Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông nghiệp đóng góp quan trọng cho kinh tế và an sinh năm 2021

10:55 23/12/2021 GMT+7
Sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định rõ là trụ đỡ kinh tế vững chắc trong mọi hoàn cảnh.

Năm 2021 chỉ còn ít ngày nữa sẽ kết thúc. Năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, xã hội. Sau quý III, nền kinh tế suy giảm chưa từng có vì đại dịch, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự chuyển hướng kịp thời trong chiến lược phòng chống dịch Covid 19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, kinh tế quý IV tăng tốc. Trong bức tranh kinh tế còn nhiều gam trầm, nổi lên những mảng sáng, là “trụ đỡ” của nền kinh tế 2021, tạo đà cho năm 2022 phục hồi, bứt tốc.

Ngành nông nghiệp tiếp tục tìm được những lối đi mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt, tăng trưởng giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Năm 2021, với các đợt dịch lần 3, lần 4 bùng phát, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bị gián đoạn, thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định rõ là trụ đỡ kinh tế vững chắc trong mọi hoàn cảnh. Trong khó khăn, “phi nông bất ổn” chưa bao giờ lại là chân lý vững chắc đến như vậy.

Có thể nói ngành nông nghiệp phải đương đầu với vô vàn khó khăn ở tất cả mọi lĩnh vực trong năm 2021. Phần lớn các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, lâm sản và đồ gỗ… đặc biệt ở khu vực phía Nam, đã phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu của việc giãn cách. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thời gian này, mọi hoạt động sản xuất, dù đã có nhiều giải pháp đưa ra vẫn bị chững nhịp độ rất lớn. Trong các mặt hàng nông sản, thuỷ sản là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Nhiều nhà máy, vùng nguyên liệu phải tạm dừng hoạt động do thực hiện quy định giãn cách.

Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, sự sáng tạo của toàn ngành, cùng với người dân, chính quyền địa phương, sản lượng trong năm nay vẫn đạt 100% kế hoạch sản xuất. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra, tính đến hết tháng 11 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn.

Thuỷ sản là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản nhận xét, ngành hàng thuỷ sản cá tra vẫn duy trì được phát triển là do có hệ thống liên kết vững chắc, bền vững vượt qua thử thách. Tổ 970 của Bộ NN&PTNT đã giúp ngành vượt qua khó khăn…

Theo Bộ NN&PTNT, ước tính cả năm nay, sản lượng lúa vẫn đạt xấp xỉ 44 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2020, Các mặt hàng nông sản khác như sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 5,67 triệu tấn, tăng 5,3%; sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,6 triệu tấn, tăng 2,4%. Đặc biệt, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.

Đây là kết quả được tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đánh giá là vô cùng quan trọng, bởi sự duy trì tăng trưởng sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống-  dịch bệnh không ngoại lệ- là “tấm nệm” an toàn cho an sinh xã hội. Không những dư sức đảm bảo an ninh lương thực, nông sản hàng hóa, việc tiếp tục tìm được những lối đi mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt, tăng trưởng giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường nhận xét: Chúng ta đã có những giải pháp căn cơ hiệu quả trong khó khăn, đáp ứng được mọi tiêu chí, tiêu chuẩn cảu bạn hàng, phát triển mạnh trong mọi thời điểm…

Để giữ vững được tăng trưởng, sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, giải pháp điều hành linh hoạt của Bộ NNPTNT, sự nỗ lực lớn của địa phương, doanh nghiệp, người dân… là rất kịp thời để tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn, ngay khi có dấu hiệu các ngành hàng nông sản có dấu hiệu ùn ứ, đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt là khu vực phía Nam, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng thành lập đoàn công tác 970, cùng với nhiều giải pháp khác, cùng phối hợp, giúp đỡ tiêu thụ nông sản tại các vùng miền.

“Đoàn công tác 970 đã liên kết các vùng nguyên liệu, thành lập chắp nôí các điểm bán sản phẩm, trung chuyển hàng nông sản để giúp đỡ bà con tại các vùng nguyên liệu bị ảnh hưởng dịch…”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết.

