Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

 Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD

Duy Mạnh - 13:46 02/01/2023 GMT+7
Đó là con số thống kê được đưa ra tại buổi Họp báo về kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 30/12/2022, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo

Giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp (GDP) đạt 3,36%, cao nhất trong nhiều năm gần đây

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2022, ngành Nông nghiệp có nhiều chỉ tiêu phát triển đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36%  là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN-PTNT, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm NLTS có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; kịp thời tháo gỡ nhiều rào cản thương mại. Năm 2022, xuất khẩu NLTS đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD; trong đó có bảy sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).

Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD. Ảnh minh họa

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đến nay, đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng NLTS an toàn với 2.510 chuỗi (tăng 866 chuỗi so với năm 2021), trong đó có sự tham gia của trên 300 công ty, 150  hợp tác xã, một số tập đoàn lớn tham gia chuỗi như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà... tham gia mô hình chuỗi. Phát triển nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia MTQG xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra về số xã và đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh; các nhiệm vụ giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD. Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam.

Ngành thủy sản có một năm thắng lợi khi xuất khẩu đạt 11 tỉ USD

Ngày 27/12/2022, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và kế hoạch năm 2023. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định: Năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, các quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid 19. Nền kinh tế trong nước được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Các địa phương đã và đang tích cực tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là các nội dung thực hiện nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), tạo sự chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển nghề cá bền vững. Thời tiết cơ bản thuận lợi tạo điều kiện cho nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản trên biển phát triển.

Tuy nhiên, năm 2022 đứng trước không ít những thách thức với sự biến chuyển diễn ra rất nhanh, trong một thời gian ngắn như Đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ucraina đã và đang tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo nên trong những tháng đầu năm 2022 có giai đoạn các đội tàu phải ngưng/giảm…hoạt động khai thác. Giá cả một số hàng hóa đầu vào phục vụ phát triển thủy sản tăng, nhất là giá xăng dầu, thức ăn thủy sản, nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.

Tại hội nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Nguyệt Thu cho biết năm 2022 giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn.

Đây là năm thứ hai Tổng cục Thủy sản thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm này, các chỉ tiêu của ngành đều đạt vượt mức đề ra.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch 9 tỉ USD.

Đặc biệt, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng đó là tôm với khoảng 4,2 tỉ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021), cá tra đạt 2,35 tỉ USD (tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước).

Trong năm 2023, về diện tích sản xuất, toàn ngành phấn đấu cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2022 với tổng diện tích 1,3 triệu ha. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha (tôm nước lợ 737 nghìn ha). Về sản lượng thủy sản, tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,74 triệu tấn. Ảnh minh họa

Tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,74 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Về các sản phẩm quốc gia, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,62 triệu tấn, tôm nước lợ 960 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Tổng cục Thủy sản cho biết, trong năm 2023, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tập trung tham mưu Lãnh đạo Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá năm 2022 là một năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã đưa ra kịch bản, các đối sách để tháo gỡ những khó khăn, thách thức. Năm 2022 là một năm bứt phá của ngành thủy sản khi xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế. Đây là nỗ lực rất lớn của cả ngành hàng, đặc biệt, việc duy trì chuỗi sản xuất liên tục, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường.

Năm 2022, trong bối cảnh xăng dầu tăng thì ngành nông nghiệp giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, việc tăng nuôi nhờ sự chuẩn bị từ năm 2021 hay đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng.

Bên cạnh đó, thành tựu khoa học kỹ thuật được áp dụng vào để nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh. Về chế biến, công suất chế biến đã được khai thông, giá trị gia tăng trong các sản phẩm được tăng cao.

Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy thì ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường kể cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU và gần đây là Trung Quốc. Nhờ đó, xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Về kế hoạch xuất khẩu năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,7 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2023, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức từ tháng 8-2022. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023.

Theo Bộ NNPTNT