Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển logistics để gia tăng giá trị hàng nông sản

16:05 06/01/2020 GMT+7
Một thời gian dài nông sản Việt Nam gặp khó khăn bởi câu chuyện được mùa mất giá. Nguyên nhân chính đến từ việc yếu kém trong khâu bảo quản vận chuyển. Để nâng cao chất lượng giá trị nông sản, chuỗi giá trị hàng hóa, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh hoạt

Một thời gian dài nông sản Việt Nam gặp khó khăn bởi câu chuyện được mùa mất giá. Nguyên nhân chính đến từ việc yếu kém trong khâu bảo quản vận chuyển. Để nâng cao chất lượng giá trị nông sản, chuỗi giá trị hàng hóa, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động logistics trong ngành nông, lâm, thủy sản.

Kho vận yếu – nông sản thất thế

Nông nghiệp tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số, khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất khẩu; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng năm đem về hơn 40 tỷ USD. Do đó, việc đầu tư logistics – là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ – cho nông nghiệp không chỉ tăng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn là nhiệm vụ chính trị…

TS. Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT đã chỉ ra thực tế, dù có nhiều thế mạnh nhưng việc thất thoát giá trị trong sản xuất và thương mại nông lâm thủy sản ở nước ta rất lớn, khiến lợi nhuận chưa cao. Hầu hết nông sản đều có chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, cần bảo quản ở nhiệt độ thấp… Do đó, ngành hàng nông sản đang cấp thiết đòi hỏi phải có chuỗi logistics phục vụ theo quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và xuất khẩu.

Từ nhiều năm nay, tại cửa khẩu Tân Thanh giao thương với Trung Quốc, thỉnh thoảng tái diễn tình cảnh: Xe chở các loại trái cây bị ùn tắc ở cửa khẩu kéo dài hàng chục kilômét. Nhiều xe chở hàng sau thời gian dài nằm chờ khi sang đến Trung Quốc, thì trái cây đã hỏng và bị trả về, phải đổ bỏ.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đúng là hiện nay nông sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 42,5 tỷ USD (năm 2018), nhưng thực tế là chúng ta đi chợ thế giới bằng sản phẩm thô, nặng (trung bình xuất khẩu 40 – 50 triệu tấn hàng/năm) và ngắn vì chủ yếu tập trung vào thị trường liền kề như Trung Quốc. Ngắn ở đây là do vận chuyển hàng nặng nên không đi dài được.

Nhiệm vụ của logistics là phải làm cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đi dài hơn đến nhiều thị trường ở xa về địa lý, đi sâu hơn về giá trị kinh tế. Mục tiêu của nông sản Việt Nam là sẽ đi sâu vào chuỗi giá trị và hợp lý hơn.

Mặc dù đã cố gắng trang bị, kết nối trong vận chuyển hành hóa nhưng thực tế, phương tiện tham gia vận chuyển của Việt Nam còn rất hạn chế. Ví dụ như thiếu container bảo quản lạnh, thiếu kết nối điện tử với hệ thống thông quan, thiếu thiết bị theo dõi từ xa để biết lúc nào xảy ra ùn ứ ở cửa khẩu, lúc nào thông thoáng, thiếu cả kho bãi tập kết nông, lâm, thủy sản… thậm chí thiếu cả khâu đóng gói, làm nhãn mác.

Ngành hàng nông sản đang cấp thiết đòi hỏi phải có chuỗi logistics phục vụ theo quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Tăng cường đầu tư hạ tầng chuỗi logistics

Do yếu trong khâu logistics mà nhiều nông lâm, hải sản Việt Nam bị thua ngay khi chưa cập thị trường bạn. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tỷ lệ hao hụt hiện nay khoảng 35% đối với quả và 40% đối với rau do thiếu công nghệ sau thu hoạch.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, nếu như chuỗi liên kết giá trị của chúng ta tốt hơn thì cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh cũng sẽ tăng lên. Cần phải xây dựng doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt những doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên kết các hợp tác xã và người nông dân. Ngay cả những chuỗi liên kết nông sản đã được xây dựng, với đầy đủ các mắt xích từ nông dân và hợp tác xã đảm nhiệm khâu chăn nuôi, trồng trọt; doanh nghiệp đảm nhiệm khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thì vẫn còn lỏng lẻo do thiếu “phụ gia” để liên kết từng mắt xích.