Đặc biệt, theo Bộ NN&PTNT, ngay sau giãn cách xã hội, mở cửa trở lại hoạt động, các doanh nghiệp trong ngành đã dồn tổng lực sản xuất, chạy đua tiến độ, gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm, mở cửa trở lại hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu này, ngành NN&PTNT đã về đích trước hạn 1 tháng, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 1,5 tỉ USD và hết tháng 12 xuất khẩu hàng nông sản vượt con số 45 tỉ USD. Như vậy, ngay trong đại dịch, ngành nông nghiệp có thể nói vẫn vượt qua khó khăn, giữ vững nhịp độ tăng trưởng một cách ngoạn mục.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch trọng tài Trung tâm quốc tế Việt Nam nhận định, một trong những năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam chính là nông nghiệp. Đây là trụ đỡ đặc biệt trong khó khăn đại dịch.

Cần tiếp tục tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại nhiều thị trường cả trong và ngoài nước.

Bước sang năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” với nỗ lực, quyết tâm cao hơn, bảo đảm an toàn dịch bệnh khi sản xuất, vận chuyển. Dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, chưa được kiểm soát trên toàn thế giới. Do đó, cần hết sức chú ý các quy định để sản phẩm dễ dàng thông thương vào các quốc gia khác.

Thực tế, mặc dù có nhiều bước phát triển, nhiều mặt hàng nông sản thời gian qua vẫn thực hiện việc bán hàng theo kiểu ăn xổi, không hợp đồng ký kết, bán được bao nhiêu thì tuỳ vào bạn hàng. Đây chính là tồn tại khiến hàng nghìn xe nông sản hiện vẫn đang tồn đọng, ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.

Để từng bước giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, cần phải có kế hoạch bền vững, chứ không chỉ là giải quyết theo thời vụ. “Việc xây dựng các khu vực bến bãi đã được bàn với chính quyền địa phương để giải quyết lâu dài vấn đề hàng nông sản ùn ứ tồn tại trong thời gian qua”, ông Toản cho biết.

Trong năm qua, một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, một trong những thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn của ta đã có nhiều bước siết chặt kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông sản. Thời gian tới, đặc biệt, ngay từ tháng 1/2022, một số quy định về an toàn thực phẩm và đăng ký thực phẩm xuất khẩu sẽ có hiệu lực. Đây là khó khăn, thách thức lớn với các mặt hàng này. Bởi thế, để mặt hàng nông sản nối tiếp đà tăng trưởng, cần tiếp tục tổ chức sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng tại các vùng sản xuất, làm sao để sản phẩm nông sản làm ra tương xứng với giá trị.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại nhiều thị trường cả trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, có thêm cơ chế chính sách phù hợp với các vùng sản xuất, để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định là trụ đỡ kinh tế phát triển bền vững, ngày càng lớn mạnh, vươn ra biển lớn.

“Ngành nông nghiệp với doanh nghiệp là tiền đề cho sự bứt phá vượt khó khăn, để trong thời gian tới khi đại dịch kiểm soát phát triển chiến lược phát triể nông nghiệp một cách căn cơ”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ.

Thực tế, giải pháp vượt qua khó khăn, giữ đà tăng trưởng, nếu chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ, chúng ta còn những điều kiện nữa, đó là sự chủ động, phối kết hợp, thích ứng từ phía doanh nghiệp với người dân: thích ứng an toàn để vượt qua dịch bệnh, thích ứng với đòi hỏi mới từ thị trường, thích ứng với sự phát triển công nghệ, với biến đổi khí hậu… kết hợp chặt chẽ với người nông dân để cùng tiếp tục vượt qua khó khăn trong thời gian tới. Rõ ràng khái niệm “thích ứng an toàn” mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần thời gian qua không chỉ bó hẹp trong việc đối phó với đại dịch, mà còn có ý nghĩa về lâu dài, bền vững cho phát triển trong thời gian tới./.

Theo VOV

Cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước những diễn biến, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tới cuộc sống, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, môi trường, nhiều mô hình hiệu quả nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đã xuất hiện và có tác dụng thực tiễn trong cuộc sống. Các mô hình này rất cần được nhân rộng để giảm nhẹ những tác hại tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu ở nước ta.