Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nước Anh buộc doanh nghiệp phải tự trả tiền xử lý chất thải

22:00 20/02/2019 GMT+7

Ngày 18/2, chính phủ Anh ra thông báo về kế hoạch hoàn thiện, đổi mới hệ thống tái chế rác thải, trong đó có việc yêu cầu các nhà sản xuất bao bì nhựa phải thanh toán toàn bộ chi phí xử lý chất thải của những đơn vị này và đưa ra ý tưởng về một chính sách “gom vỏ chai, nhận lại tiền”.

Kế hoạch trên sẽ được Bộ trưởng Môi trường Michael Gove công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian 3 tháng, với mục tiêu nhất quán hóa hoạt động thu gom rác thải gia đình trên toàn quốc.

“Chúng tôi sẽ tiên phong triển khai một chính sách thuế mới để thúc đẩy hàm lượng tái chế trong các sản phẩm bao bì nhựa, buộc doanh nghiệp sản xuất phải trả tiền xử lý chất thải bao bì của họ và chấm dứt sự lộn xộn trong hoạt động tái chế rác thải dân sinh”, ông Gove cho biết.

Chấm dứt tình trạng lộn xộn

Chính sách thuế mà ông Gove nhắc đến sẽ nhằm vào những nhà sản xuất không sử dụng đủ vật liệu tái chế. Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất chỉ phải gánh khoảng 10% chi phí xử lý chất thải bao bì nhựa, theo thống kê của Bộ Môi trường Anh.

Theo hệ thống Trách nhiệm nâng cao của nhà sản xuất (EPR), ngành công nghiệp này sẽ phải có trách nhiệm tài chính lớn hơn nếu các sản phẩm bao bì tạo ra khó tái sử dụng hoặc tái chế.

Việc triển khai chương trình EPR áp dụng cho bao bì đóng gói sẽ giúp huy động từ 800 triệu đến 1 tỷ bảng Anh mỗi năm để phục vụ công tác tái chế và xử lý rác thải, cũng theo Bộ Môi trường Anh.

Chính phủ Anh cũng sẽ lấy ý kiến người dân và các tổ chức về hai phương án triển khai cơ chế “gom vỏ chai, nhận lại tiền” đối với lon và chai thủy tinh hoặc nhựa.

Phương án đầu tiên nhắm đến một lượng lớn sản phẩm đồ uống trên thị trường, bất kể kích thước vỏ lon, vỏ chai. Phương án thứ hai chủ yếu tác động đến sản phẩm kích thước nhỏ hơn thường được tiêu thụ tại chỗ ở quán bar, nhà hàng… thay vì mua về nhà.

“Chương trình này có thể thúc đẩy tái chế khoảng 3 tỷ chai nhựa hiện đang bị đem đi thiêu hủy, tập kết ở các bãi chôn lấp hoặc vứt bừa bãi gây ô nhiễm đường phố, nông thôn và môi trường biển”, thông cáo của Bộ Môi trường Anh khẳng định.

Tỷ lệ tái chế chất thải dân sinh ở Anh đã tăng từ khoảng 11% lên 45%, nhưng kể từ năm 2013, tỷ lệ này đã giảm xuống.

Vấn đề nhựa dùng một lần đã nhức nhối ở Anh nói riêng, châu Âu và thế giới nói chung. Thủ tướng Anh Theresa May từng cam kết sẽ loại bỏ rác thải nhựa vào năm 2042 khi lũ lụt gây nguy hiểm đến tính mạng ở các đại dương trên thế giới.

Vào năm 2050, các đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá

Hiểm họa cho loài người

Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết mỗi năm có hơn 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương, tương đương cứ mỗi phút lại có 1 xe tải chở đầy nhựa đổ ra biển. Trong khi đó, mỗi năm thế giới sử dụng tới 5.000 tỷ túi nilon, mà một chiếc túi nilon cần ít nhất 500 năm để phân hủy. Những rác thải nhựa và túi nilon này đang chiếm tới 80% rác thải trong các đại dương hiện nay.

Các nhà khoa học ước tính với tỷ lệ hiện tại, vào năm 2050, các đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá và 99% các loài chim biển sẽ phải ăn nhựa. Hậu quả từ rác thải nhựa là môi trường biển bị ô nhiễm nặng nề. Các loài sinh vật biển, ngành thủy sản và du lịch sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, trong khi hệ sinh thái đại dương bị tàn phá, thiệt hại lên tới hàng tỷ USD.

Trên Thái Bình Dương, hỗn hợp những loại rác thải nhựa trôi nổi đã tạo thành một “đảo rác” ở khu vực giữa Hawaii và Bắc Mỹ. Trong vòng 40 năm qua, diện tích của đảo rác này liên tục tăng, tính đến nay đã rộng hơn trước 100 lần.

Biển Địa Trung Hải cũng bị ô nhiễm nặng nề khi ước tính có tới 250 tỷ mảnh nhựa trôi nổi. Để lọc sạch những mảnh nhựa trong nước biển Địa Trung Hải, phải mất tới 90 năm.

Trung Quốc là nơi thải ra nhiều túi nilon nhất, theo sau là Liên minh châu Âu và Mỹ. Chưa đầy 10% trong số nhựa chúng ta đang dùng hàng ngày được tái chế.

Do đó, Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia nên xem xét cấm hoặc đánh thuế các loại túi nilon, nhựa dùng một lần nhằm giảm gánh nặng ô nhiễm đối với môi trường tự nhiên, động vật hoang dã và sức khỏe của chính loài người.

Hải Châu