Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch

01:00 26/02/2018 GMT+7

Đó phải chăng là câu hỏi bức thiết đang sớm cần những câu trả lời khả thi, thực tế của ngành du lịch. Công bằng mà nói, với việc đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu khoảng 510.900 tỷ đồng và mức đóng góp 7% GDP vào nền kinh tế, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước chuyển mình kỳ diệu. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và những kỳ vọng, có lẽ sẽ hoàn thiện hơn nếu du lịch Việt Nam cải thiện tốt về sản phẩm, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực…

Doanh nghiệp – những đầu tàu quan trọng

Một trong những điểm yếu đáng nói nhất hiện nay của ngành là cần thay đổi sản phẩm du lịch. Làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thì không phải là câu trả lời dễ dàng với hầu hết doanh nghiệp, địa phương hiện nay. Nhiều ý kiến của các chuyên gia đưa ra chỉ dẫn rõ ràng hơn, đó là yếu tố chất xám trong đầu tư cho các sản phẩm. Chúng ta đã có sẵn nguồn tài nguyên du lịch mà nhiều nước nằm mơ cũng không có được. Nhưng để tạo ra sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, thu hút và làm mềm lòng những vị khách du lịch, để họ sẵn sàng bỏ tiền “mua cảm xúc” thì đầu tư chất xám kỹ lưỡng mới là thứ tạo nên thương hiệu du lịch, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh vai trò của tính sáng tạo trong ngành du lịch bằng cách ví von “Người ta trồng lúa trên sa mạc mới là hấp dẫn, trồng lúa trên cánh đồng lúa là chuyện bình thường. Tất nhiên đây chỉ là một phép ẩn dụ để dễ hiểu nhưng nếu chúng ta trồng lúa trên sa mạc thì mới tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách tham quan. Khi phát triển sản phẩm du lịch quan trọng là phải nhìn ra hướng phát triển sản phẩm mới theo tính động của ngành với năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao…”.

Theo số liệu thống kê, hiện nay các doanh nghiệp TNHH chiếm đa số, lên đến 65% doanh nghiệp du lịch. Đáng chú ý là trong đó chủ yếu lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi tính ra thì 10 doanh nghiệp du lịch lớn mới là những đơn vị đón khách quốc tế chủ yếu, chiếm tới 10% lượng khách quốc tế. Đã đến lúc du lịch phải thay bộ quần áo mới, vừa vặn, đẹp đẽ hơn. Doanh nghiệp là xương sống của ngành kinh tế, cái cần tái cơ cấu trước tiên chính là tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel đưa ra so sánh, các đơn vị lữ hành thực hiện vai trò tổ chức và khai thác thị trường là đầu tàu kéo cả chuỗi cấu trúc trong ngành du lịch. Nhưng nếu nhìn lại chuỗi cấu trúc gồm lữ hành, vận tải, nghỉ dưỡng… thì có rất ít doanh nghiệp Việt Nam đủ sức tạo ra giá trị gia tăng cho du lịch. Tôi cho rằng, chúng ta muốn tạo ra đột phá thì cần phải kết nối các giá trị trong cả chuỗi. Tuy nhiên, thực tế thì doanh nghiệp Việt Nam chưa thể một mình đủ lực làm được hết cả chuỗi và càng không đủ sức chống chọi lại các tập đoàn nước ngoài giàu mạnh, nhiều kinh nghiệm. Do đó, các công ty Việt Nam rất cần được sự tiếp sức. Hiện nay, chúng ta đã hỗ trợ xúc tiến, mở cửa visa chính là giúp các đơn vị lữ hành. Tôi cho rằng, việc làm này rất cần thiết, như thể tiếp nhiên liệu để đầu tàu đủ sức kéo cả đoàn tàu đi. Nhưng đã tiếp nhiên liệu thì cần tiếp cho đủ và cũng cần một đầu tàu mạnh khỏe, nghĩa là tái cấu trúc phải xem lại tái cấu trúc các công ty lữ hành trước tiên, xem có nên đầu tư cho nó không.

Du lịch Việt Nam cần tạo ra những sản phẩm thực sự hấp dẫn và thu hút du khách.

Tập trung tái cơ cấu cơ quan quản lý du lịch

Trong khi doanh nghiệp là những người trực tiếp làm việc với khách du lịch thì cơ quan quản lý nhà nước được coi như não bộ của toàn hệ thống. Có thể tưởng tượng, toàn ngành hoạt động như những bộ phận khác nhau trên cơ thể, bộ phận nào cũng quan trọng nhưng cơ quan quản lý nhà nước là bộ não, điều khiển hoạt động của cả cơ thể theo khung pháp luật. Cùng với một hệ thống hoạt động hiệu quả, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, du lịch Việt Nam cần có cơ quan quản lý, điều hành các hoạt động kịp thời, hiệu quả và linh hoạt. Ngoài thay đổi về bản thân cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý cũng cần hội tụ một đội ngũ nhân lực thực sự mạnh, với những “cái đầu” bản lĩnh. Ngành du lịch phải có đội ngũ công chức, viên chức bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, là những người tham mưu, tổ chức thực hiện, nghĩ ra những cái tốt hơn để cả hệ thống vận hành.

Du khách thăm Cố đô Huế .

TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Cần nâng cao, nâng cấp và nâng thẩm quyền của Tổng cục Du lịch. Cần làm sao để các tham mưu của cơ quan đầu ngành về du lịch hạn chế những áp đặt hành chính nặng nề và đến gần hơn với bàn họp của Chính phủ, mang sức sống, tính thời sự và hấp dẫn. Để làm được cần sáng tạo và chỉ cách nhìn của thị trường mới giải quyết được.

Để khuyến khích sáng tạo trong kinh doanh du lịch, cần tránh áp đặt làm theo chỉ định, chỉ đạo… TS. Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, tái cơ cấu ngành du lịch khi tiếp cận dưới góc độ ngành kinh tế thì phải quan tâm tới các bộ phận tạo ra ngành kinh tế đó với thị trường, sản phẩm… Tuy nhiên, dưới góc độ nền kinh tế thì phải có sự tiếp cận hệ thống, nghĩa là phải thống nhất từ triết lý tới thông điệp. Triết lý, thông điệp này đều phải thể hiện rõ chúng ta quản lý hay quản trị ngành du lịch. Nếu quản trị thì việc tự chịu trách nhiệm, cơ chế giám sát cũng sẽ khác.

Linh Lan