Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Long An: Trang bị kiến thức, kỹ năng về truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết cho cán bộ Hội Nông dân

Trần Thủy - 16:24 26/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 25/11, tại Long An, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Long An phối hợp tổ chức lớp Tập huấn về công tác phòng, chống sốt xuất huyết cho 115 cán bộ Hội Nông dân cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An.

 

Các học viên tham gia tập huấn về công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Tại lớp tập huấn, các học viên được nghe báo cáo viên trình bày những nội dung cơ bản: Thông tin tình hình dịch sốt xuất huyết; một số đặc điểm về dịch tễ sốt xuất huyết của tỉnh; các giải pháp về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; vai trò của cán bộ Hội Nông dân cơ sở trong việc tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết;….

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh có thể gây thành dịch lớn và tỷ lệ tử vong tương đối cao. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.

Qua lớp tập huấn, giúp các học viên nắm vững thêm kiến thức, kỹ năng về công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tham gia vào hoạt động truyền thông tại địa phương như:

1. Công tác tổ chức, sẵn sàng chống dịch:

Xây dựng kế hoạch phòng, chống SXHD hàng năm.

Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, hóa chất, phương tiện..sẵn sàng cho công tác PCD, bao gồm: Nhân lực: Đội cơ động phòng chống dịch (PCD), phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong đội; Hóa chất tại tuyến huyện ít nhất phải có: 2 bộ điều tra côn trùng, 50 bộ trang phục phòng hộ cá nhân cho người đi phun hóa chất, 3 máy phun ULV đeo vai…

2. Hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy

Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và huy động cộng đồng cùng tham gia phát hiện và loại bỏ ổ lăng qăng, bọ gậy. Loại bỏ phế thải....

 Tập huấn cho Ban chỉ đạo tuyến xã, phường, mạng lưới y tế, cộng tác viên

Điều tra xác định ổ bọ gậy nguồn tại địa phương và áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp.

Tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của CTV, học sinh, các đoàn thể...

 Phun hóa chất chủ động diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao (là nơi nhiều nặm có ca bệnh và có chỉ số véc tơ cao)

3. Giảm nguồn sinh sản của véc tơ

a) Xử lý dụng cụ chứa nước

- Dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh...): dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (có nắp đậy thật kín, thả cá...).

- Lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm.

b) Loại trừ ổ bọ gậy

Đối với lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ: Dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 1 lần/tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi.

Thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...)

Các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa...): loại bộ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi.

Sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước như: các hố ga ngăn mùi, bể cảnh, lọ hoa...

4.Tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng cùng tham gia phòng chống SXH

a) Tuyến tỉnh, huyện: Phối hợp với các cơ quan thông tin tại địa phương bao gồm: đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và các phương tiện thông tin khác.

b) Tuyến xã, phường: Tổ chức các buổi phổ biến kiến thức phòng chống sốt xuất huyết trong các trường học, các buổi họp dân, khẩu hiệu, tờ tranh, các cuốn sách nhỏ, thăm hỏi của cộng tác viên y tế, truyền thanh, các buổi chiếu video... bằng những thông tin đơn giản, dễ hiểu, minh họa rõ ràng. Tùy theo đối tượng nghe mà phổ biến các thông tin như:

Tình hình SXHD trong nước, tại tỉnh, huyện hoặc xã về số mắc và chết trong một vài năm gần đây.

Triệu chứng của bệnh, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.

Nhận biết vòng đời, nơi sinh sản, trú đậu, hoạt động hút máu của muỗi truyền bệnh.

Những biện pháp cụ thể, đơn giản mà mỗi người dân có thể tự áp dụng để loại bỏ ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh.

Định ngày và thời gian thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

5. Huy động cộng đồng: Có những hoạt động cụ thể như sau:

a) Đối với cá nhân:

- Vận động từng thành viên gia đình thực hiện các biện pháp thông thường phòng chống SXHD bao gồm loại bỏ các ổ lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt.

- Phòng muỗi đốt: làm lưới chắn muỗi vào nhà. Thường xuyên ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài nếu có thể, nhất là đối với trẻ nhỏ.

- Xua, diệt muỗi: sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, hun khói bằng đốt vỏ cau, dừa hoặc lá cây. Treo mành tre, rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ hoặc sử dụng vợt điện...

b) Đối với cộng đồng: hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy cần sự tham gia tích cực của mỗi hộ gia đình, trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở của chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng của tất cả các tổ chức chính trị - chính trị xã hội.

Tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần ở những tháng cao điểm để loại trừ nơi sinh sản của véc tơ nơi công cộng và tư nhân.

Ảnh minh họa.

Tuyên truyền rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, áp phích, tranh tuyên truyền, các cuốn sách nhỏ, mạng lưới cộng tác viên y tế, hoạt động của nhà trường.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về SXHD, các biện pháp phòng chống, động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp thiết thực.

Khuyến khích các công ty thương mại, du lịch với tư cách là nhà tài trợ tham gia vào việc nâng cao cảnh quan và cải thiện môi sinh trong cộng đồng, làm giảm nguồn sinh sản của véc tơ truyền bệnh.

Kết hợp các hoạt động phòng chống SXHD với các lĩnh vực phát triển dịch vụ cộng đồng khác như: dịch vụ thu gom rác, cung cấp nước sinh hoạt... nhằm làm giảm nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng bệnh SXHD

a) Thời gian: Tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tới từng hộ gia đình trước khi phun hóa chất diệt muỗi.

b) Tổ chức thực hiện:

Đơn vị y tế địa phương tham mưu chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể (nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, ngành Giáo dục, Công an...) xây dựng kế hoạch với sự tham mưu của ngành Y tế, tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tại cộng đồng.

Thành lập đội xung kích diệt lăng quăng tuyến thôn, ấp: Thành phần gồm trưởng thôn, dân phòng, cộng tác viên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ,HộI Nông dân, Đoàn Thanh niên,... hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã để triển khai các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy tại cộng đồng.

c) Nội dung hoạt động

- Tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân để phối hợp trong hoạt động phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy.

- Đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng ngăn không cho muỗi bay vào đẻ trứng.

- Thả cá, Mesocyclop hoặc các tác nhân sinh học khác trong dụng cụ chứa nước.

- Lật úp các vật dụng chứa nước nhỏ như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm...

- Thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên, nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn, đốt.

- Lọc nước loại bỏ lăng quăng/bọ gậy.

- Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, điều hòa: cho dầu hoặc muối vào để ngăn lăng quăng/bọ gậy phát triển; cọ rửa bằng bàn chải thành dụng cụ chứa nước sử dụng thường xuyên để diệt trứng muỗi bám trên bề mặt ít nhất 1 tuần/lần.

- Xử lý bằng hóa chất diệt ấu trùng muỗi ở những nơi đọng nước như: hố ga thoát nước, hốc cây, kẽ lá cây, bế cảnh và các ổ đọng nước khác.