Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những biện pháp phòng muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết

Ngọc Thúy - 11:18 14/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những nơi đã từng phát sinh dịch sốt xuất huyết thì khả năng cao sẽ lại tiếp tục phát sinh dịch do quần thể muỗi gây bệnh vẫn còn, cần đặc biệt quan tâm các biện pháp phòng ngừa.
Vệ sinh sạch sẽ chum vại, chai lọ... để muỗi không còn nơi sinh sản.

Không mở cửa sổ lúc sáng sớm

Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ngày càng có sức sống dai dẳng hơn, thậm chí có những con muỗi đã kháng thuốc. Nên có những nơi, dù đã phun thuốc diệt muỗi, vẫn bị sốt xuất huyết.

TS. Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng Trung ương cho hay, khi đi điều tra về thực trạng muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thì thấy rằng, những khu vực mà có số lượng muỗi chỉ 0,3 con/hộ gia đình là những khu vực ít/gần như không có khả năng bị bệnh sốt xuất huyết.

Do vậy, trong một hộ gia đình, chỉ cần có từ 1 con muỗi trở lên là có thể có nguy cơ bị lây nhiễm. Điều đặc biệt là quần thể muỗi gây bệnh sốt xuất huyết tồn tại rất dai dẳng. Nếu năm ngoái đã bị mắc sốt xuất huyết thì khả năng lớn năm nay lại tiếp tục có người mắc ở khu dân cư đó.

Để phòng ngừa sốt xuất huyết, TS Phạm Thị Khoa cho hay nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết loăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước. Những chậu cây phát lộc trong nhiều gia đình lâu ngày không thay nước cũng có thể là nơi phù hợp để muỗi sinh sôi.

Nếu xung quanh nhà có các ao, mương nước… thì phải sử dụng chất diệt bọ gậy Hantephot hoặc Apat để rắc lên vùng có nước mỗi tuần 1 lần.

Đặc điểm của muỗi sốt xuất huyết là chỉ hoạt động vào ban ngày nên để phòng muỗi vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa lúc sáng sớm. Đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.

Trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều, khi có nắng lên là muỗi ít hoạt động hơn. Khoảng thời gian nhập nhoạng tối, muỗi có thói quen bay vào nhà để tìm nơi trú ngụ nên cũng hạn chế mở cửa thời điểm này.

Muỗi thường thích tập trung ở nơi râm mát, ẩm ướt. Đối với các gia đình có vườn cây quanh nhà rộng, có thể diệt muỗi bằng cách phun cồn y tế vào gốc cây. Nếu nhà có nhiều rãnh nước thải xung quanh, hãy dùng dầu hỏa đổ lên mặt nước của rãnh nước thải, muỗi sẽ không thể đẻ trứng.

Dùng hương muỗi, chế phẩm thảo dược

TS Khoa khuyên, để phòng bệnh sốt xuất huyết, có thể sử dụng hương muỗi để đuổi muỗi ra khỏi nhà. Tuy nhiên hương muỗi chỉ làm muỗi ngất hoặc bay đi nơi khác chứ muỗi không chết, do đó khi dùng hương muỗi phải dùng liên tục ít nhất trong vòng 1 tuần. Sau khi đốt hương thì phải quét nhà để dọn sạch muỗi ngất đi. Khi nào không nhìn thấy có muỗi trong nhà thì mới ngừng đốt hương.

Ngoài ra có thể sử dụng các loại dung dịch đuổi muỗi thảo dược để lau nhà cũng có tác dụng chống muỗi rất tốt. Đối với trẻ em có thể sử dụng các loại chế phẩm xịt chống muỗi thảo dược an toàn cho sức khỏe.

Việc phun hóa chất phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế, nguyên tắc chỉ phun ở các khu đã phát sinh ổ dịch chứ không phun hóa chất để phòng ngừa vì nó ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Nếu gia đình bạn có điều kiện, có thể lắp đặt cửa chống muỗi ở tất cả các cửa và ô thoáng. Việc này giúp ngăn chặn muỗi xâm nhập vào bên trong nhà bạn, bảo vệ mọi thành viên trong gia đình. Tuy nhiên cách này nên thực hiện đồng thời với nhiều cách khác, vì muỗi có thể không bay được vào nhà, nhưng bạn thì chắc chắn sẽ có lúc phải ra khỏi nhà. Khi đó cửa chống muỗi không thể bảo vệ được bạn nữa.

Nếu có sở thích trồng cây cảnh, thay vì các chậu cây cảnh kín mít, bạn hãy xen vào đó những cây đuổi muỗi hữu ích. Cây đuổi muỗi đó là cây ngũ gia bì, loài cây này có đặc tính ngăn không cho muỗi sinh sản. Ngoài ra còn có sả, húng lụi, húng quế, bạc hà, cây tùng thơm... Bạn có thể trồng nó ở cửa sổ, cửa chính hoặc trong vườn tùy thích.

Miếng dán chống muỗi được nhiều gia đình sử dụng. Miếng dán này thường được chiết xuất từ tinh dầu sả hay bạch đàn chanh. Cần lưu ý nguy cơ bị mần ngứa, phồng rộp da là rất gần, đặc biệt là đối với da của trẻ em còn non nớt, sức đàn hồi kém thì rất dễ phản tác dụng. Nếu sử dụng miếng dán chống muỗi, chỉ nên dùng sản phẩm của hãng có uy tín, ghi rõ thành phần.

