Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nam Định: Giải pháp hiệu quả để nâng chất các tiêu chí

07:56 21/09/2020 GMT+7
Hoàn thành Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM) sớm hơn một năm so với mục tiêu đề ra, tỉnh Nam Định đã kiến tạo những dấu ấn nổi trội trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, những thành tựu này tiếp tục được “nâng chất” bằng những giải pháp hiệu quả của tỉnh

Hoàn thành Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM) sớm hơn một năm so với mục tiêu đề ra, tỉnh Nam Định đã kiến tạo những dấu ấn nổi trội trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, những thành tựu này tiếp tục được “nâng chất” bằng những giải pháp hiệu quả của tỉnh trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Để tìm hiểu thêm về những nỗ lực này, Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sinh Tiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM Nam Định.

Ông Nguyễn Sinh Tiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM Nam Định.

Là địa phương có những dấu ấn nổi bật trong xây dựng NTM, tỉnh Nam Định đã đúc kết được những kinh nghiệm như thế nào nhằm triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thưa ông?

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi về đích NTM, tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo và có cơ chế hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với mục tiêu đến hết năm 2020 có 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10 mô hình NTM kiểu mẫu ở xã, thôn/xóm.

Tiếp tục kế thừa thành tựu và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát huy sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nội dung Chương trình và các Nghị quyết của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông thôn. Phát huy cao vai trò của hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị trong xây dựng NTM.

Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM, với quan điểm: Xây dựng NTM chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; Cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm “Dân cần – dân biết – dân bàn – dân làm – dân giám sát – dân hưởng thụ”; phát động rộng khắp phong trào “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Trong triển khai thực hiện luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm; phát hiện khâu đột phá, khuyến khích cách làm hay, sáng tạo ở địa phương, cơ sở, như: Chọn một số tiêu chí cốt lõi để triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, khuyến khích nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP trong sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo phương châm “ly nông bất ly hương”…

Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực cho xây dựng NTM; kêu gọi người con quê hương Nam Định trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng NTM tại quê hương. Tiếp tục thực hiện phương châm: Xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; Các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn phải chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, công khai minh bạch trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông thôn. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng trong vận động, triển khai thực hiện xây dựng NTM tại địa phương. Có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng phù hợp tạo động lực cho các phong trào thi đua và huy động các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thưa ông, để triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, Nam Định sẽ chú trọng đến các tiêu chí cốt lõi nào?

Bên cạnh việc phối hợp hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng NTM nâng cao theo Quyết định 12/2018/QĐ-UBND ngày 06/6/2018 của UBND tỉnh, xây dựng NTM kiểu mẫu theo Quyết định 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tỉnh ưu tiên xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu theo 4 nhóm tiêu chí: Cảnh quan – môi trường, Văn hóa, Phát triển sản xuất và An ninh trật tự.

Tỉnh Nam Định đã tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Xin ông cho biết một số thành tựu của tỉnh Nam Định trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đến thời điểm này?

Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển trọng tâm sang xây dựng NTM nâng cao, xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu. Đến nay, tỉnh đã tổ chức thẩm định xét, công nhận cho 13 xã của 5 huyện (Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên). Sở NN&PTNT đang hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh công nhận 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019; đồng thời có trên 70 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020.

Các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu: Mô hình cấp huyện tại huyện Hải Hậu, mô hình cấp xã tại 3 xã (xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng; Giao Phong, huyện Giao Thủy; Liên Minh, huyện Vụ Bản) và gần 400 mô hình cấp thôn/xóm.

Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay đã đánh giá, phân hạng và công nhận cho 62 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 3 sao, 4 sao. Đang phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho gần 80 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đợt 2 năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có trên 130 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong quá trình triển khai, theo ông đâu là những khó khăn mà các địa phương phải đối mặt?

Từ cuối năm 2019 đến nay, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và nhất là đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế – xã hội trong đó có tiến độ triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nói riêng.

Việc triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cần nguồn lực lớn trong khi huy động các nguồn lực trong cộng đồng còn hạn chế. Một số địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM xuất hiện tư tưởng bằng lòng với kết quả đạt được. Chất lượng một số tiêu chí chưa thực sự bền vững, nhất là nhóm tiêu chí về y tế, môi trường,…

Trong thực hiện các nội dung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức nội dung về phát triển sản xuất, cải thiện môi trường. Ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân ở một số nơi còn hạn chế. Tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung ở một số địa phương còn chậm. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở một số xã đã có công trình nước sạch tập trung còn thấp.

Tỉnh sẽ lựa chọn giải pháp và áp dụng cơ chế hỗ trợ ra sao để giúp các địa phương triển khai hiệu quả NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thưa ông?

Một số giải pháp trọng tâm được tỉnh triển khai như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tới cấp ủy, chính quyền và người dân. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong đó đặc biệt coi trọng việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện hướng tới đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh Chương trình OCOP, xác định đây là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM bền vững. Triển khai tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ. Xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh – sạch – đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống.

Để tạo động lực cho các địa phương, Nam Định sẽ áp dụng cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐND, ngày 17/4/2020, quy định cơ chế hỗ trợ NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 của HĐND tỉnh với các mức hỗ trợ: Huyện Hải Hậu là 10 tỷ đồng; xã, thị trấn xây dựng NTM nâng cao là 1 tỷ đồng/xã, thị trấn; xã, thị trấn xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu hoặc có mô hình NTM kiểu mẫu là 0,5 tỷ đồng/xã, thị trấn.

Chính sách hỗ trợ cùng với tinh thần chủ động, tự chủ của các địa phương sẽ là nền tảng để Nam Định tiếp tục tạo sức bật mới trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đến nay, tỉnh Nam Định đã tổ chức thẩm định xét, công nhận cho 13 xã của 5 huyện (Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên). Sở NN&PTNT đang hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh công nhận 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019; đồng thời có trên 70 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020.

Trọng Đạt (thực hiện)