Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông nghiệp công nghệ cao mở hướng làm giàu cho nông dân

Vũ Miền - 07:03 15/12/2021 GMT+7
Là địa phương vừa có biển, có rừng, đất đai bằng phẳng đã tạo nên lợi thế đặc biệt để huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây, huyện đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tạo sự phát triển bền vững. Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đã mở hướng làm giàu cho nông dân nơi đây.
Anh Nguyễn Hữu Nhượng - người tiên phong đưa nông nghiệp sạch phát triển tại Đầm Hà.

Nâng tầm giá trị nông sản

Là một trong những huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, Đầm Hà coi việc đưa công nghệ cao vào sản xuất sẽ là chìa khóa mở ra những thành công. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với làm nông nghiệp truyền thống.

Anh Nguyễn Hữu Nhượng hiện đang sở hữu trang trại dưa lưới ứng dụng CNC tại xã Tân Thanh (huyện Đầm Hà). Anh cũng là một trong những người tiên phong đưa nông nghiệp sạch, CNC về huyện Đầm Hà. Hiện nay, trang trại đang là điểm đến học tập của nhiều nông dân địa phương và cả nông dân ngoài tỉnh.

Anh Nhượng cho biết: Từ năm 2017, từ chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, anh đã thuyết phục hàng chục hộ dân tập trung đất đai để có mặt bằng đủ điều kiện áp dụng công nghệ sản xuất rau quả an toàn. Thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ sự kiên trì và quyết tâm, vụ đầu tiên trang trại của anh thu hoạch hơn 11 tấn dưa, trừ chi phí sản xuất, trang trại thu lãi hơn 200 triệu đồng.         

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp rau sạch cho thị trường, anh Nhượng tiếp tục lắp đặt thêm nhiều diện tích nhà màng, kèm theo đó là hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Trang trại bố trí xen canh một số loại rau thủy canh như xà lách, cải xanh, rau muống và cây sung Mỹ. Toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều được công nhân giám sát chặt chẽ, ghi đầy đủ hồ sơ ngày tháng trồng, ngày tưới, tình hình sâu bệnh... 

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển các mô hình nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, huyện Đầm Hà còn chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống gắn với ứng dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, hiện đại đối với các mô hình chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Điển hình là HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Hiền Tuyền đầu tư chăn nuôi gia cầm với giống gà bản Đầm Hà, xây dựng cơ sở sản xuất giống gà bản Đầm Hà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. 

Anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Huyền Tuyền cho biết, HTX đang áp dụng các công nghệ ươm nuôi gà giống và gà thương phẩm trong chuồng lạnh, thức ăn cho gà được bổ sung một số loại thảo dược và chất hữu cơ để bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất cung cấp ra thị trường Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội... HTX còn liên kết với các hộ dân ở Đầm Hà và Tiên Yên từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và đến khi gà đủ ngày đủ tháng sẽ thu mua, tiêu thụ cho bà con.

Hiện nay, HTX duy trì đàn gà giống bố, mẹ hơn 1.000 con, hàng năm xuất bán ra thị trường 100 nghìn gà con giống cho các trang trại, gia trại và 130 tấn gà thương phẩm cho các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng sản xuất giống với quy mô 3.000 gà giống bố mẹ, sản xuất 300 nghìn con giống/năm.

Trang trại dưa lưới rộng 5ha ở huyện Đầm Hà đã trở thành điểm đến học tập của nhiều nông dân.

Đẩy mạnh hỗ trợ và kết nối

Năm 2017, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng thuê lại hơn 5ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân để xây dựng trang trại trồng rau thủy canh, dưa lưới các loại theo hướng nông nghiệp sạch, CNC. Sau khi hệ thống nhà màng rộng 6.000m2 được lắp đặt xong, Công ty đã lựa chọn trồng dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ VietGAP, bước đầu cho thu hoạch sản lượng hơn 20 tấn. 

Điểm nhấn của mô hình rau sạch Quảng Tân là doanh nghiệp đã liên kết, thuê lại đất của các hộ dân, sau đó nông dân trở thành những công nhân lao động thuê trên chính thửa ruộng của mình với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng. Thành công của mô hình này mở hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp huyện Đầm Hà.

Hiện nay, huyện Đầm Hà đang tiếp tục thu hút đầu tư các dự án như: chăn nuôi lợn CNC tại xã Dực Yên, của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình Dương với quy mô 90.000 con lợn thương phẩm, 2.600 con lợn nái/năm; nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn FLC tại xã Tân Bình và xã Quảng Lâm với diện tích khoảng 545ha, khu vực xã Dực Yên và xã Quảng An với diện tích khoảng 688ha, nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, tập trung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đã chính thức đồng ý cho Tập đoàn TH lập quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến sữa và trang trại bò sữa CNC, quy mô 300ha.

Theo ông Trần Danh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết đặt rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch trên 200ha để kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành rà soát, phối hợp để hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC về nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, chế biến sữa. UBND huyện Đầm Hà cũng lên kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề khi các khu nông nghiệp này đi vào hoạt động” - ông Cường nhấn mạnh.

Gà bản Đầm Hà đang dần có thương hiệu trên hệ thống nông sản sạch của Quảng Ninh.

Lãnh đạo huyện Đầm Hà cũng đánh giá, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNC đã tạo điều kiện giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro trước những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với cách làm thông thường. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn còn là lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều khó khăn như vấn đề tư duy, nhận thức; nguồn vốn và gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Thời gian tới, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng CNC, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai, từng bước nâng cao thu nhập từ nông nghiệp sạch cho người dân trên địa bàn. 

“Huyện cũng tiếp tục vận dụng những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững” ông Cường cho biết thêm. 

“Mô hình của gia đình tôi như điểm đến thăm quan, học hỏi, nẩy ra ý tưởng dám nghĩ, dám làm và nhất là thanh niên và các hộ nông dân. Hiện nay, họ chỉ cần bỏ 350 triệu/1.000m2 đất thì có thể đảm bảo thu nhập từ 5-7 triệu/tháng”.
Anh Nguyễn Hữu Nhượng.