Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những quy định trong công tác phòng, chống thiên tai

07:05 01/10/2021 GMT+7

Nước ta đang bước vào mùa mưa bão, nếu không được chuẩn bị, phòng, chống tốt thì thiệt hại do bão lũ gây nên là rất nặng nề. Để giảm thiểu thiệt hại do bão lụt gây ra, pháp luật quy định các cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân có trách nhiệm ra sao trong việc phòng chống bão lụt? Để phòng, chống bão lụt cần có biện pháp gì?…

TS. Nguyễn Thanh Mai

Tiến sĩ luật Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) đã có trao đổi xung quanh về vấn đề này. Tiến sĩ Mai cho biết:

Bão lụt là một trong những hình thái của thiên tai. Những năm qua, bão lụt đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và của trên nhiều vùng, nhiều địa phương của nước ta. Để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống thiên tai Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai 2020 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20 tháng 8 năm 2021). Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành và của người dân trong phòng, chống thiên tai cũng còn không ít trường hợp vi phạm nên đã để lại những hậu quả rất đáng tiếc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm này là do sự thiếu hiểu biết pháp luật về phòng, chống thiên tai. Để khắc phục, chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng luật phòng, chống thiên tai đến từng người dân. Và trước tiên là người dân phải hiểu những nguyên tắc cơ bản, những việc cần làm, những việc bị nghiêm cấm trong phòng, chống thiên tai…

Hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng, chống bão lụt, thưa Tiến sĩ?

Các hành vi bị cấm trong phòng, chống thiên tai nói chung, bão lụt nói riêng được quy định rất cụ thể tại Điều 12, Luật Phòng, chống thiên tai. Đó là cấm:

Phá hoại, làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai. Vận hành hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, cống, trạm bơm không đúng quy trình được phê duyệt, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo chỉ đạo của người có thẩm quyền. Thực hiện hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục, đặc biệt là chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy, khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền. Lợi dụng thiên tai đầu cơ nâng giá hàng hóa, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để trục lợi, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh…

Các biện pháp phòng, chống bão lụt được pháp luật quy định ra sao?

Khoản 1, Điều 26 Luật Phòng, chống thiên tai quy định biện pháp cơ bản ứng phó đối với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định như sau: Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp; di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu hoặc thực hiện biện pháp khác để bảo đảm an toàn; thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất; kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng; giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;…

Xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thường xuyên bị ảnh hưởng do sạt lỡ bờ sông, triều cường, xâm nhập mặn… Ảnh minh họa

Trong phòng, chống bão lụt thì vai trò của UBND cấp xã rất quan trọng. Vậy pháp luật quy định thế nào về trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc này?

Trách nhiệm của UBND cấp xã trong phòng, chống thiên tai được quy định rất rõ tại Khoản 2, Điều 43 Luật Phòng, chống thiên tai, và được phân công cụ thể tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP như: Tổ chức thực hiện việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm bốn tại chỗ để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Tổ chức thường trực, chỉ huy việc phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn. Triển khai biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ…

Bão lụt ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của mỗi gia đình, cá nhân. Vậy mỗi gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm gì để phòng, chống thiên tai nói chung và bão lụt nói riêng?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 34, Luật Phòng chống thiên tai thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ:

Chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn trước thiên tai hoặc di dời đến nơi an toàn; không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để phòng, chống thiên tai. Chủ động dự trữ lương thực, nước uống, vật tư và thiết bị xử lý nước, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch theo khả năng để bảo đảm đời sống khi thiên tai xảy ra. Chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, trên sông phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin, tín hiệu phù hợp; phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về vị trí, tình trạng của phương tiện đang hoạt động cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi thiên tai xảy ra; khi gặp tàu thuyền khác bị nạn phải kịp thời cứu hộ, tìm kiếm, cứu nạn, trường hợp vượt quá khả năng phải bằng mọi cách thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn. Chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng, chống thiên tai và tham gia xử lý sự cố công trình trong khả năng của mình…

Bên cạnh nghĩa vụ nêu trên, khi tham gia phòng, chống thiên tai thì người dân được hưởng những quyền lợi gì?
Được hoàn trả vật tư, phương tiện; nhận tiền công lao động khi tham gia ứng phó khẩn cấp thiên tai đối với cộng đồng theo lệnh huy động của người có thẩm quyền. Người tham gia ứng phó thiên tai nếu bị thương, bị chết được xem xét, hưởng chế độ, chính sách như đối với thương binh, liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai theo quy định của pháp luật…

Cảm ơn Tiến sĩ!

Lê Chiên (ghi)