Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Tuyên Quang khá giả từ khi được học nghề

Hoàng Tính - 07:24 28/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm hỗ trợ cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nắm bắt được khoa học kỹ thuật, chủ động áp dụng những kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tích cực đi đầu trong việc xây dựng các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân.

Bám sát cơ sở để mở lớp

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để xây dựng các lợp học nghề cho hội viên nông dân trên địa bàn, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các huyện, thành phố và bám sát cơ sở Hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân mong muốn được học nghề; đồng thời Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cũng bám sát vào kế hoạch, lộ trình của tỉnh Tuyên Quang trong xây dựng các xã về đích nông thôn mới theo từng giai đoạn, từng năm… từ đó Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan để mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân. Được học nghề đúng với tâm tư nguyện vọng của mình nên các học viên tham dự rất tích cực, khi trở về gia đình đã chủ động áp dụng vào làm kinh tế hộ gia đình.

Lớp học được xây dựng từ nhu cầu của hội viên nông dân (Ảnh HND Tuyên Quang)

Các học viên, hội viên nông dân của tỉnh Tuyên Quang tại các lớp học nghề do Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức, đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo.... Chính vì vậy các kỹ năng học nghề còn khá khiêm tốn, vì vậy để đạt được hiệu quả cao trong học nghề, trong quá trình triển khai, các giảng viên đã rất chú trọng đến công tác thực hành, “Cầm tay chỉ việc” đến từng khâu, từng giai đoạn cho từng học viên, chính vì vậy các học viên đã nhanh chóng tiếp nhận kiến thức ngay tại lớp học.

Trong năm 2023 Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp và tổ chức đào tạo được 15 lớp dạy nghề cho hội viên nông dân. Các nghề: Kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi; trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản…

Chúng tôi về xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những xã đi đầu, tích cực trong công tác vận động hội viên nông dân tham gia học nghề. Cũng chính từ những lớp học nghề mà nhiều nông dân trong xã Phúc Ninh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Tiến Thành ở thôn Khuôn Thống (xã Phúc Ninh) là một những hộ dân cũng làm giàu nhờ cây ăn quả. Năm 2018, bác Thành đã được tham gia một lớp dạy nghề trồng cây có múi do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân (Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang) phối hợp với Hội Nông dân xã Phúc Ninh tổ chức.

Bác Thành cho hay: Sau 3 tháng được học nghề, từ chỗ chỉ biết trồng cây ăn quả theo kinh nghiệm, canh tác theo kiểu truyền thống, giờ đây tôi đã biết áp dụng lối canh tác hiện đại như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, cách bảo quản quả sau thu hoạch, làm maketing cho sản phẩm... để phát triển vườn cây ăn quả của gia đình.

Không chỉ được học nghề, sau khi tham gia vào lớp đào tạo, gia đình ông Thành lại được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang giới thiệu, kết nối hỗ trợ vay vốn và chắp nối với đơn vị bao tiêu sản phẩm cây ăn trái. Hiện nay, ông Thành đã ký được hợp đồng bao tiêu được sản phẩm với một doanh nghiệp thu mua trái cây ở Hà Nội… Hiệu quả từ vườn cây ăn trái đã tăng rõ rệt, mỗi năm vườn bưởi 6ha đã cho gia đình ông Thành thu nhập khoảng 700 triệu đồng.

Hình thành vùng sản xuất lớn

Trong năm 2023 vừa qua, xã Quý Quân (huyện Yên Sơn )được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang mở được lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng cây ăn quả cho hội viên nông dân trên địa bàn.

Lớp học về kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi luôn thu hút được đông các học viên là hội viên Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang (Ảnh HND Tuyên Quang)

Anh Bàn Văn Hà ở thôn 5 (xã Quý Quân), phấn khởi cho hay: Trở về từ lớp tập huấn chúng tôi đã có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào vườn nhà. Nếu như trước đây thường chỉ sử dụng phân bón hóa học thì nay gia đình tôi đã ủ thêm cây xanh, phân chuồng… để bón cho cây ăn quả, vườn cây vừa phát triển tốt lại giảm được chi phí, khi không phải mua phân hóa học.

Cũng như anh Hà, anh Nguyễn Trọng Minh ở thôn 5 (xã Quý Quân) cũng đang tất bật với vườn bưởi của gia đình, anh Minh chia sẻ thêm: Trở về từ lớp học nghề ngoài những kỹ thuật mới, thì chúng tôi đã hiểu rõ hơn về việc liên kết lại với nhau để sản xuất, không chỉ giúp nhau về kỹ thuật, mà việc liên kết sẽ tạo ra vùng sản xuất lớn, vì vậy sẽ thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái sau này. Các thành viên ở xã Quý Quân chúng tôi cũng đang xây dựng phương án để thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã cây ăn quả trong thời gian tới.

Hiện nay trên địa bàn xã Quý Quân hiện có trên 300ha cây ăn quả, trong đó có tới 290ha bưởi, còn lại là na, cam, quýt và nhãn; cây bưởi tập trung chủ yếu ở thôn 5, 6 và 7. Chính vì vậy hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang là rất cần thiết vừa giúp được nông dân học được nghề, lại giúp được các hộ trồng cây ăn quả bắt tay liên kết lại với nhau… từ đó sẽ tạo vùng sản xuất cây ăn quả quy mô lớn, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế.

Sau mỗi khóa học, đào tạo Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đều có những buổi kiểm tra kiến thức, kỹ năng của từng học viên, đánh giá chất lượng đào tạo; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề tiếp theo.

Đào tạo nghề cho nông dân, hội viên nông dân đang là hướng đi đúng của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, từ đó giúp các hội viên nông dân nâng cao tay nghề, sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Trong năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp và tổ chức đào tạo được 15 lớp dạy nghề (mỗi lớp có 35 học viên) cho hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung vào các nghề như: Kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi; trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản…

Đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ hội viên

Cùng với đó Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang còn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tuyên Quang để hỗ trợ các học viên sau đào tạo nghề được vay vốn, phát triển sản xuất nông nghiệp; Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm từ đó giúp hội viên nông dân yên tâm phát triển sản xuất.

Các học viên được giảng viên hướng dẫn thực hành ngay tại buổi lên lớp (Ảnh HND Tuyên Quang)

Ngoài ra, trong thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang còn chủ động hỗ trợ bà con nông dân, hội viên nông dân có nông sản tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ nông nghiệp nhằm giới thiệu và quảng bá những sản phẩm hàng hóa tiêu biểu đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang.

Trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cũng cần đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; đổi mới nội dung chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phù hợp, đảm bảo theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, giúp người lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.