Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Hoà Sơn thu nhập khá từ nuôi ong lấy mật

Hoàng Tính - 07:10 01/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xã Hoà Sơn (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) có diện tích đất trên 3.250ha rừng, vườn đồi, chuyên trồng các loại cây: Keo, vải, nhãn, bưởi… ngoài thu nhập từ khai thác cây lấy gỗ, thu hoạch trái cây, người dân còn phát triển kinh tế với nghề nuôi ong lấy mật.

Không tốn tiền đầu tư thức ăn

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Hoàng Văn Bắt ở thôn Đoàn Kết (xã Hoà Sơn) người có kinh nghiệm nuôi ong lâu năm của xã Hoà Sơn, được ông cho biết: Để thuận lợi cho việc thụ phấn vườn cây ăn quả cũng như gia tăng phát triển kinh tế cho gia đình, khoảng 20 năm trở lại đây, gia đình tôi đã nuôi ong mật. Việc nuôi ong khá thuận lợi bởi đây là con vật nuôi không phải tốn tiền đầu tư mua thức ăn như các loài vật khác, mà ong sẽ tự đi kiếm thức ăn ở ngoài tự nhiên. Chính vì vậy chất lượng mật ong được khách hàng đánh giá cao, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Nuôi ong lấy mật đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cho các hộ gia đình ở xã Hoà Sơn. Ảnh Nguyễn Nhiên

Theo kinh nghiệm của ông Bắt: Ong lấy mật quanh năm, chúng luôn tự tìm được nơi có hoa nở để kiếm ăn. Nhưng mùa thu hoạch mật ong nhiều nhất thì từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, đây là khoảng thời gian trên địa bàn xã Hoà Sơn có nhiều cây ăn quả, cây rừng ra hoa nhất. Khi đó người nuôi ong cần kiểm tra kỹ các cầu ong nếu thấy có mật đầy các cầu ong, thì tiến hành quay cầu ong để lấy mật; cứ khoảng 10 đến 15 ngày có thể quay cầu ong 1 lần.

Trong quá trình quay cầu ong lấy mật cần lưu ý, không được quay hết các cầu ong, mà phải giữ lại 1 cầu ong, để ong không bỏ đàn và sẽ tiếp tục đi kiếm mật về để phát triển đàn.

Sau hơn 20 năm phát triển nuôi ong mật, đến nay gia đình ông Bắt đã có gần 200 đàn ong, mỗi năm cho thu từ 500 đến 800 lít mật, giá bán từ 200.000-250.000 đồng/lít mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài bán mật ong, ông Bắt còn bán giống (bán đàn ong), bình quân mỗi năm gia đình bán từ 50 đến 80 đàn ong với giá từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng/đàn. Bình quân mỗi năm gia đình ông Bắt có thu nhập trên 200 triệu đồng từ ong.

Lớp học tại vườn

Ông Dương Văn Mậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Sơn cho hay: Nhận thấy việc nuôi ong đem lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình nhà ông Bắt, Hội Nông dân xã Hoà Sơn đã tổ chức cho các hội viên nông dân có nhu cầu đến thăm quan, tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm về nuôi ong, từ đó về để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từng được đi thăm quan học tập kinh nghiệm nuôi ong mật ở nhà ông Bắt, do Hội Nông dân xã Hoà Sơn tổ chức, ông Nông Văn Hậu cho biết: Khi đến thăm quan chúng tôi được anh Bắt giới thiệu rất kỹ về quy trình nuôi ong như: Cách đặt hướng chuồng để ong bay ra bay vào thuận lợi, tìm ong chúa để có thể tách đàn, thời điểm quay cầu ong cho hiệu quả nhất… các kỹ thuật, kinh nghiệm về nuôi ong của ông Bắt trình bày rất là dễ hiểu, minh chứng rõ ràng nhất, tất cả các khâu ông Bắt đều đưa chúng tôi ra tìm hiểu ngay tại đàn ong đặt tại vườn nhà của gia đình.

Trở về từ những kỹ thuật, kinh nghiệm của ông Bắt, nhiều hộ gia đình ở xã Hoà Sơn cũng đã tự mình phát triển được các đàn ong mật. Đến nay trên địa bàn toàn xã Hoà Sơn đã có 60 hộ gia đình lựa chọn nuôi ong mật để phát triển kinh tế, với gần 1.000 đàn ong; năm 2021, sản lượng mật ong toàn xã Hoà Sơn đạt trên 7.000 lít.

Từ việc nuôi ong mật giờ đây nhiều hộ gia đình ở xã Hoà Sơn đã có thu nhập khá trên 80 triệu đồng/năm, như gia đình: Ông Hoàng Văn Bắt, ông Nguyễn Ngọc Trai, ông Nông Văn Hậu… mở ra hướng đi đầy triển vọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình.