Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những cô giáo “ươm mầm” trên núi đá

Quang Tú - 07:04 20/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) “Những ngày đầu công tác tại Trường Mầm non Nà Hẩu (xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) thực sự khó khăn. Lớp học, bàn ghế đều không có, phải học chung với cấp tiểu học và THCS. Từ điểm trường chính vào các điểm lẻ phải đi bộ hơn 3km, lội vài con suối mới đến được, có những hôm mưa rét, cô giáo phải đến tận nhà để gọi học sinh đến lớp… Nhiều lúc nản nhưng nghĩ thương các con, vẫn cố gắng, gắn bó với trẻ em vùng cao đến tận bây giờ” - cô giáo Chu Thị Chỉ chia sẻ.
Cô Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Hẩu trao đổi với phụ huynh về việc hoàn thiện ngôi nhà sàn để tái hiện lại bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.

Nà Hẩu - nơi có 67% trẻ thuộc diện hộ nghèo

Xã Nà Hẩu nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, có diện tích tự nhiên 5.639,52ha nhưng đất nông nghiệp chỉ có 73,3ha, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, có 438 hộ với 100% là đồng bào dân tộc Mông, 67% trẻ thuộc diện hộ nghèo. 

Chia sẻ về những năm tháng tình nguyện lên Nà Hẩu để gây dựng trường mầm non, cô giáo Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Hẩu cho biết: Lúc ấy, cô đang làm hiệu phó của trường mầm non đã đạt chuẩn Quốc gia, lại ở gần nhà. Tháng 8/2018, khi có quyết định tách từ Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu, trường mầm non chưa có gì nhưng cô Phạm Thị Thanh đã xung phong lên đó với suy nghĩ rằng mình còn trẻ, mình cũng muốn cống hiến chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác. 

“Trải qua 5 năm cho đến giờ, khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, xúc động vì mình đã cùng tập thể giáo viên, nhân viên và phụ huynh ở nơi đây gây dựng trường từ đầu. Khi tôi tiếp nhận trường thì cơ sở vật chất chỉ có 1 dãy nhà gỗ có 4 phòng học và nằm chênh vênh trên núi cao không có lan can bảo vệ”- cô Thanh chia sẻ. 

Việc đầu tiên khi về làm hiệu trưởng, cô Thanh huy động toàn bộ giáo viên và phụ huynh làm lan can xung quanh trường để bảo vệ cho trẻ. Và một kỷ niệm không thể nào quên đó là cuộc họp để xin ý kiến về việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ, cô Thanh kể: “Lúc đó tôi báo cáo với lãnh đạo địa phương dự kiến khi tổ chức nấu ăn sẽ thu mỗi trẻ 3kg gạo, 1 bó củi và 6.000 đồng/tháng. Khi đưa ra cuộc họp, phụ huynh cho rằng đóng góp gạo như thế thì các cô rất khó nấu ăn vì gạo của nhà này ngon, nhà kia không ngon và họ quyết định dù khó khăn thật nhưng sẽ đóng tiền để các con được ăn bán trú ở trường. Nghe vậy, tôi thấy thực sự vui và hạnh phúc vì bước đầu như thế đã thành công. Khi tiếp nhận trường, 100% gia đình trẻ là người Mông thì tôi nghĩ việc vận động sẽ rất khó khăn, được phụ huynh ủng hộ, có nghĩa là họ có niềm tin đối với mình”. 

Sau 1 năm hoạt động, cô Thanh tiếp tục đưa điểm bản Tát về trường chính, giáo viên và phụ huynh đều trăn trở. Nhiều gia đình xa trường nhất cũng phải 8km đường rừng, cô nhờ cán bộ địa phương, thôn bản đến vận động. Lúc đó Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất kiên cố xây dựng 6 phòng học, phụ huynh đến thăm rất phấn khởi. Phụ huynh cho rằng đi xa thế thì rất khó khăn nhưng họ bàn bạc với nhau, hôm nay tôi đưa đi thì ngày mai đến lượt anh, cứ như thế 1 phụ huynh đưa 3-4 cháu. “Nghe vậy, tôi thực sự xúc động khi cảm nhận được sự tin tưởng, đồng tình của phụ huynh dành cho cán bộ, giáo viên ở trường mầm non này” - cô Thanh nhớ lại.

