Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Đắk Nông thoát nghèo nhờ Hội hỗ trợ

PhanTuấn - 07:06 30/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp hội viên nông dân thoát nghèo, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chương trình trợ giúp hội viên của mình có hướng sản xuất bền vững.

Nguồn vốn Quỹ HTND giúp nhiều nông dân thoát nghèo
Gia đình ông Nguyễn Văn Nin, ở thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) được Hội Nông dân xã Kiến Thành tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND). Nguồn vốn này đã giúp gia đình ông có điều kiện áp dụng khoa học, đầu tư phân bón vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, gia đình ông có 5ha cà phê, năng suất đạt 4 tấn/ha/vụ; 1ha hồ tiêu đạt 5 tấn/ha/vụ. Các loại cây ăn trái, chanh dây... của gia đình đều đạt năng suất cao. Mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 800 triệu đồng. Gia đình ông Nin tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Năm 2020, ông Luân ở thôn 5, xã Tâm Thắng (Cư Jút) được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND. Có vốn trong tay, ông đã mở rộng quy mô trại nấm lên 2.000m2 để trồng nấm mộc nhĩ, nấm sò. Theo ông Luân, trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với một số loại cây nông nghiệp khác. Đồng vốn thu hồi nhanh, vì chu kỳ sản xuất nấm chỉ trong vòng 3 tháng đối với nấm mộc nhĩ, 45 ngày đối với nấm sò. Dự tính với mô hình này, ông thu được sản lượng khoảng từ 2 - 3 tấn nấm. Với giá bán trên dưới 100.000 đồng/kg nấm, trừ chi phí, ông có lãi trên 100 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, từ nguồn Quỹ HTND, các cấp Hội Nông dân đã triển khai 225 mô hình kinh tế, với 1.830 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư đạt 59 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Agribank giải ngân cho 10 khách hàng triển khai các mô hình phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 1,8 tỷ đồng.

Nhờ có nguồn Quỹ HTND, nhiều cơ sở Hội trong tỉnh Đăk Nông đã thành lập các nhóm hội cùng mục đích sản xuất theo quy mô hàng hoá.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Đăk Nông, hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh quản lý đạt hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác trên 10 tỷ đồng, nguồn Quỹ HTND cấp tỉnh trên 22 tỷ đồng, quỹ cấp huyện gần 28 tỷ đồng.
Thông qua nguồn Quỹ HTND, nhiều mô hình kinh tế thiết thực đã được triển khai hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Nhờ có nguồn quỹ này, nhiều cơ sở Hội đã thành lập các nhóm hội cùng mục đích sản xuất theo quy mô hàng hoá; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX…, mang lại giá trị kinh tế cao.
Thành quả lao động của người nông dân đã góp phần đưa nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội. Nhiều bà con nông dân đã tạo việc làm cho nhiều người, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội ND Đắk Nông cho hay, nông dân ngày nay đang hướng đến sản xuất có trách nhiệm. Họ sản xuất ra sản phẩm làm cho khách hàng thích thú, hài lòng, bảo đảm uy tín của nông sản Đắk Nông, uy tín nhà nông. Điều này làm cho nông dân giàu có, nông nghiệp thịnh vượng.
18 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 
Đắk Nông có tới 70% dân số là nông dân. Nông nghiệp là một trong 3 “trụ cột” kinh tế của tỉnh. Vì vậy, nông dân đang giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhờ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nông dân Đắk Nông đã nâng cao giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồng/ha lên 71,5 triệu đồng/ha. Sản phẩm của nông dân Đắk Nông ngày càng đa dạng, phong phú. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, bao gồm: Bơ núi lửa Krông Nô (HTX Nông nghiệp dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô); Bưởi Sang’s Farm (HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ Sang’s Farm); Cam sành núi lửa và Quýt đường núi lửa (HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú); Hạt điều rang muối (Công ty TNHH Hồng Đức); Gạo ST24 Krông Nô (HTX sản xuất lúa gạo Buôn Chóah); Cà phê bột Đắk Đam (HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An).

Nông dân được vay vốn từ Quỹ HTND để nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê.
Đóng góp vào thành công nền nông nghiệp của tỉnh phải kể đến phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do Hội ND phát động trở thành “điểm sáng”, lan toả đã thu hút nông dân vào tổ chức Hội. Hàng năm, có hơn 32.000 lượt hộ nông dân trong tỉnh đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó hơn 18.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. 

Chúng tôi xác định phải tập hợp nông dân vào tổ chức Hội và tham gia kinh tế tập thể để xoá bỏ những rào cản trong phát triển. Nông dân là động lực chính để cơ giới hoá, hiện đại hoá, đưa nông nghiệp địa phương phát triển bền vững”.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội ND Đắk Nông.
 

5 năm qua, Hội ND Đắk Nông phối hợp tổ chức bồi dưỡng, hỗ trợ thành lập 273 tổ hợp tác, 160 HTX nông nghiệp. Trong đó, các cấp Hội ND trực tiếp hướng dẫn thành lập là 73 HTX, 254 tổ hợp tác. Nông dân Đắk Nông đang làm chủ trên 1.085 trang trại. Các trang trại đang tạo tiền đề để Đắk Nông hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, liên kết. Từ đó, đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh. 

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội ND Đắk Nông cho biết: Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội ND tỉnh Đắk Nông tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị gắn với kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; góp phần thực hiện thành công “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Trong đó, có các mô hình kinh tế điểm, mang lại nhiều triển vọng sẽ được phổ biến rộng rãi. Cụ thể như mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản tại xã Nam Dong, huyện Cư Jut; trồng cà-phê xen canh sầu riêng tại xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp; nuôi dê tại xã Quảng trực, huyện Tuy Đức; sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong canh tác rau hữu cơ tại xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức..