Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Hải Phòng tham gia đẩy lùi dịch sốt xuất huyết

Thu Phương - 16:29 04/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), thời gian qua, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều nơi trên địa bàn TP. Hải Phòng. Ngành Y tế khuyến cáo dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng nếu người dân chủ quan, không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cùng vào cuộc với ngành Y tế, Hội ND các cấp TP. Hải Phòng đã tích cực tuyên truyền vận động nông dân phòng chống dịch SXH.

Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát TP. Hải Phòng, trong 10 tháng năm 2022 ghi nhận 1.832 ca sốt xuất huyết, không có ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1.807 ca. Số ca mắc ghi nhận tại 14/15 quận/huyện, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành. Các quận/huyện có số mắc tích lũy cao là Ngô Quyền (646 ca); Lê Chân (625 ca); Hải An (126 ca); Hồng Bàng (85 ca); An Dương (73 ca)…

Ảnh minh họa.

Tại quận Ngô Quyền số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 12/12 phường trên địa bàn quận, tập trung chủ yếu ở 4 phường Đồng Quốc Bình (125 ca); Đằng Giang (121 ca); Máy Tơ (92 ca); Gia Viên (89 ca), hiện đều ghi nhận ở đây có các ổ dịch đang hoạt động.

Cũng là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, hiện nay, quận Lê Chân có 15/15 phường trên địa bàn quận có số ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở các phường Hồ Nam (118 ca); Dư Hàng Kênh (102 ca); Trần Nguyên Hãn (92 ca); Nghĩa Xá (79 ca).

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thời gian qua, Trung tâm đã theo dõi chặt chẽ tình hình Sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo các địa phương thực hiện Công văn số 3271/SYT-TTKSBT ngày 15/9/2022 về việc tăng cường phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để triển khai các hoạt động phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Đồng thời cấp hoá chất, vật tư cho các đơn vị/địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát, điều tra véc tơ truyền bệnh, xử lý ổ dịch Sốt xuất huyết Dengue cho các cán bộ tuyến quận/huyện.

Bên cạnh đó công tác truyền thông cũng đặc biệt được đẩy mạnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hải Phòng, Đài Phát thanh các quận/huyện tuyên truyền về phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không chủ quan, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Phát bài truyền thông trên hệ thống loa phát thanh xã/phường 2 lần/ ngày. Tổ chức truyền thông trực tiếp tới người dân khi thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường…

Ảnh minh họa

Hiện nay tình hình thời tiết hiện đang vào mùa, rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển dẫn tới việc khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, mặc dù các địa phương thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là không phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue.

Mặt khác, do việc đi làm xa của người dân ở độ tuổi lao động, kèm theo tồn tại một số khu đất hoang của một số dự án treo không người ở dẫn tới việc quản lý các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà kém tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết Dengue phát triển.

Theo các chuyên gia y tế, các bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện chủ yếu với các triệu chứng: sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau nhức hốc mắt, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết, chán ăn, buồn nôn… Các ca sốt xuất huyết tại đây đều được theo dõi điều trị ổn định và xuất viện sau khoảng 1 tuần.

Các cấp Hội vào cuộc

Thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố; Công văn số 4771 – CV/HNDTW ngày 20/10/2022 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tập huấn công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng – An ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị truyền thông cho cán bộ, hội viên, nông dân với các nội dung sau: Thông tin về tình hình dịch tễ về sốt xuất huyết trên thế giới; ở Việt Nam và thành phố Hải Phòng; các giải pháp về phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Việt Nam trong những năm qua, chính sách của Nhà nước về khám và điều trị sốt xuất huyết; Một số đặc điểm về dịch tễ sốt xuất huyết của thành phố Hải Phòng trong những năm qua; Vai trò của Hội Nông dân cơ sở trong việc vận động hội viên nông dân tham gia phòng, chống sốt xuất huyết cho cán bộ hội viên nông dân với số lượng 115 người tại UBND xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.

Tại buổi tập huấn Ths.Bs. Lê Thị Tuyến, cán bộ Khoa Truyền thông Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng đã phổ biến và hướng dẫn các cho đại biểu về các biện pháp phòng trách sốt xuất huyết và hướng dẫn cách điều trị bệnh.

Buổi tập huấn về phòng, chống sốt xuất huyết  do HND TP Hải Phòng tổ chức.

Theo Bs. Lê Thị Tuyến: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch và đã trở thành một bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam. Bệnh không chỉ xuất hiện ở đô thị mà ở cả các vùng nông thôn nơi có muỗi mùa và có sự khác nhau giữa các vùng miền. Bệnh SXHD phát triển nhiều nhất vào các tháng 7,8,9,10 trong năm.  Dịch lớn SXH thường bùng nổ theo chu kỳ khoảng 3-5 năm. Do vi rút Dengue thuộc nhóm Acbor Virus, thuộc họ Flaviviridae, là loại ARN vi rút có 4 týp huyết thanh là Dengue I, II, III và IV.

Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền bệnh SXH: từ 3-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày. Bệnh nhân nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt. Muỗi bị nhiễm VR thường 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời.

Các yếu tố làm xuất hiện và lan truyền bệnh: Nơi đông dân cư tập trung ,dân cư sống chen chúc và số người cảm thụ cao; Vùng có vệ sinh môi trường kém; Quá trình đô thị hoá không kiểm soát; Quá trình di dân không kiểm soát....

Giai đoạn sốt: Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt; Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu; Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết; Chán ăn, buồn nôn; Đau cơ, đau khớp; Nghiệm pháp dây thắt dương tính.

Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.

Tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau.

Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.

Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).

Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp), cần phải cấp cứu nhanh chóng.

Giai đoạn hồi phục

Khoảng 24 - 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48 - 72 giờ.

Bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều.

Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.

Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức cho bệnh nhân có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

Điều trị sốt xuất huyết Dengue

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Điều trị triệu chứng

Nếu sốt cao ≥ 38,5°C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.

Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.

Chú ý:

+ Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ.

+ Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Bù dịch sớm bằng đường uống:

Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, ...) hoặc nước cháo loãng với muối.

Lượng dịch khuyến cáo: uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.

Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la,...

Theo dõi: Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cho nhập viện điều trị.

Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Không ăn, uống được. Nôn ói nhiều. Đau bụng nhiều.

- Tay chân lạnh, ẩm. Mệt lả, bứt rứt.

- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.

- Không tiểu trên 6 giờ.

- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Lưu ý: Người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần, có nghĩa là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần và người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách 4-6h uống 1 lần kết hợp với hạ sốt bằng phương pháp vật lý như kể trên.

Trong ngày thứ 4 - 7, người nhà đặc biệt chú ý, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh... cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị.

Một số người thường có suy nghĩ cần phải truyền dung dịch muối, dung dịch sinh tố hay truyền đạm sau khi bệnh nhân ra viện để bồi bổ sức khỏe là không nên vì giai đoạn này cơ thể tái hấp thu dịch, nguy cơ thừa dịch là rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc truyền dịch tại gia đình hoặc cơ sở y tế tư nhân khi chưa có kiến thức sâu về bệnh sốt xuất huyết, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.