Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Nam: Cải tạo giống lúa cũ cho thị trường mới

10:20 19/04/2020 GMT+7
Nổi tiếng với bánh tráng, mì Quảng lâu đời, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) gần đây phải đối diện câu hỏi về nguồn nguyên liệu chế biến bền vững đủ khả năng đáp ứng thị trường. Đây là lý do để đề án cải tạo giống lúa cũ địa phương do HTX Nông nghiệp Ái

Nổi tiếng với bánh tráng, mì Quảng lâu đời, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) gần đây phải đối diện câu hỏi về nguồn nguyên liệu chế biến bền vững đủ khả năng đáp ứng thị trường. Đây là lý do để đề án cải tạo giống lúa cũ địa phương do HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) đề xuất, lập tức nhận được sự ủng hộ của người dân và chính quyền.

Cánh đồng lúa ở Quảng Nam.

Ông Trần Viết Phương, Chủ tịch Hội Nông dân Đại Lộc (Quảng Nam) chia sẻ, tại buổi làm việc mới đây giữa HTX Ái Nghĩa với các hộ dân sản xuất bánh tráng, mì Quảng, câu chuyện hợp tác để có diện tích trồng lúa đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất của bà con đã được đặt ra và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Theo đó, khả năng khoảng 15ha đất lúa tại Đại Cường, Ái Nghĩa (Đại Lộc) sẽ được bà con nông dân dùng chuyên canh cho giống lúa IR13/2, tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho các lò mì, lò bánh tráng địa phương hoạt động.

Giống cũ, cơ hội mới

Ông Phương cho biết, giống IR13/2 thật ra là lúa cũ được đưa về đất Quảng Nam từ những năm 1980. Dĩ nhiên lúc đó, mục tiêu trồng lúa là lo cho câu chuyện lương thực của người dân. Với các đặc tính kháng rầy, ít đổ ngã và năng suất cao so với các giống lúa ngắn ngày khác, trung bình đạt đến 80 tạ/ha, nên IR 13/2 từng được trồng rất rộng rãi ở Quảng Nam. Song bởi nhược điểm nấu cơm ăn không ngon, nên càng dần về sau, giống này càng ít được ưa chuộng cho việc cung cấp gạo.

“Mất cái này được cái kia, giống IR 13/2 để dùng làm mì, làm bánh tráng thì lại rất tốt, lợi hơn nhiều so với các loại lúa khác. Bình thường gạo khác chỉ tráng được 100 lá mì, thì với IR 13/2 sẽ tráng được 120 lá. Chất lượng bột lại bảo đảm hơn, dùng cái bánh tráng từ gạo IR 13/2 quấn rau thịt cho món ăn, sẽ dễ dàng và chắc chắn hơn nhiều. Cho nên, nhà nào có lúa IR 13/2 để ngâm bột làm bánh tráng, mì Quảng thì chắc chắn người ta mua nhiều”. Ông Phương lý giải như vậy.

Những lò bánh, lò mì Quảng tại Đại Lộc đang được tiêu thụ tốt.

Từ thực tế đó, ông Trần Cảm, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa đã đưa yêu cầu nên xem xét, phát triển lại vùng đất chuyên canh lúa IR 13/2 cho nhu cầu sản xuất bánh tráng, mì Quảng tại Đại Lộc. Theo ông, thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vùng đất này đang ngày càng được ưa chuộng, sản lượng làm ra có lúc không kịp cung ứng đủ nhu cầu. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thậm chí ra Huế, Hà Nội đã quen với việc đặt mua ở các lò mì, lò bánh tráng Đại Lộc với số lượng lớn và thường xuyên. Do đó, việc xây dựng một vùng nguyên liệu lúa cũ có đặc tính phù hợp sản phẩm là rất cần thiết.

Theo ông Cảm, bình quân lâu nay, mỗi ngày riêng xưởng bánh tráng của HTX Ái Nghĩa đã cung ứng ra thị trường hơn 5 tạ bột, lúc cao điểm đến 1 tấn; chưa kể khu vực Đại Lộc đang có gần 100 lò bánh tráng, lò mì rải rác. Cho nên, HTX sẵn sàng bao tiêu cho bà con nông dân một lượng lớn lúa dự phòng cho sản xuất dài ngày, tầm 15ha chuyên canh không phải là vấn đề. Mỗi năm một vụ lúa IR 13/2 tính ra vẫn chưa đủ cho nhu cầu thị trường tiêu thụ bánh tráng, mì Quảng đang tiếp tục tăng…

Hướng đến năng lực lớn

Theo một số chủ lò mì ở Đại Lộc, nguồn gốc sợi mì Quảng gắn chặt lịch sử khai hoang lâu đời ở vùng đất này. Những hạt gạo đầu tiên làm mì, chỉ có thể là lúa rẫy của người Chiêm Thành cũ. Dần dà, với sự xuất hiện các loại lúa mới, sợi mì Quảng, cái bánh tráng Đại Lộc cũng khác đi. Nhưng xét về đặc tính nguyên thủy, những giống lúa cũ như IR 13/2 vẫn đảm bảo gần gũi với các loại lúa rẫy hơn cả.

Nỗi lo của các chủ lò mì, lò bánh, là qua thời gian, các giống lúa mới được trồng đại trà đã lấn dần diện tích đất lúa cũ. Đến nay, nếu không vận động gầy dựng lại diện tích lúa cũ, chắc chắn chất lượng sợi mì, cái bánh tráng Quảng Nam sẽ không được bảo toàn tốt.

Chất lượng bánh tráng Đại Lộc gắn liền với giống lúa cũ IR 13/2.

Hơn nữa, trong tính toán của chính quyền huyện Đại Lộc, cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vẫn rất nhiều, nhất là nếu gắn với các tiêu chí đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể như sợi mì Quảng, lâu nay chỉ có sợi mì gạo trắng và sợi mì pha nghệ màu vàng, tại sao không thể cải tiến thêm những sợi mì hương vị khoai môn (màu tím) hay rau dền (màu đỏ) hoặc rau bồ ngót (màu xanh)…? Những ý tưởng này, rất đáng được quan tâm để tổ chức sản xuất, từ đó giúp cho thị trường thêm phong phú và khẩu vị người ăn thêm đậm đà?

Ông Trần Cảm nhìn nhận, xu hướng thị trường phát triển là có thật và lý do để một HTX Ái Nghĩa quyết tâm cùng bà con đầu tư chuyên canh giống lúa cũ tìm cơ hội mới là có đủ. Do đó, trong thời gian ngắn sắp tới, ông sẽ cùng các cộng sự và bà con nông dân tích cực thúc đẩy hướng đầu tư này, bên cạnh các yêu cầu bổ sung, làm mới các sản phẩm truyền thống.

Danh tiếng bánh tráng Đại Lộc, mì Quảng đã lan xa từ rất lâu, giờ đây đang có cơ hội khẳng định thêm một lần nữa, từ ý tưởng cải tạo phát triển lại diện tích chuyên canh cho một giống lúa cũ, thật sự là điều đáng mừng!

Bài, ảnh: Nguyên Đức