Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân 15 tỉnh, thành được học cách xử lý rác thải, bảo vệ môi trường

Kiều Anh - 07:45 19/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức Hội thảo khởi động và lập kế hoạch Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế”.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Tham dự Hội thảo có ông Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (BQLDA); Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc BQLDA; ông Phạm Văn Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc BQLDA; ông Chu Văn Chuông, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cố vấn Dự án.

Đặc biệt, có sự tham gia của gần 70 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, liên quan như: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Hội Làm vườn Việt Nam; các giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia về môi trường nông nghiệp; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án, cán bộ điều phối dự án tại 15 tỉnh, thành phố tham gia dự án gồm Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Tiền Giang, Lâm Đồng, Bến Tre.

Đẩy mạnh tuyên truyền Dự án để chính quyền các địa phương cùng tham gia

Ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Dự án phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Dự án cho biết: Biến đổi khí hậu đang đe doạ tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Hội Nông dân Việt Nam với vai trò là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, nên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.

Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế”. Dự án được triển khai thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố từ năm 2021 đến năm 2024. Mục tiêu của Dự án: Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; biến rác hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; nâng cao sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường.

Trong thời gian vừa qua, Dự án đã phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ, các chuyên gia trong và ngoài nước trong xây dựng định hướng, chiến lược, cách thức triển khai Dự án. Tuy nhiên, để Dự án có thể triển khai hiệu quả, đạt được những mục tiêu cam kết với nhà tài trợ, Ban Quản lý Dự án Trung ương rất mong nhận được sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ của các chuyên gia, nhà khoa học, bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu và đặc biệt là Hội Nông dân 15 tỉnh, thành phố tham gia Dự án.

Giới thiệu Dự án, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế cho biết, Dự án sẽ tập trung và 4 đối tượng tham gia đó là những người nông dân sản xuất nhỏ; các trang trại chăn nuôi; người thu gom rác thải; các căng-tin, nhà hàng. Dự án đặt ra mục tiêu đào tạo cho ít nhất 450 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông và nông dân về các kỹ thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải trở thành giảng viên, cán bộ kỹ thuật trong đào tạo, hướng dẫn nông dân thực hiện chuyển đổi chất thải thành thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Những mô hình nông dân thành công sẽ là điểm sáng trong nhân rộng ứng dụng các biện pháp chuyển đổi chất thải, góp phần giảm thiểu phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Về hình thức hoạt động, Dự án sẽ triển khai đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Dự án thông qua các hoạt động từ các Câu lạc bộ, tổ, nhóm thu gom rác thải và bảo vệ môi trường ở nông thôn, các chuyến tham quan học tập từ các mô hình điểm này. Thông qua các mô hình sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền để Dự án có sức lan toả. Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương hiểu hơn về Dự án, có biện pháp ủng hộ và nhân rộng nó…

Rác là sản phẩm có thể trao đổi, mua bán

Trong những năm qua, Trung ương Hội đã chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn các tỉnh, thành Hội xây dựng nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường nông thôn như: Xử lý rác tại hộ thành phân bón hữu cơ an toàn; mô hình hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn phù hợp với điều kiện từng địa phương… đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn.

Ông Võ Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An thảo luận tại  Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Tại Hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ môi trường tại từng địa phương. Theo ông Võ Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An thì: Hội Nông dân tỉnh Nghệ An được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ đã triển khai 2 mô hình thu gom xử lý rác thải tại hộ gia đình và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn. Các mô hình này được UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao và có tính lan toả. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã nhân rộng được 36 mô hình ở 6 huyện trên địa bàn tỉnh.

“Đánh giá tính khả thi và ứng dụng cao của các mô hình do Hội triển khai, trong năm 2022, UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao Hội Nông dân tỉnh phối hợp các ngành liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2022 - 2025” và giao cho Hội Nông dân tổ chức thực hiện. Hội Nông dân tỉnh mong muốn được tạo cơ chế chính sách của tỉnh và Dự án được đồng bộ để triển khai có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh…” - ông Phong cho biết.

Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Dự án này rất nhân văn, giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay về rác thải nông thôn. Trong thời gian vừa qua Hội Nông dân tỉnh Thái Bình có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường qua các hình thức tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, có một vấn đề là khi Dự án kết thúc là các hoạt động đó không còn được phát huy, rất mong là có hướng giải quyết cụ thể để Dự án được triển khai  bền vững.

Về phía chuyên gia, ông Chu Mạnh Thắng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) phân tích, hiện nay các nước đều có quan điểm cho rằng rác là tài nguyên chứ không phải rác là loại bỏ đi không có giá trị. Trong thời kỳ kinh tế tuần hoàn hiện nay, rác trong nông nghiệp cần được coi trọng là tài nguyên đầu vào cho một quá trình sản xuất.

“Chúng ta phải giúp nông dân nhìn nhận về rác là tài nguyên thì mới có hiệu quả. Tại sao các dự án từ trước tới nay chưa thành chuỗi hoạt động lâu dài, như Dự án này chúng ta chưa nhắc tới vai trò của doanh nghiệp, nên chưa có quy mô sản xuất lớn. Muốn biến rác thành tài nguyên, là sản phẩm cần đưa doanh nghiệp vào để bà con nông dân có thể bán nguồn nguyên liệu là rác thải cho doanh nghiệp thêm nguồn thu nhập kinh tế. Đây là nguồn tiếp cận có tính bền vững và lâu dài, đích đến là bà con nông dân được hưởng lợi, họ mới hiểu được giá trị rác đó là tài nguyên…”, ông Thắng nhấn mạnh

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh : Trần Quảng

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Để dự án thực sự phát huy hiệu quả, có tác động lan tỏa, Ban Quản lý Dự án đề nghị Hội Nông dân 15 tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động nghiêm túc, thực chất nhằm đảm bảo hiệu quả của Dự án, đồng thời tăng cường công tác truyền thông trên các kênh thông tin; Đảm bảo 100% cán bộ tham gia triển khai Dự án nắm chắc nội dung, phương thức thực hiện, hoạt động của Dự án…

“Về chất thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng; từ quá trình chế biến nông sản của ngành Trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành Chăn nuôi (chiếm 39,1%). Những chất thải, phụ phẩm này có rất nhiều công dụng trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn nhưng hiện nay phần lớn đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế việc xử lý các chất thải, phụ phẩm này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có thể giúp gia tăng thu nhập của nông dân”. - Ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (Trung ương Hội NDVN), Giám đốc Ban Quản lý Dự án.