“Như những nơi khác, làm công tác tuyển sinh đầu năm thì phụ huynh tự chuẩn bị giấy tờ đến trường để nộp, nhưng ở đây thì ngược lại, cô giáo đến nhà vận động, cầm bút viết đơn, hoàn thiện hồ sơ giúp phụ huynh nhập học cho con. Dù nhận thức của phụ huynh vẫn còn thấp nhưng nếu giáo viên không tâm huyết, nhiệt tình thì những việc như vậy sẽ rất khó khăn” - cô Thanh chia sẻ thêm .

Cô Chu Thị Chỉ chia suất cơm trưa cho trẻ tại điểm trường Ba Khuy.

Cô giáo đến từng nhà gọi học sinh 

11 năm công tác ở Trường Mầm non Nà Hẩu, cô giáo Chu Thị Chỉ đã chứng kiến mọi khó khăn, thiếu thốn, thiệt thòi của trẻ em nơi đây. Cô Chỉ tâm sự: Ngày đấy xuất phát từ lòng yêu nghề, lại còn trẻ cũng muốn cống hiến, chăm sóc cho trẻ. nên năm 2011, tôi viết đơn tình nguyện về công tác tại trường Nà Hẩu. Lúc đó, Nà Hầu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đường xá đi lại khó khăn, 1-2 tuần mới về thăm nhà 1 lần.

Trước đây khi còn điểm trường ở bản Tát, phải đi bộ 3 cây số, lội qua mấy con suối mới đến được lớp học, trường chưa tổ chức ăn bán trú nên trẻ đi bộ cùng các anh chị đi học, xách cặp lồng cơm mang đi ăn trưa. Nhìn thấy hình ảnh đó rất thương, ấn tượng mãi không thể nào quên được. Thức ăn thiếu thốn, một số ít bạn được bố mẹ chuẩn bị cho quả trứng hoặc tí thịt còn chủ yếu là ăn cơm với rau rừng hoặc măng, có ít muối trắng với ớt, thậm chí có trẻ mang cơm nắm không có gì. Thương các con, có hôm cô giáo phải nấu mấy gói mì tôm với rau để làm canh cho các con. 

“Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một cô bé 5 tuổi, nhà ở điểm xa nhất của bản Tát, đường từ nhà xuống điểm trường phải 3 cây số đường núi dốc chỉ có đi bộ nên được bố mẹ dựng cho túp lều ở gần lớp học, ở cùng 1 anh lớp 5 và 1 anh lớp 2. Cứ đầu tuần thì anh lớp 5 gùi khoảng 3kg gạo, còn anh lớp 2 gùi măng, rau, bạn 5 tuổi gùi ít rau. “Lần nào đến cũng mồ hôi nhễ nhại, có những hôm mưa gió, nhìn các con bị ướt mà thương không cầm được nước mắt” - cô Chỉ xúc động nhớ lại.

Ăn uống đã vậy, cơ sở vật chất cũng thiếu thốn, không có lớp riêng mà phải học chung với cấp tiểu học, bàn ghế cho trẻ ngồi không đúng quy cách cho trẻ mầm non mà phải ngồi học nhờ bàn ghế cao của tiểu học, ở nhà văn hóa thì mượn ghế băng dài để cho các con ngồi học, giáo viên thì thiếu, chỉ có 1 cô đứng lớp. Học liệu, đồ dùng giảng dạy cũng thiếu, các cô chỉ chuẩn bị được những thứ cần thiết nhất, còn lại tận dụng những thứ sẵn có, đơn giản.

