng lên mạng mua hoa
Thời điểm này, tại các chợ hoa truyền thống ở TP.HCM, thị trường khá trầm lắng. Nhiều tiểu thương cho hay, lượng hoa Tết nhập về giảm khoảng 1/2 so với mọi năm. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hoa tươi đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử.