Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định xử lý vi phạm về điều kiện chăn nuôi

07:18 04/07/2021 GMT+7

Thời gian qua có nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về tình trạng: Trang trại chăn nuôi xây dựng ngay đầu nguồn nước, hộ gia đình chăn nuôi trong khu dân cư… gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Nguy hiểm hơn có trường hợp còn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người… Bạn đọc đặt câu hỏi: Pháp luật quy định thế nào để ngăn chặn tình trạng trên? Người có hành vi vi phạm bị xử lý ra sao?…

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam) cho biết: Việc xây dựng trang trại chăn nuôi gần khu dân cư gây ô nhiễm, hoặc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… là hành vi “vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi” được quy định tại Mục 3, Chương II của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 4 năm 2021). Hành vi đó cần phải được xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định này.

Những hành vi nào bị coi là “Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi”, thưa luật sư?

Hành vi “Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi” được quy định cụ thể từ Điều 24 đến Điều 35 Nghị định trên. Hành vi đó thể hiện rất đa dạng như: Chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi; không bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi ; không lưu giữ, cập nhật đầy đủ hồ sơ về quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi… Để biết thông tin chi tiết các bạn tham khảo Nghị định trên.

Đối với nông hộ mà chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi, để phân, nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người xung quanh thì bị xử lý ra sao?

– Theo quy định tại khoản 3, Điều 24, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP thì hộ chăn nuôi mà chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đồng thời còn bị buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi’

– Điều 31, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định việc xử lý “Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ” như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Đồng thời buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

Còn vi phạm về điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại bị xử lý ra sao?

– Đối với vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ, sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP, như : Không bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian dối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định. Ngoài ra còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc di dời trang trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

– Đối với vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP như: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu không bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi gian dối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi; phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động chăn nuôi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi. Bên cạnh đó còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 26.

Ảnh minh hoạ.

Điều mà lâu nay người dân lo ngại nhất là việc sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi. Vậy những hành vi vi phạm này bị xử lý ra sao?

Vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi được quy định tại Điều 28 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi vi phạm và chế tài xử lý như sau:

– Hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

– Hành vi không ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

– Hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi nông hộ;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

– Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án. Bên cạnh đó còn buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy chất cấm và vật nuôi đã sử dụng chất cấm đối với hành vi vi phạm …

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)