Kem bôi chống muỗi cũng được nhiều gia đình lựa chọn. Thị trường sản phẩm kem bôi chống muỗi rất phong phú, đa dạng. Bôi kem chống muỗi là một trong những cách hiệu quả để ngăn ngừa sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một số người có thể phản ứng xấu với các hóa chất có trong kem chống muỗi, vì vậy, bạn nên kiểm tra thành phần của loại sản phẩm này trước khi sử dụng.

GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam khuyên, nếu nhà không trồng cây húng lủi, bạn có thể ra chợ mua một nắm húng lủi, vò nát, đặt trong góc nhà, nóc tủ, bệ cửa sổ… cũng có tác dụng ngăn muỗi trong 1-2 ngày. Mùi hương của bông và lá cây cúc vạn thọ là mùi mà muỗi rất không ưa. Trồng một vài chậu hoa cúc vạn thọ quanh nhà, ngoài vườn cũng là cách để hạn chế muỗi tấn công con người.

Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn như dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh. Hiện nay tại Quảng Ninh và miền Bắc, sốt xuất huyết đang là đỉnh điểm của dịch nên người dân cần lưu ý chủ động phòng bệnh sớm.

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh, việc phòng chống bênh sốt xuất huyết cần sự tham gia chung tay của tất cả các ban ngành đoàn thể hạt nhân chính là sự tham gia tích cực của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình thực hiện diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy triệt phá tận gốc nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh.

 

Những lưu ý khi sử dụng paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết

Theo TS, BS. Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn. Virus sẽ tấn công tế bào máu, gan, lá lách khiến bạch cầu và tiểu cầu giảm. Tình trạng viêm nhiễm toàn thân khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, đổ mồ hôi nhiều, gây mất nước cùng với sự rò rỉ huyết tương vào các khoang trong ổ bụng và khoang ngực dẫn đến máu đặc lại. Điều này gây ra huyết áp thấp và lượng máu cung cấp cho mô kém và làm tăng nguy cơ tổn thương thận, gan, tim và cuối cùng là não. Trong trường hợp nghiêm trọng, với lượng tiểu cầu rất thấp, bệnh nhân có thể bị chảy máu tự phát như chảy máu mũi, chảy máu răng, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, rong huyết và trường hợp xấu nhất là xuất huyết trong não.

Các triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết thường là sốt cao (39-40OC) kèm nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng đặc biệt là vùng hạ sườn phải kèm theo buồn nôn, nôn và các biểu hiện xuất huyết da niêm.

Bác sĩ Minh Tuấn nhấn mạnh, hiện chưa có thuốc kháng virus cụ thể để điều trị sốt xuất huyết. Nghỉ ngơi tại nhà hoặc nhập viện để được chăm sóc và áp dụng các biện pháp giúp giảm đau, hạ sốt như lau mát, uống thuốc hạ sốt, nước điện giải… sẽ giúp làm giảm tình trạng mệt mỏi, khó chịu.

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau an toàn và hiệu quả được khuyến cáo điều trị các triệu chứng của sốt xuất huyết. Paracetamol tác động trực tiếp lên các trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi (vùng nhỏ ở trung tâm bộ não), làm tăng sự tản nhiệt của cơ thể thông qua giãn mạch và tiết mồ hôi.

Cơ chế tác dụng của paracetamol còn liên quan đến sự ức chế enzym cyclooxygenase (COX - chất tham gia vào quá trình sản xuất prostaglandin, hoạt chất trung gian gây viêm, đau, sốt…) của hệ thần kinh trung ương chứ không tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, nên giúp giảm đau, hạ sốt an toàn mà không gây ra tác dụng phụ. Do đó, paracetamol giữ vị trí "độc tôn" về hạ sốt giảm đau, an toàn cho cả người lớn và trẻ em, được chỉ định trong các bệnh nhiễm trùng như sốt xuất huyết để giảm đau và hạ nhiệt.

Trong khi đó, aspirin, ibuprofen và các thuốc chống viêm không steroid khác chống chỉ định vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm dạ dày, rối loạn chức năng tiểu cầu, chảy máu trong ở bệnh nhân. Đồng thời nhóm thuốc này còn làm ức chế COX-1 có trong mô cơ thể nên dễ gây ra các tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày-tá tràng…

Bác sĩ Tuấn đặc biệt lưu ý, dù paracetamol là thuốc không kê đơn, có thể mua được ở các nhà thuốc, tuy nhiên để an toàn và hiệu quả cần phải sử dụng đúng liều lượng, trong thời gian cho phép, cụ thể: liều paracetamol được tính theo 10-15mg/kg/ lần, lặp lại sau 4-6 tiếng.

Chính vì thế, khi có các triệu chứng nghi bị sốt xuất huyết hoặc đã được chẩn đoán và điều trị tại nhà người bệnh chỉ dùng paracetamol trong liều lượng cho phép và khoảng cách giữa các liều đúng thời gian. Không nên tự tiện tăng liều hoặc uống các liều tiếp theo trong khoảng thời gian ngắn.