Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nghiêm trọng, những dấu hiệu cảnh báo

Hải Thúy - 14:03 27/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sốt xuất huyết giảm tiều cầu nếu không điều trị kịp thời khiến bệnh nhân rơi vào nguy kịch. Đặc biệt những ngày gần đây đã ghi nhận trường hợp giảm tiểu cầu về 0 G/L, 5 G/L là mức rất nghiêm trọng, hi hữu xảy ra. Dấu hiệu nào để phát hiện sớm được tình trạng này.
Bệnh nhân sốt xuất huyết truyền tiểu cầu tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: D.Hải

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, để biết được chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết có giảm tiểu cầu hay không thì cần làm xét nghiệm công thức máu.

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 – 20 G/L.

"Với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì nên vào viện ngay. Hoặc trường hợp bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan… cũng cần đi khám ngay" – PGS. Cường tư vấn.

Theo PGS. Cường, hiện nay đã có hướng dẫn của Bộ Y tế về truyền khối tiểu cầu trong trường hợp bệnh nhân hạ tiểu cầu xuống dưới 20 G/L hoặc dưới 10 G/L kèm theo xuất huyết.

"Bệnh nhân truyền tiểu cầu phải theo chỉ định của bác sĩ, không phải theo mong muốn của cá nhân người bệnh cứ thấy tiểu cầu hạ là lo lắng muốn truyền ngay" - vị bác sĩ khuyến cáo.

Một trường hợp xuất huyết dưới da đỏ rực 2 bên chân do sốt xuất huyết. Các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết thường sẽ có ở mặt trước 2 chân, và mặt trong 2 cánh tay, đùi, mạng sườn, bụng... Ảnh: D.Hải

Giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào

Theo BSCKII Nguyễn Thị Thảo - Phó Trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Ngoài ra, tiểu cầu còn làm cho thành mạch mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng tiểu cầu làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc. Đời sống của tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày.

Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng tiểu cầu còn dưới 150 G/L bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).

Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy…

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi.

Các biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng của giảm tiểu cầu:

- Xuất huyết trên da: Các chấm xuất huyết rải rác hoặc ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng…

- Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn.

- Xuất huyết nặng:

Thoát huyết tương qua thành mạch, kéo theo mất nước;

Chảy máu mũi nặng;

Ra máu âm đạo nặng;

Xuất huyết trong cơ và phần mềm;

Xuất huyết nội tạng, xuất huyết não;

Xuất huyết kèm tình trạng sốc, vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh, tiểu ít…;

Suy hô hấp, suy tim, gan hoặc các cơ quan khác.

Nếu có các biểu hiện trên người bệnh cần mau chóng đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

Mặc quần áo dài tay.

Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.