Phụ gia đó chính là dịch vụ logistics đảm nhiệm việc đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển nông sản từ mảnh ruộng của từng hộ nông dân đến kho của hợp tác xã; từ kho hợp tác xã đến kho của doanh nghiệp, và từ kho của doanh nghiệp ra “chợ thế giới”.

Hạ tầng phục vụ logistics còn thiếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics tại Việt Nam cao tầm nhất, nhì thế giới. Hiện, chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành của nhiều nông sản Việt như ngành thủy sản là hơn 12%, gỗ và sản phẩm từ gỗ: 23%, rau quả là 29,5%, lúa gạo gần 30%.
Ví dụ, chi phí vận tải quốc tế cho 1kg thanh long sang Mỹ qua đường hàng không vào khoảng 3.5 USD/1kg, chưa tính chi phí chiếu xạ (từ 0,5 USD-1USD/kg) cũng như chưa tính chi phí vận tải nội địa.

Như vậy, nếu bán cho nhà nhập khẩu Mỹ với giá khoảng 7 USD/1kg thì riêng chi phí logistics vận tải quốc tế đã chiếm khoảng 50% giá xuất khẩu. Giá cước hàng không của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Mặc dù là loại hàng khắt khe trong quá trình bảo quản, nhưng 90% lượng rau quả và hoa tươi xuất khẩu hiện nay vẫn được các doanh nghiệp sử dụng phương thức vận tải biển thay vì đường hàng không, để tiết kiệm chi phí. Thời gian vận chuyển đến một số thị trường lớn bằng đường biển khá dài, gây rủi ro cho xuất khẩu rau quả (tỷ lệ hao hụt lớn, nhanh hỏng): Đi Đài Loan mất 8 ngày, đi Úc 25 ngày, đi Mỹ khoảng 40 – 45 ngày, đi EU khoảng 30 – 35 ngày.

Hiện chuỗi cung ứng lạnh (cold chain logistics) vẫn còn trong giai đoạn mới phát triển ở Việt Nam. Xe tải đông lạnh chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Các thiết bị vận tải trang bị cho cold chain so với các nước khác còn thiếu chuyên nghiệp, không có cách nhiệt tiêu chuẩn, thiếu kết nối công nghệ thông tin giữa doanh nghiệp chủ hàng, các chủ hộ nông nghiệp để hình thành mạng lưới thông tin logstics nội bộ và trong chuỗi cung ứng.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, ngay cả khâu đầu tiên và rất quan trọng của logistics nông sản là khâu đóng gói, chúng ta cũng chưa làm tốt. Ở nhiều cơ sở sản xuất tại Việt Nam, phương pháp đóng gói thủ công dẫn đến phát sinh hư hỏng, thiệt hại và các nguy cơ mất an toàn thực phẩm tiềm ẩn. Các tiêu chuẩn đóng gói khác nhau được sử dụng tại các điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng và việc thiếu các tiêu chuẩn này làm gián đoạn dòng hàng hóa từ một điểm trong chuỗi cung ứng sang điểm khác khi hàng hóa buộc phải dỡ xuống và đóng gói lại, làm mất thời gian, tốn chi phí vận tải và nhân công, gây hư hỏng sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp nông sản hiện nay cho rằng rất cần các kho hàng logistics dành cho hàng nông sản được xây dựng ở những vị trí kết nối trực tiếp với ga, cảng lớn có trung tâm kiểm nghiệm, để tiện việc đóng gói, sơ chế, xuất khẩu và giám định chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp logistics cần kết nối với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là thông quan nhanh chóng.

Trước thực tế đó theo các chuyên gia cần phải nâng cấp các tuyến vận tải đường bộ và cảng biển, tập trung ở cả 3 khu vực. Thêm vào đó, hình thành nên các trung tâm quan trắc, kiểm nghiệm sản phẩm ở gần những kho hàng và nơi vận chuyển.

Ông Phạm Minh Đức- Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị là phải gắn chính sách và đầu tư vào hạ tầng giao thông với thương mại và chuỗi giá trị. Thêm vào đó cần tạo ra sự kết nối giữa thương mại, giao thông và phát triển chuỗi giá trị.

“Đặc biệt, cần tăng vốn đầu tư cho hạ tầng logistics nông sản như đầu tư vào chuỗi lạnh gồm kho lạnh, xe lạnh và container lạnh. Bên cạnh đó phải cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ cũng như tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không, xây dựng trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm” – ông Đức khuyến nghị.

Thuỳ Anh