Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Lạng Sơn chủ động tiếp cận công nghệ, bắt nhịp với chuyển đổi số

Hoàng Tính - 07:04 18/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Nắm bắt nhu cầu thị trường về chuyển đổi số, nhiều nông dân ở tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tiếp cận với công nghệ đưa nông sản của gia đình lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội… từ đó đã hình thành tư duy sản xuất mới và nâng cao giá trị cho các nông sản.

Vụ na năm 2021, anh Quách Dương Duy ở thôn Chục Quan (xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng) đã được chính quyền, doanh nghiệp hỗ trợ đưa sản phẩm na của gia đình lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, cũng từ đó mà gia đình đã có nhiều đơn hàng ở các tỉnh, thành trên khắp cả nước từ Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai…

Dù công việc bận rộn hơn những anh Quách Dương Duy vẫn rất vui vẻ bởi những trái na được bán với giá cao hơn; thu nhập của gia đình cao hơn

Anh Duy cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng giống như các hộ khác chỉ bán na qua các thương lái, nhưng từ khi được hỗ trợ bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm của gia đình đã bán thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy vất vả hơn một chút, bởi phải đóng nhiều đơn hàng để gửi, các đơn hàng từ vài ki lô gam đến vài chục ki lô gam… nhưng gia đình rất vui bởi giá bán lại được cao hơn nhiều so với bán cho thương lái.

Là thế hệ 9X, vì vậy anh Duy tiếp cận khá nhanh với mô hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; không chỉ vậy anh còn trực tiếp bán hàng qua các trang Facbook, Zalo tham gia vào các hội nhóm, chợ hoa quả… vì vậy mà vụ na 2021 nhiều gia đình ở Hữu Lũng bị ảnh hưởng không bán được hàng, thì mỗi ngày gia đình anh Duy bán từ 500-700kg qua phương thức điện tử.

Một điều khá thuận lợi nữa như anh Duy có chia sẻ: Trong quá trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử, anh không chỉ được các nhân viên hỗ trợ kỹ thuật khá nhiều mà các nhân viên còn hỗ trợ đóng hàng, bốc hàng, đến tận nhà để lấy hàng, chính vì vậy cũng giảm được khá nhiều công sức.

Chuyển đổi số không chỉ góp phần nâng cao việc tiêu thụ nông sản, mà áp dụng với chuyển đổi số còn góp phần nâng cao chất lượng nông sản cho HTX Nông nghiệp Lũng Cút ở thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) giờ đây toàn bộ quá trình sản xuất rau bầu khai: Nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, tem truy xuất nguồn gốc QR code… đều được các thành viên HTX thực hiện đầy đủ.

Ông Lưu Anh Tuấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lũng Cút cho hay: Để phát triển sản xuất chúng tôi không ngại tiếp cận cái mới, nhờ áp dụng KHKT và chuyển đổi mô hình sản xuất mà năng suất, chất lượng rau bầu khai đã nâng cao hơn hẳn. Không những vậy toàn bộ hàng hoá của HTX xuất bán đều được đóng gói và có tem truy xuất nguồn gốc QR code, vì vậy khách hàng toàn toàn có thể “chek” thông tin về sản phẩm.

Nhờ sự thích ứng nhanh với xu thế, nhiều cá nhân, chủ thể sản xuất nông nghiệp trên tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tiêu thụ hàng nghìn đơn hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn và Postmart.vn.

Đến nay toàn tỉnh Lạng Sơn đã có trên 110.000 cửa hàng số, trên 90.000 tài khoản thanh toán điện tử được mở. Từ đó nhiều sản phẩm như: Khoai lang Lộc Bình; gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn; măng ớt Chi Lăng… đã góp mặt trên các sàn thương mại điện tử, mở ra một hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản.

Nhiều nông sản của Lạng Sơn đã được đưa lên Sàn thương mại điện tử Voso.vn qua đó đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản  "Xứ Lạng"

Ông Hoàng Văn Ngôn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn cho hay: Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, hội viên nông dân tỉnh Lạng Sơn tiếp cận được với quy trình sản xuất hiện đại, bán hàng thuận lợi với giá cao nhất. Để nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, trong thời gian tới Hội Nông dân các cấp tỉnh Lạng Sơn sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp...

Có thể khẳng định, trong thời đại 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đang được người nông dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sử dụng để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Từ thực tế đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm dẫn dắt người nông dân tham gia tiến trình chuyển đổi số cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Lạng Sơn.

Hiệu quả từ những mô hình liên kết tiêu thụ nông sản tại Ninh Thuận
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết nhằm giảm đến mức thấp nhất rủi ro về giá cả, thị trường, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá” hay “mất mùa, được giá”, giúp các hộ nông dân ổn định sản xuất.