Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi hươu lấy nhung cho thu nhập khá

Hoàng Tính - 07:04 22/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bén duyên với con hươu từ năm 2013, đến nay sau gần 10 năm gia đình anh Trần Văn Vui và chị Bùi Thị Kim Dung ở xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã có thu nhập khá.

Năm 2013 sau một lần thăm quan mô hình nuôi hươu ở tỉnh Lâm Đồng, anh Vui đã bàn với vợ đầu tư 80 triệu đồng để mua 5 chú hươu giống về để nuôi lấy nhung.

Việc nuôi hươu lấy nhung đang là hướng đi thuận lợi cho người dân xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Đoàn

Từ việc áp dụng những kiến thức đã học từ chuyến đi thăm quan mô hình ở Lâm Đồng và những kiến thức tìm hiểu trên Internet, từ các video của các mô hình nuôi hươu trên cả nước, đến nay sau gần 10 năm nuôi, đàn hươu của vợ chồng anh Vui đã phát triển lên 29 con (17 con đực đang cho khai thác nhung và 12 con cái sinh sản).

Theo chị Bùi Thị Kim Dung (vợ anh Vui), việc nuôi hươu nhốt này không quá khó, bởi hươu chỉ ăn thức ăn xanh như: Rau, cỏ, lá cây… với mỗi con hươu trưởng thành cần cung cấp 7kg thức ăn xanh/ngày. Vốn là loài sống hoang dã vì vậy trong gần 10 năm nuôi hươu cũng không thấy có dịch bệnh.

Từ năm thứ 2 trở đi, những con hươu đực sẽ cho nhung (1-2 lạng) và từ những năm tiếp theo sản lượng nhung sẽ tăng dần. Hươu ra nhung khoảng từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau là cắt mẻ nhung cuối cùng. Nhung ra nhiều nhất là tháng 2, khi mùa Xuân đến, con nào cũng ra nhung bất kể là ra lần một hay lần hai. Nếu tháng 2 ra nhung thì đến tháng 5 được cắt nhung. Đến năm thứ 7 thì sản lượng nhung đạt cao nhất, mỗi con đạt 1,6kg nhung/năm.

Nuôi hươu chủ yếu là từ thức ăn xanh, vừa có thể trồng hoặc tận dụng tìm kiếm thêm ngoài tự nhiên. Ảnh Vũ Đoàn

Anh Trần Văn Vui cho biết thêm: Từ tháng 10 trở đi, giai đoạn trước khi lên nhung khoảng 3 tháng thì người nuôi nên chăm sóc bổ sung dinh dưỡng cho hươu để nhung được to, phát triển tốt. Trong giai đoạn này, người nuôi hươu nên bổ sung thêm mầm ngô, đậu tương bằng cách ngâm ủ hạt giống như làm giá đỗ để cho hươu ăn và cần cho ăn cà rốt để có được màu nhung đẹp hơn, chất lượng nhung tốt. Cũng vì vậy vừa qua gia đình thu hoạch được gần 10kg nhung, với giá bán khoảng 25 triệu đồng/kg, đem về thu nhập trên 200 triệu đồng.

Một số lưu ý khi làm chuồng nuôi hươu lấy nhung

Kiểu chuồng nuôi hươu:

Chuồng cũi: Chiều dài 5m, rộng 3m sử dụng thanh gỗ đóng lại thành cũi, các thanh gỗ cách nhau 10 - 15cm để phân lọt.

Chuồng sân: áp dụng cho các mô hình nuôi hươu sao lấy nhung từ trên 15 con. Trung bình nuôi 10 - 15 con cần diện tích từ 100  - 200m2

Vị trí làm chuồng:

Nên chọn vị trí cao ráo, hạn chế tiếng ồn, không bị ô nhiễm.

Vị trí làm chuồng cần thoáng mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông.

Khu nuôi nhốt riêng biệt, không nên nuôi chung với các loại gia súc, gia cầm khác tránh mầm bệnh lây lan, phát triển.

Hướng chuồng nuôi hươu

Hướng chuồng tốt nhất là hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để thời tiết thuận lợi, cường độ ánh sáng phù hợp, không có sự chênh lệch quá lớn giữa ngày và đêm.

Vật liệu làm chuồng nuôi huơu:

Vật liệu làm chuồng chủ yếu là gỗ, mái lá cọ, lá dừa, tấm tôn, màng lưới thép.

Các cột bằng gỗ cần được bào trơn, chắc chắn để không làm hươu bị xây xát.

Lưới thép quây xung quanh khu vực chuồng nuôi, nên sử dụng lưới B40.

Làm nền chuồng nuôi hươu:

Nền chuồng dậm chắc chắn, có độ dốc từ 3 - 5% để đảm bảo thoát nước tốt.

Có thể làm nền đất nện chặt, nền xi măng hoặc nền lát gạch đỏ. Tuy nhiên làm bằng nền gạch đỏ là tốt nhất, dễ thực hiện, thuận tiện cho việc dọn dẹp vệ sinh.

Ngoài ra nếu có sẵn gỗ thì bà con có thể làm nền bằng các tấm gỗ ghép khít lại với nhau.

Trong chuồng phân chia thành các ô, mỗi ô 4m2, nếu nuôi hươu đẻ thì cần 2 - 4m2.