Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người thổi hồn vào gốm, biến đất thành “vàng”

11:06 24/04/2020 GMT+7
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, gốm sứ có lúc hưng lúc thịnh, thế nhưng dù hưng hay thịnh thì ở làng gốm Bát Tràng này người ta vẫn luôn thấy xuất hiện bóng dáng của một người nặng lòng với nghề gốm. Anh chính là nghệ nhân Trần Đức Tân

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, gốm sứ có lúc hưng lúc thịnh, thế nhưng dù hưng hay thịnh thì ở làng gốm Bát Tràng này người ta vẫn luôn thấy xuất hiện bóng dáng của một người nặng lòng với nghề gốm. Anh chính là nghệ nhân Trần Đức Tân – Chủ tịch Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm Tân Thịnh.

Nghệ nhân Trần Đức Tân giới thiệu về kỹ thuật làm gốm men ngọc.

Sáng tạo những giá trị hiện đại từ gốm truyền thống

Nhắc đến Bát Tràng là người ta nhớ đến làng gốm sứ cả trăm năm tuổi (hơn 500 năm). Hiện nay làng gốm có hơn 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ, mang lại giá trị kinh tế ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Về thăm làng gốm Bát Tràng hôm nay không thể không ghé cơ sở sản xuất gốm Tân Thịnh của vợ chồng nghệ nhân Trần Đức Tân và Nguyễn Thị Thu Hằng.

Sinh ra, lớn lên và làm tại làng nghề Bát Tràng truyền thống – nơi có thể tìm thấy các sản phẩm gốm, sứ ở bất cứ đâu, nhưng gốm của nghệ nhân Trần Đức Tân luôn có chỗ đứng nhất định bởi phong cách riêng biệt và kỹ thuật men độc đáo.

Với bề dày lịch sử cả nghìn năm, tại làng gốm Bát Tràng, có nhiều dòng sản phẩm đa dạng. Trong 30 năm nghề, nghệ nhân Trần Đức Tân chọn cho mình một lối đi riêng, đó là chế tác sản phẩm gốm trang trí nội thất, đưa gốm truyền thống đi vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt của người Việt.

Nghệ nhân Trần Đức Tân chia sẻ thêm: “Nói đến gốm Bát Tràng, người ta sẽ hình dung ra những dòng men thời Lý, Trần, Lê, đó là những dòng chảy văn hóa in sâu vào tâm thức của người Việt. Thế nhưng, tôi chọn dòng gốm nghệ thuật mang tính chất trang trí đương đại để gắn bó”.

Tất nhiên chọn gốm nghệ thuật với sự thay đổi về màu sắc, họa tiết và kiểu dáng, nhưng những sản phẩm gốm đương đại trang trí của ông không mất đi các nét truyền thống của người Việt. Không hề quá khi phong ông là vua của nghệ thuật gốm trang trí đương đại bởi, từ những nét truyền thống mà ông đã thổi hơi thở cuộc sống và tạo ra sự cách điệu cho các sản phẩm. Các sản phẩm gốm sứ qua tay ông như được khoác lên mình một màu áo mới, với nét trừu tượng, huyền bí của màu sắc, lẫn trong lớp men tinh sảo, ấn tượng.

Nghệ nhân Trần Đức Tân đã nghiên cứu, sáng tạo để có những màu men riêng tạo họa tiết trang trí tinh xảo, đẹp mắt. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ, đôi lục bình men rạn cổ Bát Tràng… Điều đặc biệt, những tác phẩm thư pháp trên gốm của nhà nghệ nhân Trần Đức Tân đều do chính vợ của ông – nghệ nhân Nguyễn Thu Hằng chấp bút.

Gần đây nhất, nghệ nhân Trần Đức Tân đã cho ra mắt một bộ sản phẩm gốm men suối ngọc. Bộ sản phẩm được làm dựa trên cảm xúc về dòng suối trên gốm, rất đẹp, huyền bí nhưng cũng rất nghệ thuật. Ông Tân cho biết đây là loại men “động” biểu tượng cho sự khởi nguồn và thư giãn. Mỗi sản phẩm khi nhìn vào người xem có thể tưởng tượng ra một bầu trời, một biển khơi, một cồn đá hay một dòng suối mát. Chất men độc quyền đó được vợ ông viết lên những câu thư pháp về danh ngôn, đạo lý sống bằng tiếng Việt và có cả tiếng Anh khiến cho sản phẩm gần gũi, mang giá trị triết lý sống cao hơn.

