Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nỗi niềm của nhà giáo không bảng, không phấn

Minh Phương - 07:02 22/12/2021 GMT+7
Dạy nghề đã vất vả, dạy nghề nông nghiệp lại càng vất vả hơn. Thay vì được mặc quần áo đẹp đứng trên bục giảng các thầy cô dạy nghề nông nghiệp thường xuyên phải dãi nắng dầm sương, gắn bó với chuồng lợn, chuồng gà, đồng ruộng ngập nước.
Cô Nguyễn Thị Loan trong một giờ giảng thực hành cho học sinh. 

Giảng đường không bảng, không phấn 

Cô Nguyễn Thị Loan - giảng viên chuyên ngành chăn nuôi thú y của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình cho hay, 18 năm gắn bó với sự nghiệp dạy nghề là 18 năm cô lăn lộn cùng sinh viên xuống từng xưởng nghề, từng trang trại dạy kỹ năng nghề cho học sinh.

Nhiều hôm kết thúc buổi buổi dạy, cả cô và trò người đều ám mùi phân của gia súc. “Ngày mới vào nghề đôi lúc cũng tủi thân vì bạn bè cùng ngành cùng nghề đi làm lúc nào cũng thanh lịch, nhẹ nhàng, mình đi làm thì cả túi đồ nghề, rồi đồ thực hành. Thế rồi làm riết thành quen, giờ thì thấy vui hơn là buồn”, cô Loan nói.

Qua vài lời tâm sự giản dị và chân phương, cô Loan cho biết, những ký ức từ ngày thơ ấu chứng kiến bố mẹ cùng những người công nhân xây dựng thủy điện sông Đà kết hợp với việc tăng gia chăn nuôi sản xuất để đảm bảo đời sống đã thôi thúc cô theo học ngành Thú y.

Rời xa Hà Nội nhộn nhịp, ngay khi kết thúc thời gian theo học ngành Thú y ở trường Đại học Nông nghiệp I (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cô Loan trở về quê hương Hòa Bình làm nhà giáo dạy nghề. Cô chia sẻ, những ngày đầu còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên không tránh khỏi những khó khăn trong công tác đào tạo nghề: Khó khăn về đi lại, điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ, nhận thức của người dân địa phương còn nhiều hạn chế... Tuy nhiên, đặt tâm huyết vào dạy nghề cho bà con, cho các bạn trẻ ở quê, cô không ngại khó, ngại khổ.

Không váy áo chăm chút, gọn gàng chỉnh tề đứng ở bục giảng, cô Loan bình dị với những trang phục quần áo thường ngày, cùng sinh viên ra vào các phòng thí nghiệm, trại chăn nuôi để giúp sinh viên thực hành làm nghề hiệu quả nhất. Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề khi thường xuyên phải làm việc trong “những giảng đường không phấn, không bảng”, môi trường độc hại, “kém sang” cô chỉ cười: “Cô không quan tâm đâu, cái đó là đặc thù nghề nghiệp của mình rồi, dạy nghề là phải cầm tay chỉ việc, thực hành thực nghiệm mới ra nghề!”.

Với cô, giúp người dân có thể bỏ đi những quan điểm xưa cũ lạc hậu để tiếp cận những thông tin mới, áp dụng vào chăn nuôi tăng hiệu quả, tăng thu nhập là cô rất mừng, rất vui. Suốt mười mấy năm làm nghề, nhưng trong ký ức ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cô thường ít nhận hoa, hay quà từ học sinh. Cô vẫn nhớ biết bao kỉ niệm vui buồn. Cô kể: “Sau bao nhiêu năm gặp lại, học viên đều rất quý mến, mà chỉ toàn gọi mình là “cô gà”, “cô lợn”... thôi chứ có nhớ tên nữa đâu!”.
Vừa qua, cô Loan đã được ghi nhận là 1 trong 140 nhà giáo đạt giải tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 với đề tài Phòng bệnh Newcastle cho gà bằng phương pháp nhỏ vắc xin.

Công việc của các thầy cô dạy nghề nông nghiệp thường xuyên dãi nắng ngoài đồng hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trồng.

Học trò thành nghề là niềm hạnh phúc lớn nhất

Thầy Nguyễn Trung Trực - trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ, người từng có hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp dạy nghề cũng chia sẻ rằng, dạy nghề bình thường đã khó, dạy nghề nông nghiệp nhất là chăn nuôi thú y lại càng khó hơn. Việc chẩn đoán bệnh tình cho gia súc, gia cầm đòi hỏi bác sĩ thú y phải dành nhiều thời gian công sức để học tập rèn luyện.

Dù giảng dạy ngành gì, ở đâu, niềm mong mỏi lớn nhất của các thầy cô là học trò tốt nghiệp có việc làm, công việc ổn định. Các em có thể sống được bằng nghề, góp sức xây dựng xã hội.
Bên cạnh những niềm vui, thầy Trực cũng không dấu khỏi niềm trăn trở: “Ngành Nông nghiệp lâu nay chưa được xã hội nhìn nhận đúng giá trị. Một thời gian dài, mọi người cho rằng người làm trong ngành Nông nghiệp là ngành ‘kém sang’ vì thế học sinh quay lưng lại”.

Tuy nhiên, theo xu hướng thời cuộc, ngành Nông nghiệp dần lấy lại được vị thế. Nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao được đang dần chiếm ưu thế. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được ra đời hơn. Đây là điều kiện để tăng tuyển dụng lao động làm ngành này, đồng thời cũng là cơ hội với giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt giáo dục nghề nông nghiệp.

“Những nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất mong muốn Nhà nước sẽ có thêm các chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, nhất với các nhóm ngành, nghề liên quan tới nông nghiệp để thu hút ngày càng nhiều sinh viên hơn nữa”, thầy Trực nói. 

”Đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất nhiều tiềm năng, dư địa bởi Việt Nam có tới 70% dân số sống ở nông thôn, 1/3 lực lượng lao động làm nông nghiệp hoặc các công việc liên quan tới nông nghiệp. Vì thế, cần có cơ chế thúc đẩy đào tạo nghề, chuyển giao nghề nông nghiệp công nghệ cao cho lao động. Kèm theo đó, ban hành các bộ kỹ năng nghề nông nghiệp làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo”.
Ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp Hội dạy nghề và Nghề công tác xã hội.