Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4: Chia sẻ những giọt hồng từ triệu trái tim

Bảo Minh - 13:15 07/04/2022 GMT+7
Hiến máu là hành động ý nghĩa và ngày càng được tuyên truyền sâu rộng với mọi đối tượng người dân. Ngày 7/4 hàng năm được chọn là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, có ý nghĩa vận động người dân ở mọi độ tuổi, ngành nghề, có đủ điều kiện tham gia hiến máu thường xuyên, để lượng máu dự trữ luôn đảm bảo cho việc điều trị và cấp cứu cho người bệnh.

Khởi đầu từ phong trào hiến máu nhân đạo

Phong trào hiến máu nhân đạo (nay gọi là hiến máu tình nguyện) đã nhen nhóm từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, được các y bác sỹ, sinh viên các trường y dược ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thanh niên, công nhân tham gia. Các hoạt động này tuy vậy còn nhỏ lẻ, không lan rộng, không thường xuyên và chưa nhận được sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể.

Phải đến ngày 24/01/1994, được sự ủng hộ của Ban Khoa giáo TW, GS.TSKH .Đỗ Trung Phấn (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu, BV Bạch Mai) đã phát động ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên có sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể trung ương thì mới chính thức đặt “viên gạch” đầu tiên cho phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.

Ngày 7/4/2000, nhân ngày Sức khoẻ thế giới với chủ đề "An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi", Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, đồng thời lấy ngày 07/4 hàng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Từ đó, ngày 7/4 được chọn là "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện".

Lãnh đạo Trung ương Hội NDVN tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh tư liệu

Đây cũng trở thành bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu tình nguyện, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Bằng những nỗ lực, vượt qua những khó khăn, phong trào hiến máu tình nguyện đã dần dần thu được những kết quả bước đầu. Năm 1994, cả nước tiếp nhận được 138.000 đơn vị máu; 15% trong số đó là từ người hiến máu tình nguyện. Đến năm 2000, số lượng máu tiếp nhận của toàn quốc là 236.740 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 30,8%, gần 90% người hiến máu là học sinh, sinh viên.

Do ngành Y tế mở rộng các kỹ thuật điều trị, nhu cầu máu ngày càng tăng cao. Giai đoạn năm 2000 - 2018, phong trào hiến máu tình nguyện nước ra có nhiều bước phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm nhấn quan trọng.

Lượng máu tiếp nhận và tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng nhanh hàng năm. Đến năm 2018, cả nước đã tiếp nhận hơn 1,3 triệu đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 98%. Cơ cấu nguồn người hiến máu chuyển dịch dần sang các lực lượng khác như: cán bộ viên chức, người lao động, nông dân, lực lượng vũ trang… Từ đồng bằng tới hải đảo, từ miền ngược tới miền xôi, người dân Việt Nam mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đều hăng hái hiến máu.

 

Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Trung ương Hội NDVN tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh tư liệu

Đây cũng là giai đoạn mà phong trào hiến máu nhận được sự quan tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan trung ương và địa phương. Từ đó, tạo ra một phong trào phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng trong nhân dân.

Giai đoạn này cũng đánh dấu sự ra đời của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện và hình thành Ban Chỉ đạo các cấp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền vận động hiến máu.

Công tác tổ chức hiến máu ngày càng chuyên nghiệp, bài bản với sự xuất hiện của hàng loạt các chương trình, sự kiện hiến máu cấp quốc gia, cấp địa phương, tạo cú huých mạnh mẽ cho phong trào hiến máu tình nguyện. Phải kể đến các chương trình hiến máu lớn như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, Trái tim tình nguyện…

Phát triển theo hướng "chất lượng, hiệu quả, bền vững"

Từ năm 2018 đến nay, hoạt động hiến máu đã được Ban Chỉ đạo các cấp thống nhất định hướng chung là phát triển theo hướng "chất lượng, hiệu quả, bền vững".

TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ: "Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là phát triển nguồn người hiến máu thường xuyên, bền vững, tăng tỷ lệ đơn vị máu thể tích 350 ml, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc người hiến máu".

TS. BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Số lượng đơn vị máu tiếp nhận của toàn quốc mỗi năm gần đây không tăng nhiều nhưng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại thường xuyên đã đạt trên 50%. Ý thức của cộng đồng về hiến máu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 tăng cao rõ rệt. Đối tượng hiến máu đã có sự dịch chuyển khi cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân… tham gia hiến máu ngày càng tích cực.

“Trước đây, vào các dịp hè và Tết, tình trạng khan hiếm nguồn máu thường xảy ra và kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng. Các ngày hội, sự kiến hiến máu lớn được khởi động và duy trì tổ chức đã giúp cho cả nước nói chung và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nói riêng khắc phục được tình trạng khó khăn đó”. TS. BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết.

Số lượng đơn vị máu tiếp nhận của toàn quốc mỗi năm gần đây không tăng nhiều nhưng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại thường xuyên đã đạt trên 50%. Ý thức của cộng đồng về hiến máu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 tăng cao rõ rệt. Đối tượng hiến máu đã có sự dịch chuyển khi cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân… tham gia hiến máu ngày càng tích cực.

Hơn 2 năm qua, mặc dù dịch bệnhCovid-19 xuất hiện và lan rộng, hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn được duy trì đều đặn, an toàn, hiệu quả với những biện pháp tổ chức rất linh hoạt, sáng tạo. Năm 2021, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 1.304.191 đơn vị máu (quy đổi sang thể tích 250 ml là 1.598.635 đơn vị), 56% là đơn vị máu thể tích từ 350 ml trở lên, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%.