Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mô hình hỗ trợ nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản ở Đông Hoàng

15:50 27/11/2019 GMT+7

Trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững (T.Ư Hội NDVN) đã lựa chọn địa bàn, tổ chức khảo sát và triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình” với 1,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng. 12 hộ dân trực tiếp tham gia mô hình đã thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật đã được tập huấn, hướng dẫn.

Hơn 100 đại biểu dự Hội nghị tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản cho hội viên nông dân xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải do T.Ư Hội NDVN phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Thái Bình tổ chức. Ảnh: Tiến Đạt

Tiền đề phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản

Thời gian qua, xã Đông Hoàng chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Toàn xã trồng được gần 200ha rừng ngập mặn và rừng phòng hộ với các loại cây chủ yếu như bần, trang, mắm. Đến nay, xã đã quy hoạch, cải tạo được vùng đầm với diện tích 54,28ha cho 26 hộ gia đình trong và ngoài xã thuê để nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Các hộ dân chủ yếu nuôi các giống thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao giống… Một số hộ đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích cát lót bạt, bước đầu cho giá trị kinh tế cao.

Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Nguyễn Đình Thường ở thôn Hải Long. Ông Thường cho biết: “Bắt đầu từ tháng 3.2017 gia đình tôi tham gia đấu thầu 3.000m2 vùng đầm, cải tạo thành 2 ao, đưa vào nuôi thả 50 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau hai vụ nuôi trong năm đã cho gia đình nguồn thu 600 triệu đồng. Thấy được lợi thế từ nuôi tôm thẻ chân trắng, năm 2018, gia đình tôi tiếp tục đấu thầu đất và mở rộng diện tích lên 10 ao nuôi với 15.000m2. Từ đầu năm đến nay đã đầu tư, cải tạo được 4 ao, diện tích 6.000m2, đưa vào nuôi thả 1 triệu con tôm thẻ chân trắng. 6 ao còn lại đang tiếp tục được cải tạo để kịp nuôi thả tôm”.

Một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy nghề NTTS ở Đông Hoàng phát triển bền vững đó là việc người dân sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn trong quá trình nuôi. Thay vì sử dụng dung dịch hóa chất, kháng sinh để xử lý môi trường thì nhiều hộ nuôi tôm đã sử dụng các chế phẩm sinh học để cho ăn và cải tạo môi trường nhằm bảo đảm chất lượng nước, tạo điều kiện cho con tôm phát triển ổn định, tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cho người nuôi.

Sau khi được Văn phòng Phát triển bền vững (T.Ư Hội ND Việt Nam) phân bổ kinh phí triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình”, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Hội ND huyện Tiền Hải, Hội ND xã Đông Hoàng tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đông Hoàng cho năng suất, chất lượng cao và làm điểm cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình tham quan, học hỏi kinh nghiệm để từ đó áp dụng vào việc nuôi tôm thẻ chân trắng của từng hộ gia đình, góp phần phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Hội ND tỉnh đã cùng Trung tâm Hỗ trợ Nông dân thành lập Ban quản lý dự án. Sau khi dự án được triển khai thực hiện đã giúp 12 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng từ đó làm cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, ổn định đời sống, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Dự án góp phần giảm nghèo bền vững

Việc triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình” còn góp phần vào việc thực hiện Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu mở rộng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 trên 2.874ha, sản lượng 12.188 tấn; trong đó, mục tiêu nâng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 620ha. Đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 762ha.

Nhiều hộ dân ở Đông Hoàng nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Huyền

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cấp Hội ND trong tỉnh đã phổ biến, tuyên truyền về Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình” đến cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các hộ dân tham gia xây dựng mô hình đã được chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Đơn vị cung cấp giống đã thực hiện đúng các nội dung theo yêu cầu về số lượng, chất lượng, quy cách, chủng loại và kịp thời đến 12 hộ dân tham gia xây dựng mô hình.

Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật cũng lưu ý các hộ tham gia thực hiện Dự án có thể đối mặt với những khó khăn cần khắc phục trong quá trình nuôi tôm. Đó là, mùa lạnh nhiệt độ nước ao nuôi xuống thấp (đặc biệt nhanh khi sử dụng sục khí). Trong khi đó, đặc điểm của tôm thẻ chân trắng thích hợp với nhiệt độ từ 25 – 32oC, khi nhiệt độ xuống dưới 20oC tôm sẽ ngừng sinh trưởng, cường độ bắt mồi thấp, tôm giảm ăn, hệ số FCR tăng cao (từ 1,5 đến 1,8), tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,2g/con.ngày (so với mùa nắng là 0,3g/con.ngày), điều này có nghĩa thời gian nuôi sẽ bị kéo dài hơn khoảng 1,5 lần.

Khi mưa nhiều kéo theo cường độ chiếu sáng thấp làm tảo kém phát triển dẫn đến thiếu hụt oxy hòa tan do quang hợp bị hạn chế. Cường độ bắt mồi và chuyển hóa thức ăn kém, trong khi độ mặn, pH, kiềm thay đổi làm tôm khi lột xác thường bị chết do mềm vỏ. Sau mỗi đợt mưa lạnh kéo dài lại là lúc trời nắng, nhiệt độ nước ao nuôi tăng, tảo phát triển mạnh làm tăng độ pH, tăng sự hình thành khí NH3 gây hại đối với tôm. Bên cạnh đó, nhiệt độ nước tăng giúp cho các vi khuẩn gây bệnh bùng phát nhanh chóng làm cho tôm dễ dàng bị nhiễm bệnh (đốm trắng, hồng thân, phân trắng,..) và có thể gây chết hàng loạt.

Triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình” đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nâng cao vai trò vị thế của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh.

“Để thực hiện dự án, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ hội viên nông dân chuẩn bị ao, cải tạo ao, xử lý nước, phương pháp kiểm tra và điều chỉnh môi trường nước… nhằm đem lại năng suất, chất lượng cao; hỗ trợ quy trình, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công từ đó làm điểm cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh tham quan học hỏi kinh nghiệm”.
Bà Bùi Thị Nga – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình

Bảo Minh