“Những hôm tạnh ráo thì không sao nhưng những hôm mưa lạnh phải đến từng nhà gọi các con đi học. Đến nhà các con cũng nghèo, đồ dùng cần thiết hầu như không có. Điện thì chưa có, điện chỉ có trục đường chính còn nhà nào ở xa thì chỉ dùng đến dầu. Nhiều lúc nản nhưng nghĩ thương các con vẫn cố gắng, gắn bó với trẻ em vùng cao đến tận bây giờ” - cô giáo Chu Thị Chỉ xúc động kể.

Học sinh trường Mầm non Nà Hẩu tham quan khu trải nghiệm của Trường.

Xây dựng trường học hạnh phúc gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Theo cô Phạm Thị Thanh, sau khi tách trường, Trường Mầm non Nà Hẩu được đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng 6 phòng học kiên cố, còn điểm trường Ba Khuy được xây dựng bán kiên cố từ nguồn xã hội hóa. Trường tổ chức nấu ăn bán trú cho các con. Chia lớp theo độ tuổi, riêng điểm Ba Khuy có 1 lớp với 43 học sinh ghép 3 độ tuổi, vì không đủ trẻ để chia lớp.

Hiện nay, Trường mầm non Nà Hẩu là một trong những trường đặc thù của huyện nên đã thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc: Tổ chức lồng ghép múa Mông trong hoạt động thể dục sáng; nhà trường và các nhóm lớp xây dựng góc bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Từ đầu năm đến nay, Nhà trường phối hợp với phụ huynh để xây dựng nhà sàn nhằm tái hiện lại tất cả các hoạt động của người Mông về văn hóa, đời sống tinh thần. Đó cũng là nơi sinh hoạt chung của các con khi đến trường, dự kiến trong tháng 12/2022 sẽ hoàn thành.  

Những dồ dùng, đồ chơi cho các trẻ thì Nhà trường phát động giáo viên và đưa vào quy chế chuyên môn. Cứ hàng tháng làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, cô giáo phối hợp với phụ huynh làm những chiếc cầu khỉ, nhà chòi để trưng bày... Phụ huynh không có của thì họ đóng góp bằng công sức lao động.

Ngoài ra, nhiều em nhỏ khi đến lớp mới chỉ biết bập bẹ vài từ tiếng phổ thông. Để thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giảng dạy, các cô giáo còn thảo ra danh sách những từ trẻ hay sử dụng hàng ngày như: Muốn đi vệ sinh, đói, muốn uống nước, đau bụng, mệt… để khi trẻ nói bằng tiếng dân tộc các cô nắm được và xử lý kịp thời.  

Trẻ đến trường nhà cách xa nhất 7km đường đồi núi khó đi. Những ngày thời tiết mưa gió phụ huynh thường cho trẻ nghỉ học do đường khó đi. Tuy nhiên để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ Nhà trường đã thành lập câu lạc bộ song ngữ, các nhóm lớp lập các nhóm zalo để tuyên truyền phụ huynh đưa trẻ đến trường. 

Không chỉ có vậy, Nhà trường và giáo viên luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên những trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đã nhận đỡ đầu và quyên góp tặng cho gia đình học sinh thuộc diện hộ nghèo lợn giống và cám giúp gia đình chăn nuôi thoát nghèo. 

Để giúp các con được chăm sóc, yêu thương hơn Nhà trường còn thường xuyên kết nối với các nhà từ thiện, nhà hảo tâm hỗ trợ từ hộp chì, hộp màu, chiếc áo mùa Đông, đôi ủng, tất, quà, bánh vào dịp Trung thu, Tết cho các con. “Điều này đã giúp các con được quan tâm hơn, bớt đi những thiệt thòi” - cô Thanh tâm sự. 

 “Cho đến nay, trải qua 5 năm phát triển, hạnh phúc và thành công đối với tôi là đã tổ chức cho các con ăn bán trú, từ 2 điểm trường lẻ giờ chỉ còn 1 điểm và trường chính. Mong trường được đầu tư thêm vì hiện nay vẫn còn thiếu như hệ thống phòng học chưa đủ; các phòng phục vụ học tập (nhà đa năng; phòng nghệ thuật); các phòng phục vụ bán trú (bếp ăn) và phòng hành chính (văn phòng, phòng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…”