Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguyễn Thúy Hoa - 15:51 22/12/2021 GMT+7
Trước những diễn biến, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tới cuộc sống, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, môi trường, nhiều mô hình hiệu quả nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đã xuất hiện và có tác dụng thực tiễn trong cuộc sống. Các mô hình này rất cần được nhân rộng để giảm nhẹ những tác hại tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu ở nước ta.

Hệ lụy của biến đổi khí hậu đến mọi mặt của đời sống, kinh tế

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam những năm vừa qua nhanh hơn so với dự kiến. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lụt lội ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tăng tần suất các cơn bão đe dọa an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam. Do tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hàng nghìn người, thiệt hại về tài sản ước tính trung bình 1,5% GDP/năm.

Nước lũ dâng khiến nhiều gia đình bị mất tài sản 

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới Việt Nam gia tăng là do nước ta vốn đã chịu nhiều rủi ro thiên tai có liên quan đến khí hậu, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế; các vùng đồng bằng và ven biển có mật độ dân cư cao và cả các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao, hẻo lánh. Dự kiến mực nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21 thì có 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long bị ngập, cùng với đó là một số khu vực đồng bằng ven biển và đồng bằng sông Hồng cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt là những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sản xuất nông nghiệp. Đây là một thách thức lớn cho Việt Nam khi phần lớn lao động phụ thuộc chính vào lĩnh vực này.

Xuất nhiều mô hình hay thích ứng trong cuộc sống

Chúng ta hiện đang rất cần những giải pháp, mô hình hiệu quả nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Việc này cần dựa trên cơ sở đánh giá khách quan và những dự báo có tính dài hạn để từ đó có những giải pháp phù hợp.

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang bị ảnh hưởng nặng nề từ xâm nhập mặn và nhiễm phèn. Để phát triển sản xuất trong tình hình mới, người dân Vĩnh Điều đã đổi mới cơ cấu cây trồng, thay thế cây lúa bằng những loại cây phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng. Việc này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài lựa chọn cây giống mới, có chất lượng cao, có khả năng thích nghi tốt, bà con nông dân xã Vĩnh Điều cũng đã chuyển nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái, theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Từ năm 2015, gia đình ông Ngô Thọ Hòa, xã Vĩnh Điều đã chuyển đổi hơn 1ha đất sang trồng chanh, hiệu quả từ cây chanh mang lại gấp 3 lần trồng lúa. Ông quyết định chuyển 3ha đất còn lại để tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh.

Nông dân xã Vĩnh Điều chuyển sang mô hình trồng cây chanh cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Hòa chia sẻ với chúng tôi: “So với trồng bạch đàn, lợi nhuận từ trồng chanh đạt gấp đôi, nếu so với lúa là gấp 3. Đầu ra rất ổn định. Năm trước sản lượng đạt được chỉ 5.000kg, năm nay đạt 12.000 -13.000kg vào mùa mưa, đạt đến 25.000 – 30.000kg vào mùa khô. Tổng thu của gia đình khoảng gần 200triệu đồng 1 năm”

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Vĩnh Điều đã vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân. Nếu như năm 2018 chỉ có khoảng 60ha đất được chuyển đổi sang sản xuất rau màu và cây ăn trái, thì đến năm 2019 đã tăng lên 125ha. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân. Vì vậy, những mô hình chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã Vĩnh Điều trong thời gian qua là hướng đi đúng đắn, đã góp phần giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn.

Biến đổi khí hậu khiến cho hạn hán, mưa lũ thất thường. Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ, người dân xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã sáng chế ra chiếc bè nổi chống lũ. 2 chiếc bè nổi của gia đình ông Lê Xuân Hòa, thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành được thiết kế nhẹ, bên trên là khung gỗ hoặc sắt, mái tôn, vách lưới B40, bên dưới là thùng phi nhựa để làm nổi. Khi nước dâng tới đâu bè sẽ nổi tới đó. Bè nổi dùng để làm nơi ở cho gia súc, gia cầm hoặc chứa các vật dụng trong gia đình, giúp họ sống chung, an toàn với lũ.

Ông Lê Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: lũ lụt xảy ra hàng năm nên người dân không yên tâm ở nhà, chúng tôi đều chuẩn bị cái bè nổi đưa hết đồ đạc, tài sản, gia súc lên bè.  

Nhiều hộ dân ở xã Hành Tín Đông cũng học hỏi sáng kiến của ông Hòa. Gia đình ông Năm cũng làm một chiếc bè nổi diện tích 18m2 để chống lũ cho đàn gia súc. Theo người dân, ngoài việc làm nơi cư trú cho gia súc, gia cầm thì đây cũng là nơi ở an toàn cho con người.

Những mô hình ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu như vậy có thể tiếp tục được nghiên cứu nhân rộng ở nhiều địa phương, lĩnh vực khác hoặc khuyến khích, gợi ý phát triển ý tưởng sáng tạo mới để ứng phó, giảm nhẹ rủi ro từ biến đổi khí hậu. Qua những giải pháp tổng thể, những nỗ lực toàn cầu, ở tầm vĩ mô đến các giải pháp nhỏ, mô hình ứng phó hiệu quả ở những lĩnh vực cụ thể, chúng ta có thể tin tưởng những hậu quả, rủi ro từ quá trình biến đổi khí hậu, từ thiên tai, lũ lụt sẽ dần giảm nhẹ, đảm bảo cho cuộc sống bền vững, một môi trường ngày càng xanh, sạch đẹp hơn./.