Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Rộn ràng ngày 30 Tết của đồng bào Mông Sa Pa

17:00 21/01/2023 GMT+7
Tết đến xuân về, cũng như các dân tộc anh em, đồng bào Mông ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vẫn lưu giữ, duy trì những phong tục đón Tết mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trong đó, ngày 30 tết được đồng bào Mông rất coi trọng, chuẩn bị chu đáo, với nhiều thủ tục mang nhiều ý nghĩa thể hiện niềm mong ước của đồng bào cho một năm mới hạnh phúc, an lành, mùa màng bội thu. 

Quét nhà ngày 30 tết của dân tộc Mông (Sưu tầm).

Ngày 30 Tết được xem là khoảng thời gian bận rộn nhất của đồng bào Mông ở Sa Pa. Các bà, các mẹ, các chị cố gắng hoàn thiện nốt những bộ đồ mới và sắm sửa Tết cho gia đình. Đàn ông trong nhà đảm nhiệm việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị củi cho mấy ngày tết, mổ lợn, thịt gà để chuẩn bị cho bữa cơm cúng gia tiên.

Khoảng 15 giờ chiều 30 Tết, gia chủ chọn chặt lấy 3 cành tre không bị gẫy ngọn, 3 nến nhang, quét qua các góc nhà, chân tường trong nhà ra cửa chính, đồng thời một người khác lấy chổi chít quét qua nhà cửa với quan niệm xua đuổi những tàn khí, không may mắn cho đi cùng năm cũ, năm mới gia đình đón sự may mắn, tài lộc, mong muốn một năm mới an lành, hạnh phúc. Khi quét xong ra ngoài, gia chủ cầm 3 ngọn tre và rác đi vứt ở những đoạn đường ngã 3 theo hướng mặt trời lặn. Khi quét nhà xong, gia chủ hoặc người làm lễ trong gia đình sẽ địu một cái gùi, mang một bát gạo, một quả trứng, ba nén hương ra đồng ruộng của gia đình để gọi hồn lúa, ngô, cây trồng, vật nuôi về cùng gia đình đón năm mới.

“Khi đến đồng ruộng của gia đình, gia chủ sẽ vừa khấn gọi hồn, vừa dùng tay nhặt những hạt thóc, hạt ngô trên đồng ruộng tượng trưng cho hồn của ngô, lúa cho vào gùi để địu về nhà cùng gia đình đón tết. Về đến nhà, sẽ gọi hồn thêm một lần nữa tại cửa chính, gọi xong chiếc gùi sẽ được để lên trên gác xếp của gia chủ. Sau 3 ngày khi hết tết mới lấy gùi xuống để sử dụng”- ông Má A Lồng, tổ 3, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, cho biết.

Bánh dày ngày tết của đồng bào Mông (Sưu tầm)

Đến gần tối 30 Tết là thời điểm mong đợi nhất. Vì lúc này là thời điểm giã bánh dày để cúng ông bà, tổ tiên. Chiếc bánh dày đầu tiên là chiếc bánh to nhất để trong một cái mẹt và đặt lên trên bàn thờ. Gia chủ sẽ lấy một bát gạo để cắm hương và một chiếc đèn dầu thắp sáng, chiếc đền dầu này sẽ được thắp sáng 3 ngày đêm. Cùng với đó, gia chủ sẽ làm một mâm cơm mời ông, bà, tổ tiên về cùng gia đình ăn tết, đón năm mới. Sau đó, làm mâm cơm tất niên mời anh em, bạn bè đến cùng chung vui, chúc nhau những lời tốt đẹp, phát tài phát lộc, vạn sự như ý...

 

 “Năm nay gia đình tôi đã chuẩn bị được mọi thứ để đón Tết cùng với các gia đình như quần áo mới, lợn, gà để mổ mời ông bà, tổ tiên và anh em, bạn bè đến chung vui với gia đình. Sang năm mới mong muốn cả gia đình từ già đến trẻ, con cái mạnh khỏe, không ốm đau, bệnh tật và lúa ngô đầy bồ, tiền đầy túi, gia súc gia cầm đầy chuồng”- anh Hạng A Dinh, ở tổ 3, phường Hàm Rồng, Thị xã Sa Pa nói.

Dán giấy các đồ vật ngày tết (Sưu tầm)

Phần quan trọng nhất trong ngày 30 Tết, đó là thay lại bàn thờ và giấy dán bàn thờ. Để làm lễ này gia chủ phải cắt một mảnh giấy mới để thay thế bàn thờ cũ, chọn một con gà trống to màu đỏ, đẹp, cắt tiết, nhổ lông ở cổ dán lên mảnh giấy trên bàn thờ. Lễ thay lại bàn thờ của đồng bào Mông ở Sa Pa thường bắt đầu lúc bước sang năm mới, để cầu phúc, đón những điều tốt lành. Khi lễ thay bàn thờ xong, khoảng 3, 4 giờ sáng bà con sẽ đi lấy can nước đầu tiên trong năm mới với quan niệm chào đón những tài lộc mới, điều may mắn cho gia đình, để trong năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, lúa ngô đầy bồ, tiền đầy túi, gia súc đầy chuồng.

 “Làm xong những việc trên, từ sáng mùng 1 -3 tết, các thành viên trong gia đình không được đi đâu xa, chỉ chúc tết quanh hàng xóm, không tiêu tiền, không đi xe cộ.... trong những ngày này.  Sau ngày 3 tết, khi đã tiễn chân tổ tiên, mọi người mới được đi chơi xuân. Thời gian vui xuân có thể tùy theo từng vùng, thông thường là đến hết ngày 15 tháng giêng” - ông Má A Lồng, tổ 3, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa cho biết thêm.

Tết Nguyên đán mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và trang trọng với đồng bào Mông. Đây là dịp để từng thành viên trong các gia đình nghỉ ngơi, đoàn tụ, gắn tình đoàn kết xóm làng cùng trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, cầu mong những điều tốt đẹp hơn trong năm mới./.                                                               Theo VOV

TỪ KHÓA #le hoi