Vừa qua, bộ sản phẩm này đã được ông gửi đi tham dự Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Sản phẩm được rất nhiều khách hàng ngợi khen, đặt hàng.

Nghệ nhân Trần Đức Tân giới thiệu về bộ sản phẩm gốm men ngọc.

Không đánh đổi truyền thống để lấy kinh tế

Là một doanh nhân, một người làm kinh tế, nhưng nghệ nhân Trần Đức Tân không bao giờ thỏa hiệp với nghệ thuật chỉ vì kinh tế. Vợ chồng ông luôn xem việc làm ăn kinh doanh chính là cơ hội để giới thiệu mang những nét đẹp về văn hóa của gốm sứ tới nhiều người hơn.

Cách đây mấy tháng nếu được chứng kiến màn biểu diễn nghệ thuật của cặp vợ chồng Đức Tân – Thu Hằng trong hội diễn các gia đình văn hóa Hà Nội, mọi người hẳn không thể quên được hình ảnh anh chị say sưa làm nghệ thuật. Anh đàn, chị viết thư pháp trên gốm, nhìn khung cảnh ấy ít ai biết rằng đó lại là cặp vợ chồng doanh nhân có tiếng tăm nhất nhì làng gốm Bát Tràng.

Chia sẻ về cái nghề ông đã gắn bó suốt cả cuộc đời, nghệ nhân Trần Đức Tân nói: Nghề gốm là từ đất, từ những thứ như vô tri, mình tạo ra được bản vật, những sản phẩm trong đời sống mang tính mỹ thuật, để lại muôn đời. Có lẽ, chẳng ở đâu, người ta sống nhờ đất nhiều như ở ngôi làng Bát Tràng này.

“Những người thợ có giao cảm với đất. Nếu không có những người yêu đất, yêu gốm, tôi nghĩ, nghề gốm không thăng hoa như bây giờ. Gìn giữ tinh hoa của nghề là điều mà những người làm gốm luôn đau đáu” – nghệ nhân Trần Đức Tân khẳng định.

Yêu nghề, gìn giữ nghề của cha ông nhưng nghệ nhân Trần Đức Tân luôn trăn trở, làm thế nào để có thể tìm được một lối đi riêng giữa những cái chung. Chính bởi vậy, ông luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người dùng nhưng cũng vừa giữ được nét tinh túy của nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng.

Hiện nay hợp tác xã của ông đang tạo việc làm cho khoảng 20 nhân công. Các sản phẩm của ông được bày bán trong nước, cung cấp sản phẩm đồ gốm nội thất cho các nhà chung cư, khách sạn, resort… ngoài ra còn cung cấp cho nhiều thị trường trong đó có thị trường châu Âu như: Đức; Pháp; Anh…; hay ở châu Á như: Nhật, Hàn Quốc. Điều đáng trân trọng chính là ông và những thành viên trong hợp tác xã luôn tâm niệm phải đưa sản phẩm gốm sứ tới gần người tiêu dùng hơn bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm.

“Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này chính là sáng tạo được nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa và đưa được các sản phẩm gốm sứ tới tay người tiêu dùng. Song song với đó Hợp tác xã Tân Thịnh cũng sẽ cố gắng tạo ra các sản phẩm gốm trang trí với chất lượng cao nhất, giá thành hợp lí nhất cho người tiêu dùng” – ông Tân nói.

“Mấy chục năm làm nghề nhưng hiện tại, ông vẫn cảm thấy mình đang dần “ngộ ra nghề” là cần học hỏi, sáng tạo nhiều hơn. Đối với ông, đã là “đứa con tinh thần”, tác phẩm mình làm ra, ông đều tâm đắc nó. Từ đó, muốn tạo ra những cái mới hơn, mang đến những sản phẩm có giá trị về công năng sử dụng, về mỹ thuật cũng như giá trị về văn hóa”.
Nghệ nhân Trần Đức Tân.

Nguyệt Anh