Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi ốc bươu đen tăng thu nhập trên cùng diện tích ở huyện Vị Thủy

Võ Đặng Ý - 07:31 23/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) - Những năm gần đây ốc bươu đen trở thành món ăn đặc sản và ngày càng khan hiếm ngoài tự nhiên. Việc nuôi ốc bươu đen trở thành một trong những mô hình nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao giúp người nuôi có nguồn thu nhập ổn định.

Điển hình là mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Huỳnh Thanh Thuận, ngụ ấp 6, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) - là một trong những hộ nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả trên địa bàn xã. Anh Thuận cho biết “Cách đây 3 năm trước gia đình anh lên liếp trông cây ăn trái, ao chủ yếu nuôi cá các loại, trong một lần xem thông tin anh thấy ốc bươu đen có giá trị kinh tế cao lại dễ nuôi nên anh đã tận dụng diện tích mặt nước ao, mương xung quanh vườn để thả nuôi ốc”.

Chỉ vỏn vẹn gần 2.000m2 mặt nước, ban đầu anh thả 6.000 con ốc giống, sau khi trừ chí phí sau thu hoạch, anh còn lãi hơn 15 triệu đồng từ bán ốc thịt.

Anh Thuận chia sẻ: “Sau nhiều năm gắn bó, tôi thấy nuôi ốc bươu đen trong mương vườn dễ chăm sóc hơn rất nhiều. Trong đó, có một số lưu ý quan trọng mà bà con cần biết để nuôi ốc đạt hiệu quả là: Mương vườn hay ao nuôi phải có rãnh cho nước ra vào nhằm tạo môi trường nước sạch cho ốc sinh sống và phát triển như ngoài tự nhiên, đồng thời trong mương phải thả lục bình và rêu, bèo… để kết hợp với bóng cây ăn trái phía trên liếp, từ đó tạo ra độ mát cho ốc trú ẩn và nguồn thức ăn bổ sung. Về nguồn thức ăn chính của ốc chủ yếu là những loại cây, cỏ có xung quanh vườn như cây khoai môn, lá khoai mì hay những loại trái cây bị hư, nhất là trái mít bị xơ đen được bà con bán với giá rẻ, mình mua về làm thức ăn cho ốc rất mau lớn. Do hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chi phí đầu tư để nuôi ốc rất thấp”.

Anh Huỳnh Thanh Thuận đang kiểm tra ốc bươu đen sinh trưởng.

Ngoài ra, một điều mà anh Thuận cũng đặc biệt lưu ý là, khi bà con mới mua con ốc giống về thả nuôi trong mương vườn thì không nên đổ thẳng xuống mương. Vì làm như thế ốc rất dễ bị chết dẫn đến hao hụt con giống. Do đó, cách làm là bà con để con ốc giống lên những miếng xốp được thả trên bề mặt nước, sau đó ốc sẽ từ từ bò xuống mương sinh sống; hoặc ốc còn nhỏ thì đem thả trong “vèo” lưới nuôi dưỡng khoảng vài tuần, sau đó thả xuống ao cho chúng tìm thức ăn sinh sống. Sau 3 tháng kể từ khi thả con ốc giống xuống nuôi thì bình quân từ 30-32 con ốc sẽ đạt trọng lượng 1kg. Lúc này sẽ tiến hành thu hoạch ốc thịt để bán cho thương lái. Thời gian thu hoạch mỗi đợt ốc thường kéo dài khoảng 20 ngày. Về thời gian bắt ốc để bán thường là từ 18 giờ đến 18 giờ 30 phút chiều tối. Vì lúc này, ốc sẽ nổi lên mặt nước để kiếm ăn, khi đó người nuôi chỉ cần lựa những con ốc lớn mà bắt để sẵn vào trong bao, đến sáng hôm sau thì cân cho thương lái.

Do sản phẩm được thị trường khá ưa chuộng nên từ giữa năm 2021 trở về trước, đầu ra của con ốc thịt rất thuận lợi, giá bán tại vườn có lúc lên đến 52.000 đồng/kg, còn bình quân không dưới 40.000 đồng/kg. Thế nhưng, từ tháng 6/2021 trở về đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ có phần giảm, kéo theo giá bán cũng giảm nhưng vẫn ở mức hơn 30.000 đồng/kg. Hiện thương lái thu mua với giá từ 50 - 55 ngàn đồng/kg tùy vào kích thước ốc lớn nhỏ. Do chi phí đầu tư ít nên tuy giá bán ốc thịt có giảm nhưng anh Thuận vẫn kiếm được nguồn lợi nhuận tương đối hấp dẫn khi đạt hơn 15 triệu đồng/đợt thu hoạch ốc.

Ngoài cung cấp nguồn ốc thịt cho thương lái đem đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh thì những năm gần đây, anh Thuận còn thành công với mô hình cho ốc bươu đen sinh sản để vừa tạo con giống tại chỗ cho gia đình tái đàn, đồng thời vừa cung cấp số lượng không nhỏ con giống cho người dân trong và ngoài xã có nhu cầu nuôi.

Nhận thấy mô hình hiệu quả, nên gia đình anh Thuận đã duy trì và nhân rộng cho đến nay. Bên cạnh đó anh còn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con xung quanh cùng phát triển kinh tế.

Ốc bươu đen của anh Huỳnh Thanh Thuận ấp 6, xã Vị Đông phát triển khỏe mạnh sau 1 tháng nuôi.

Ốc bươu đen là món ăn đang thịnh hành trong các nhà hàng, quán ăn và dần trở thành đặc sản. Vì vậy, tận dụng diện tích mặt nước trong các vườn cây ăn trái để nuôi ốc là hướng đi triển vọng vừa tăng thu nhập vừa nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất của hội viên nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nuôi hươu lấy nhung cho thu nhập khá
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bén duyên với con hươu từ năm 2013, đến nay sau gần 10 năm gia đình anh Trần Văn Vui và chị Bùi Thị Kim Dung ở xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã có thu nhập khá.