Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những chi hội trưởng nông dân đau đáu với việc thôn

Thành Nam - 07:18 13/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Là Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Thượng Đại Vượng và thôn Thử Hòa (xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liên, tỉnh Hà Nam) bà Trần Thị Phương và Phạm Thị Hoa luôn đau đáu tìm mọi cách giúp bà con nông dân quê nhà có cuộc sống khá giả. Các bà đã đi vận động từng người, từng nhà tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Nông dân sẽ nhận được sự trợ giúp phát triển kinh tế gia đình, và học được cách bảo vệ quyền lợi của mình.
Bà Phạm Thị Hoa, Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Thử Hòa, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam được hội viên trong chi hội quý mến là người có tâm huyết, trách nhiệm với phong trào nông dân.

Vận động được nhiều bà con tham gia sinh hoạt Hội

Gần 20 năm gắn bó với công tác Hội, năm 2000, bà Trần Thị Phương được hội viên nông dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Thượng Đại Vượng. Nhận trách nhiệm mới, bà đã đi “từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, vận động bà con trong thôn tham gia sinh hoạt Hội. Đi đến đâu bà cũng phân tích, tuyên truyền những cái lợi khi tham gia sinh hoạt chi hội sẽ được học hỏi, giao lưu, được sẻ chia kinh nghiệm sản xuất, được vay vốn làm ăn, kinh nghiệm giữ lửa hạnh phúc gia đình… Để thuyết phục bà con, bà đã lấy những tấm gương làm ăn giỏi trong tỉnh làm minh chứng, qua những câu chuyện bình dị của bà, bà con đã tự nguyện tham gia. Lúc bà mới nhận công việc, chi hội chỉ có 100 hội viên, sau một thời gian chi hội đã phát triển lên 300 hội viên.

Là người đứng đầu chi hội, muốn phong trào chi hội có nhiều hoạt động, với vai trò là chi hội trưởng bà đã đến từng cơ quan chuyên môn, Hội địa phương nhờ trợ giúp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và phổ biến những chủ trương chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là  những chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và hướng dẫn hội viên làm thủ tục, cách thức làm hồ sơ vay vốn phát triển sản xuất, chi hội đã giúp 34 hộ vay trên 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Đến nay, thôn Thượng Đại Vượng có trên 80% hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Chi hội cũng xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 300 triệu đồng, giúp 10 hộ vay vốn phát triển sản xuất, cho vay không tính lãi, hỗ trợ ngày công, giúp cây, con giống và khoa học kỹ thuật. Chi hội do bà làm thủ lĩnh ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ gia đình hội viên nông dân khá, giàu chiếm 70%.

Cũng giống như bà Phương, bà Hoa có gần hai chục năm công tác Hội, từ khi được giao trọng trách bà thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Để chi hội hoạt động hiệu quả, bà Hoa đã đi gặp các ban, ngành trong xã giúp đỡ tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên; các lớp tuyên truyền những quy định pháp luật về Dân sự, Đất đai, Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế… giúp hội viên nâng cao kiến thức pháp luật, có ý thức chấp hành pháp luật, sống hòa thuận; thôn xóm của bà luôn đảm bảo an ninh trật tự.

Nhằm đẩy mạnh phong trào giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bà Hoa đã tới từng gia đình hội viên nông dân vận động đóng góp quỹ hội để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bà đã giúp 35 hộ cách thức làm hồ sơ vay vốn với số tiền trên 1,9 tỷ đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội. Các hộ được vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Đến nay, chi hội của bà có 100 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, tỷ lệ hộ nghèo của chi hội giảm dần trong các năm.

Đánh giá, nhận xét về năng lực làm việc của bà, lãnh đạo Hội Nông dân xã Thanh Nguyên và xã Thử Hòa nơi bà công tác đều nhận định các bà là chi hội trưởng nông dân gương mẫu, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, luôn tìm tòi đổi mới nội dung sinh hoạt chi hội, vận động hội viên đóng góp hội phí, xây dựng quỹ Hội để có nguồn thăm hỏi và giúp hội viên nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm liền chi hội do các bà phụ trách luôn đạt vững mạnh, xuất sắc.

Bà con nông dân tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Kêu gọi hội viên đóng góp xây dựng nông thôn mới

Năm 2020, UBND tỉnh Hà Nam công nhận xã Thanh Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đánh giá về kết quả duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của địa phương, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm khẳng định, sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục được đầu tư đồng bộ, môi trường, cảnh quan nông thôn luôn sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo; nếp sống văn minh nông thôn không ngừng nâng cao. Riêng năm 2021, huyện Thanh Liêm đã huy động được gần 113 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn…

Xã Thanh Nguyên tiếp tục huy động sức dân củng cố hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã đang tích cực huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nỗ lực thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân các thôn hiến đất và tài sản trên đất cho địa phương nâng cấp các tuyến đường giao thông; các hội đoàn thể huy động cán bộ, hội viên, đoàn viên làm vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh… để xây dựng tuyến đường sáng- xanh - sạch - đẹp.

Nhằm góp phần đưa địa phương về đích xây dựng nông thôn mới, bà Phương, bà Hoa cùng các cán bộ chi hội tích cực, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông liên thôn. Hưởng ứng  lời kêu gọi của Hội đã có hàng chục hộ hội viên, nông dân của hai thôn đã hiến hơn nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, 100% tuyến đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa; trồng chăm sóc gần 1km cây xanh dọc hai bên đường góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh- sạch- đẹp; chỉnh trang nhà văn hóa thôn, nhà ở, khuôn viên, tường rào, cổng ngõ, công trình vệ sinh, phân loại rác thải tại gia đình, vệ sinh vỏ bao bì thực vật trên cánh đồng; tham gia xây dựng mô hình tự quản, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư.