Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Rau trồng rẻ như cho, Rau rừng ‘xắt ra miếng’

22:04 23/04/2018 GMT+7

Sau Tết hàng tháng trời nhưng giá các loại rau củ đều giảm đột ngột khiến người dân nhiều nơi “điêu đứng”. Nhiều tháng nay, tình hình sản xuất rau củ vẫn chưa cải thiện là bao.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 3/2018, giá nhiều mặt hàng trái cây tăng, nhưng thị trường rau một số tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Bắc giảm mạnh. Cụ thể, khoai tây chỉ còn từ 10.000 đến 11.000 đồng/kg; hành tây 3.000 đồng/kg (giảm 4 lần so với trước Tết); cà rốt giảm đến 5.000 đồng/kg, còn 20.900 đồng/kg; bắp cải trắng 9.500 đồng/kg; củ cải và su hào tại một số tỉnh miền Bắc giá 1.000 đến 1.200 đồng/củ…

Rau trồng rẻ như cho

Từ sau Tết tới nay, do nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi các loại rau đều đang đến độ thu hoạch nên giá thành giảm mạnh khiến người dân trồng rau màu lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nhiều hộ chọn phương án đổ bỏ để đỡ công thu hoạch.

“Bây giờ giá rau vẫn còn thấp quá, có thu hoạch bán cũng chỉ được một ít, còn thì đành phải để vậy thôi. Mình bỏ công sức, mồ hôi trong suốt mấy tháng nhưng đành chịu, chưa có năm nào mà giá rau xuống thấp như thế này, đến tận tháng 4 rồi mà giá rau vẫn ở mức thấp so với mọi năm”-chị Nguyễn Thanh Hải-Tây Tựu-Hà Nôi, cho biết.

Một phần năm nay thời tiết thuận lợi nên các loại rau củ phát triển tốt nhưng giá cả ba tháng đầu năm không được khả quan, do sau Tết, cầu giảm mạnh.  “Hiện tại, thương lái thu mua xà lách tại Đông Anh-Hà Nôi chỉ 3.000đ/kg, nếu được giá, rau xà lách sẽ bán 7.000đ/. Có nhà mang ra chợ bán lẻ được 3.500đ/kg mà cũng chẳng ăn thua.” – nông dân Nguyễn Khắc Hiệu – Đông Anh-Hà Nôi, cho biết.

Nếu những tháng trước, giá các loại rau giá đều giảm một nửa thì hiện nay cũng đã tăng 500-1000đồng/kg, giá bán tại vườn. Nhưng nếu trừ chi phí, người nông dân cũng chẳng lãi là bao. Về đầu ra, người dân vẫn chủ yếu bán buôn tại vườn, hoặc bán lẻ ở các chợ trên địa bàn Hà Nội nên rủi ro rất cao. Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, xu hướng nhiều hộ gia đình tự trồng rồi chăm sóc rau để ăn ngày càng phổ biến cũng là nguyên nhân khiến cho các hộ dân trồng rau màu không thể tiêu thụ được.

Rau rừng giá chát

Khi những loại rau thông thường rơi vào tình trạng được mùa, mất giá thì những loại rau rừng  như rau dớn, bò khai, tầm bóp, măng đắng,  … đang được rao bán với mức giá khá đắt đỏ trên chợ mạng.

Nếu trước đây, rau rừng còn xa lại với mọi người ở thành phố thì bây giờ, các loại rau rừng đã được rao bán và “hút” người dùng. Hơn nữa, dù có giá khá đắt đỏ, dao động từ 130.000 đến 200.000 đồng/kg nhưng rau rừng xuống phố bao nhiêu là hết sạch bấy nhiêu.

Rau rừng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Hiện nay, những loại rau rừng như rau dớn, bò khai, tầm bóp, măng đắng… đang được bán nhiều trên chợ online. Theo chia sẻ của chị Hà Thị Thu Huyền (một người bán rau rừng quê tại Sơn La), khoảng thời gian đầu mùa hè luôn là dịp mà nhiều loại rau rừng sinh trưởng tốt nhất. Đây cũng là thời điểm ăn rau rừng ngon nhất vì rau sẽ đỡ đắng, chát.

“Nhà tôi ở Sơn La nên tôi thường nhờ mẹ mua lại rau của bà con đồng bào các dân tộc khi đi rừng về. Sau đó, mẹ gửi xe khách xuống Hà Nội để tôi bán trên mạng xã hội Facebook. So với các loại rau nhà trồng thì rau rừng dễ bảo quản, dù trong quá trình vận chuyển có bị héo nhưng chỉ cần tưới một chút nước rau sẽ tươi trở lại vì  đặc thù sống tự nhiên tại nơi hoang dã nên rau cũng thích nghi được thời tiết khắc nghiệt”, chị Huyền chia sẻ.

Đặc biệt, 1kg rau sắng hiện nay được bán trên mạng Facebook với giá cao ngất ngưởng, dao động 230.000 – 250.000 đồng. Dù giá không hề rẻ nhưng  theo người bán hàng trên mạng xã hội, nơi đây vẫn không có đủ rau phục vụ khách.

Chị Bùi Thị Tuyến (quê ở xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết khách mua nhiều mà số lượng rau sắng có hạn. Thi thoảng chị mới gom được vài kg. Ở đây chưa nhà nào trồng cây rau sắng cả, họ hái hoàn toàn trên rừng.

Dù giá cao nhưng so với các loại nông sản khác, rau rừng luôn hút khách do các loài rau này mọc hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Không chỉ có người tiêu dùng thích mua các loại rau rừng mà hiện nay, nhiều nhà hàng ở Hà Nội cũng “săn lùng” những loài rau rừng này. Do khan hiếm về nguồn cung, nên các loại rau này luôn bán được giá.

Như Yến