Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nam Đàn: Gắn chương trình OCOP với phát triển du lịch

07:07 30/08/2021 GMT+7

Trong định hướng phát triển, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Nam Đàn (Nghệ An) sẽ gắn kết với tiềm năng du lịch. Theo đó huyện tiếp tục xây dựng các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết du lịch để OCOP Nam Đàn kết nối, giao lưu với các tỉnh bạn nhằm gia tăng giá trị cả về lượng và chất.

Một trong những quy trình sản xuất bột sắn dây hương chanh – sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao của huyện Nam Đàn.

Tiếp tục nâng chất

Huyện Nam Đàn không có những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, nhưng nhờ khả năng sáng tạo, cần cù của người dân và sự định hướng, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nên lĩnh vực nông nghiệp của huyện có những bước tiến khá vững chắc. Điều đó được thể hiện rõ qua các sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ những nông sản bản địa.

Với tổng số 23 sản phẩm OCOP trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, Nam Đàn hiện đang là huyện dẫn đầu về số sản phẩm đạt chất lượng trên toàn tỉnh. Để các sản phẩm tiếp tục tăng về lượng và chất, UBND huyện rất chú trọng đến các sản phẩm sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn. Huyện đã tiến hành tổ chức nhiều đoàn làm việc để kiểm tra, định hướng và chỉ đạo các xã, thị trấn và chủ thể phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế trở thành các sản phẩm OCOP. Huyện cũng xây dựng các gian hàng tại các điểm du lịch để trưng bày và giới thiệu sản phẩm đến với du khách với phương châm phục vụ khách tại chỗ bằng chính sản phẩm của địa phương.

Đồng thời, huyện khuyến khích phát triển ý tưởng sản phẩm mới, đánh giá thị trường, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm, sản xuất thử nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đánh giá hoạt động phân phối của sản phẩm trên thị trường, hoàn thiện sản phẩm và sản xuất đại trà, phát triển các hình thức liên kết sản xuất, đăng ký bảo hộ thương hiệu và hệ thống nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Để có vùng nguyên liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm OCOP, huyện chủ trương ưu tiên quỹ đất, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm phát triển du lịch như: Chanh, sắn dây, nghệ, gạo lứt huyết rồng, dò me, các sản phẩm chế biến từ sen… Cùng với đó, tập trung hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện.

Trên địa bàn huyện Nam Đàn hiện có 57 sản phẩm tiềm năng OCOP, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm thực phẩm (30 sản phẩm), tiếp đến là nhóm dịch vụ du lịch nông thôn (13 sản phẩm), nhóm thảo dược (10 sản phẩm), nhóm đồ uống (03 sản phẩm), nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí (01 sản phẩm)… Hiện nay, các sản phẩm OCOP của huyện mới chỉ tập trung 5/24 xã, thị trấn nên trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển Chương trình OCOP tại những xã có thế mạnh về vùng nguyên liệu nông nghiệp để tận dụng tối đa nguồn quỹ đất hiện có.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tại Hội nghị 10 năm tổng kết xây dựng NTM.

Gắn với các điểm du lịch địa phương

Huyện Nam Đàn là vùng đất có nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Nổi bật là các điểm di tích lịch sử cách mạng như: Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Vua Mai, Khu di tích mộ Bà Hoàng Thị Loan, Khu tưởng niệm Phan Bội Châu, Làng cổ Khánh Sơn, Chùa Đại Tuệ, du lịch sinh thái Hồ Tràng Đen, khu di tích quê nội – quê ngoại Bác ở Kim Liên… Cùng đó, các dịch vụ phục vụ du lịch như: Dân ca ví dặm, dịch vụ ăn uống (Nhà hàng Sen Quê, Nhà hàng me Hoan Hợi, Nhà hàng Sáu tỷ – Gà Nam Thái, Nhà hàng dê Cầu Đòn)… rất có tiềm năng để thu hút và phát triển du lịch đồng thời để quảng bá và bán các sản phẩm OCOP khác.

“Với mục tiêu phấn đấu có từ 40 – 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm 3 sao, 15 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao, huyện Nam Đàn ưu tiên phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh như HTX, THT, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm nhằm thu hút và phục vụ du lịch trên địa bàn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân”, ông Hồ Sỹ Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.

Huyện cũng tiếp tục triển khai xây dựng trung tâm giới thiệu và quảng bá OCOP tại các điểm du lịch của huyện; Tăng cường quảng cáo, tiếp thị sản phẩm; Triển khai nhiều các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Xây dựng video clip, tin bài quảng bá cho các sản phẩm; Phát sóng trên truyền hình hoặc đăng trên các trang báo, tạp chí của huyện; Xây dựng, xuất bản ấn phẩm, tạp chí chuyên đề OCOP quảng bá trên hệ thống tuyến du lịch; Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp huyện hoặc các doanh nghiệp mang sản phẩm OCOP tiêu biểu đến giới thiệu tại các thị trường trong và ngoài huyện. Đồng thời, tham gia hệ thống Sàn bán hàng điện tử OCOP toàn quốc và các Hội chợ OCOP được tổ chức thường niên cấp huyện tập trung vào các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của huyện (Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Vua Mai…); tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…

Hiện nay, huyện Nam Đàn đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ triển khai mô hình OVOP gắn với chương trình “Mỗi làng một nghề” cho các sản phẩm như: Miến Quy Chính, tương Sa Nam, bột sắn dây Hương Chanh, tinh bột nghệ đã được hỗ trợ từ máy móc, thiết bị đến công thức chế biến và phát triển sản phẩm. Các sản phẩm này hiện có số lượng bán ra thị trường lớn nhất hiện nay của huyện.

Để hoàn thành các mục tiêu Chương trình OCOP, huyện Nam Đàn sẽ nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa; xây dựng các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa; xây dựng các mô hình du lịch văn hóa; hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch, kết nối các điểm di tích để hình thành các tuyến du lịch nội và ngoại huyện. Đồng thời, huyện tiếp tục nâng cấp chất lượng các sản phẩm OCOP trên theo các quy chuẩn chung. Lấy du lịch để tăng cường quảng bá và bán sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời dùng sản phẩm đặc sản, chủ lực của huyện để thu hút và lôi kéo khách du lịch về địa phương.

Huyện Nam Đàn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch. Kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 – 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Bùi Ánh