Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân đổi mới tư duy

08:45 01/01/2021 GMT+7

Quy tụ được hàng chục hội viên nông dân liên kết sản xuất trên cùng diện tích tập trung hơn 130ha tại xã Lý Văn Lâm (Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau), Hợp tác xã Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn (HTX Ông Muộn) đã trở thành mô hình kinh tế hợp tác lớn mạnh. Không những giải quyết được nhiều khó khăn cho nông dân, HTX còn tạo nên thương hiệu nông sản tiêu biểu cho địa phương.

Ông Nguyên Văn Toàn giới thiệu về sản phẩm gạo VietGAP của Hợp tác xã.

“Bắt tay” khai phá vùng nhiễm mặn

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyên Văn Toàn – Chủ tịch HĐQT HTX Ông Muộn cho biết: Trước khi chuyển dịch từ vụ lúa sang lúa – tôm đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất lúa năng suất thấp, lại chịu ảnh hưởng nước mặn. Trong những năm qua, việc sản xuất kinh doanh này mới ở hình thức riêng lẻ từng hộ một cách tự phát, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật và cải tạo quản lý chăm sóc do vậy năng suất chưa cao.
Xuất phát từ tình hình đó, Ban giám đốc HTX nhận thấy mô hình kinh tế tập thể là cần thiết để hỗ trợ kịp thời cho nông dân tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Từ đó, HTX từng bước đưa chất lượng hiệu quả cây trồng vật nuôi ngày càng cao hơn, đời sống vật chất tinh thần xã viên được nâng lên rõ rệt…

“Được sự đồng thuận và hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp nên HTX đến nay đã hoạt động rất hiệu quả, càng ngày càng thu hút các hộ cùng tham gia”, ông Toàn chia sẻ.

Cũng theo ông Toàn, cùng với sự phát triển của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa – tôm, thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên, đặc biệt là chất lượng gạo đã đạt chuẩn VietGAP. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là sử dụng các loại giống mới. Từ đó, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của nhân dân từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hoá và theo hướng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Tiếp, ấp Ông Muộn – Hội viên Chi hội nghề nghiệp liên kết của HTX, chia sẻ: “Việc chuyển từ sản xuất tự do sang trồng lúa VietGAP là một sự thay đổi lớn của người dân trong xã. Mô hình này giúp cho bà con nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, 100% sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu”.

Bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khảo sát mô hình Tôm – Lúa tại ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm.

Triển vọng từ cánh đồng VietGAP

Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã xác định mục tiêu là: “Nâng tầm sản xuất nông nghiệp địa phương”. Chỉ mới gần 2 năm phát triển, HTX Ông Muộn đã có 12 thành viên và 1 Chi hội nông dân nghề nghiệp với 30 hội viên cùng tham gia, phát triển sản xuất trên tổng diện tích hơn 130ha. Toàn bộ diện tích được quy hoạch hệ thống thuỷ lợi một cách đồng bộ, hạn chế được nước bị nhiễm mặn, cùng với áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cho ra đời các giống lúa: OM 5451, OM 6162 và ST 24 đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyên Văn Toàn cho biết thêm: Hiện nay HTX đang liên kết sản xuất lúa trên 50ha theo chuẩn hữu cơ và 80ha sản xuất theo chuẩn VietGAP, năng suất trung bình hàng năm đạt từ 200 – 300 tấn lúa phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, HTX tiếp tục duy trì thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô 80ha. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thực hiện 38ha cho 12 thành viên HTX theo mô hình sản xuất lúa theo liên kết chuỗi giá trị.

Mới đây HTX cũng hoàn thành hồ sơ đăng ký chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với sản phẩm “ Gạo thơm đạt chuẩn VietGAP”. Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ đạt sản lượng khoảng 250 tấn sản phẩm lúa đạt chuẩn hữu cơ và 200 tấn lúa đạt chuẩn VietGAP để cung ứng ra thị trường.

Ngoài ra, HTX đang thực hiện phương pháp luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Đây là mô hình rất phù hợp ở địa phương thích ứng phương thức canh tác ứng phó với xâm nhập mặn. Đặc biệt, với phương pháp này cả 2 sản phẩm tôm và lúa đều an toàn cho sức khoẻ con người vì không sử dụng thuốc BVTV, không tốn chi phí thức ăn cho tôm và phân bón cho lúa.

“Thời gian qua với mô hình lúa – tôm của HTX Ông Muộn đã giúp cho các thành viên mỗi năm thu nhập từ 180 triệu đồng/ha từ cây lúa và từ 200 đến 300 triệu đồng/ha từ con tôm”, ông Toàn phấn khởi cho biết.

Đánh giá về mô hình luân canh tôm – lúa của HTX Ông Muộn, bà Trần Thị Quyết – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Cà Mau cho biết: Phương pháp luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm là mô hình được áp dụng khá nhiều. Tuy nhiên, đa số các hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ từng hộ nên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao.

Với HTX Ông Muộn, dù mới được thành lập nhưng với cách triển khai bài bản, đồng bộ được áp dụng KHKT vào sản xuất theo quy trình nên sản lượng và chất lượng đạt được kết quả tốt. Là HTX tiên phong theo mô hình kinh tế tập thể, tạo nên giá trị sản phẩm, cùng giúp nhau vượt khó, làm giàu, góp phần trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thực hiện theo Quyết định số 1483-QĐ/HNDTW, ngày 13.01.2020 của Trung ương Hội ND Việt Nam về việc triển khai thực hiện xây dựng mô hình kinh tế tập thể năm 2020, Hội ND tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát thực địa và xây dựng mô hình “Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ Lúa – Tôm theo chuỗi giá trị” tại xã Lý Văn Lâm (Tp. Cà Mau). Sau khi được tiến hành thẩm định địa điểm thực hiện xây dựng mô hình thông qua các tiêu chí của mô hình, với sự tham gia của Trung ương Hội ND Việt Nam, Hội ND tỉnh, Hội ND thành phố Cà Mau, Đảng ủy, UBND xã Lý Văn Lâm, Hội ND xã Lý Văn Lâm, Hợp tác Ông Muộn được chọn để xây dựng mô hình điểm của dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ Lúa – Tôm theo chuỗi giá trị”.

“Thời gian qua với mô hình lúa – tôm của HTX Ông Muộn đã giúp cho các thành viên mỗi năm thu nhập từ 180 triệu đồng/ha từ cây lúa và từ 200 đến 300 triệu đồng/ha từ con tôm. HTX cũng hòan thành hồ sơ đăng ký chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP với sản phẩm “ Gạo thơm đạt chuẩn VietGAP”. Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ đạt sản lượng khoảng 250 tấn sản phẩm lúa đạt chuẩn hữu cơ và 200 tấn lúa đạt chuẩn VietGAP để cung ứng ra thị trường”, ông Nguyên Văn Toàn.

Tuấn Anh