Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Mường Lai làm du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc

Nguyễn Thị Xuân - 07:11 09/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), Mường Lai là nơi sinh sống bao đời của đồng bào dân tộc Tày với những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng với Khu căn cứ du kích Cổ Văn, Mường Lai còn có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với màu xanh non bạt ngàn của những ruộng lúa, nương ngô, của những mái nhà sàn ẩn hiện trong sương sớm hay vẻ đẹp kỳ vĩ trên hồ Từ Hiếu… Tất cả mang đến vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng của một vùng quê núi.

Tập trung phát triển du lịch để nâng cao đời sống người dân

Mường Lai xác định phát triển du lịch cộng đồng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, các hoạt động đầu tư vào du lịch trên địa bàn xã thời gian qua có sự chuyển biến đáng kể về chất lượng, số lượng. Các sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp, thu hút sự tham gia của cộng đồng, khách du lịch trong và ngoài nước với những điểm đến để tham quan và du lịch trải nghiệm như: Khu di tích cách mạng Cổ Văn, Lễ hội đình Nà Ngàm, liên hồ Từ Hiếu, Roong Đeng, Tặng An.  

Tận dụng những thế mạnh này, thời gian qua Đảng ủy chính quyền xã Mường Lai đã và đang khuyến khích người dân tập trung vào phát triển du lịch để tăng thu nhập. Điều này đáp ứng được nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân do vậy đã tạo được sức lan tỏa lớn nên đã nhanh chóng được triển khai, đi sâu vào cuộc sống.

Hồ Từ Hiếu là địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng được nhiều du khách lựa chọn. 

Hồ Từ Hiếu ở xã Mường Lai được thiên nhiên ban tặng lợi thế cho hệ sinh thái đa dạng, cùng hệ thực vật phong phú là “viên ngọc thô” để người dân nơi đây rèn rũa để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá. Tận dụng thế mạnh này, năm 2016, ông Nông Công Minh đã xây dựng và đưa vào sử dụng khu du lịch sinh thái hồ Từ Hiếu, cũng kể từ đây đã có nhiều du khách và ngoài tỉnh biết đến mảnh đất này. Ngay từ khi bắt tay vào làm du lịch hồ sinh thái, để thu hút khách du lịch, ông Minh đã đầu tư hơn 500 triệu đồng phát triển các dịch vụ từ xây dựng nhà chòi cho khách nghỉ ngơi, ăn uống đến tổ chức các tua tham quan, ngắm cảnh tại các đảo nhỏ trên hồ. Điều này đã mang đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Không chỉ giúp du khách được hòa mình vào với thiên nhiên, ông Minh còn thu hút và níu chân du khách bằng việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trên hồ nhằm giới thiệu đến khách du lịch những nét văn hóa độc đáo của người Tày nơi đây thông qua các món ăn dân tộc được chế biến trực tiếp trên hồ, giới thiệu các điệu múa, câu hát truyền thống của người Tày, thậm chí du khách còn được trực tiếp trải nghiệm mặc các bộ trang phục của người dân tộc nơi đây… Chính cách làm sáng tạo này của ông Minh mà cái tên hồ Từ Hiếu đã được biết đến rộng rãi hơn, từ đó cũng mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể.

Không có nhiều đất để phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng luôn mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình, mặc dù còn khá trẻ, anh Hoàng Đức Anh ở thôn 8, xã Mường Lai, huyện Lục Yên đã lựa chọn cho mình cách làm riêng và mang lại hiệu quả cao. Năm 2018, Đức Anh dồn toàn bộ số tiền tích cóp được của gia đình sau nhiều năm làm việc vất vả để xây dựng quán cà phê sân vườn kết hợp với làm du lịch homestay.

Bên cạnh đầu tư, cải tạo ngôi nhà sàn của mình sao cho tiện lợi nhưng vẫn giữ đúng bản sắc của ngôi nhà sàn người Tày, Hoàng Đức Anh còn mang đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ như: trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc độc đáo, được hát cho nhau nghe ngay tại khuôn viên của ngôi nhà sàn… Đặc biệt hơn khi du khách đến với nhà cộng đồng của gia đình anh sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày với nguyên liệu từ thiên nhiên được trồng ngay tại địa phương.

Cứ như vậy với mỗi đối tượng khách du lịch, Hoàng Đức Anh lại có những cách phục vụ khác nhau sao cho phù hợp nhất với từng đối tượng khách hàng, qua đó cũng góp phần mang những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình đến với đông đảo du khách.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa

Ông Nông Công Minh hay anh Hoàng Đức Anh chỉ là 2 trong số rất nhiều nông dân ở xã Mường Lai đang lựa chọn cách làm du lịch để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Xác định ngành nghề phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan của địa phương được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nền nông nghiệp địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện Mường Lai đã có khoảng 50 mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở các lĩnh vực: Kinh doanh, dịch vụ, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, toàn xã đã có trên 250 hộ kinh tế khá, giàu, chỉ còn 5,4% hộ nghèo, việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân cũng được Mường Lai đặc biệt quan tâm. 

Miền quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống Mường Lai đã và đang đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nâng cao chất lượng hoạt động của các thôn văn hóa, duy trì 12/12 khu dân cư văn hóa. 

Đường nông thôn mới ở Mường Lai. Ảnh Thành Trung

Do vậy cùng với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mường Lai còn chú trọng đến việc khai thác các sản phẩm nông nghiệp như khôi phục các làng nghề truyền thống thành những sản phẩm du lịch, các điểm đến hấp dẫn du khách là giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiểu biết của người dân về cách làm du lịch, xã cũng chú trọng tới việc tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về cách làm du lịch cộng đồng; khuyến khích người dân đi tham quan những mô hình làm du lịch tiêu biểu trong tỉnh; triển khai nhân rộng những mô hình, cách làm hay tại địa phương… Điều này đã góp phần mang những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Tày, giới thiệu cảnh quan tươi đẹp của vùng quê Mường Lai đến với du khách trong vào ngoài nước, từ đó cũng góp phần làm giàu thêm cho mảnh đất quê hương.

Đồng thời, chăm lo giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống với những làn điệu dân ca dân vũ như: khắp Tày, hát ví quan làng, tấu sáo, múa dậm thuông và các lễ hội khác; duy trì hoạt động của 13 đội văn nghệ quần chúng, 4 câu lạc bộ thể dục thể thao… tạo nền móng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương. 

Cùng với phát triển kinh tế, Mường Lai chăm lo giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca dân vũ. Ảnh Thành Trung

Nông dân làm du lịch không chỉ là câu chuyện kinh tế dừng lại trong mái nhà, vườn cây mà vượt ra khỏi không gian đó hình ảnh về mảnh đất Mường Lai, Lục Yên với những con người thân thiện, mến khách cùng với nhiều loại sản vật quê hương ngày càng được lan tỏa.