Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sầu riêng giá cao, thương lái “ngoảnh mặt”

Nguyên Đức - 15:40 18/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Những thông tin tăng giá sầu riêng mùa vụ năm nay đang “đẩy” những vườn sầu riêng trĩu quả ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung vào thế khó, vì hầu hết thương lái đều ngập ngừng khi mua, thậm chí “ngoảnh mặt”. Nhiều nông dân thay vì hớn hở trúng vụ và được giá thị trường lại có nguy cơ “vỡ nợ” bởi sầu riêng!

Theo ghi nhận từ các nhóm thương lái, chủ trang trại lớn, chủ “vựa sầu” ở Đắk Lắk, tính đến ngày 16/7/2023, giá sầu riêng thu mua tại vườn được “đẩy” đến ngưỡng 85.000 đồng/kg nguyên trái. Mức giá này gần gấp đôi giá thu mua năm trước, và theo nhiều người mua, là không chấp nhận được bởi vượt xa chi phí cho phép với mỗi đơn hàng xuất đi.

Sầu riêng “dội chợ”?

Vào thời điểm này năm trước, Đắk Lắk tổ chức lễ hội sầu riêng Krông Pắc, và đó là cơ hội kích hoạt thương hiệu xuất khẩu sầu riêng lớn nhất địa phương, để các dữ liệu thông tin về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc lan tỏa. Từ điểm “giậm nhảy” này, sầu riêng nhanh chóng trở lại là sản phẩm được chú ý ở Đắk Lắk, cũng như Tây Nguyên nói chung, thu hút người nông dân quay lại canh tác, mở rộng diện tích trồng chuyên canh. Giá sầu riêng được thông tin liên tục, với đà tăng không dừng. Vào đầu mùa sầu riêng năm nay, giá sầu riêng được dư luận nắm bắt đến 90.000 đồng/kg, ở mức đỉnh điểm so với nhiều năm qua. Hiện tại, giá bán sầu riêng tại vườn có giảm, còn tầm 75.000 – 78.000 đồng/kg, ngưỡng cao ở 85.000 đồng, đều vượt tính toán của các đơn vị thu mua.

Giá sầu riêng tăng cao ngay tại vườn khiến nhiều thương lái lưỡng lự thu mua do chi phí đầu vào tăng cao, khó chốt đơn với doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Ban Mê Green, một trong những đơn vị đầu tư chuyên canh nông nghiệp ở Đắk Lắk chia sẻ, những ngày qua, dù cố gắng thương thuyết, đơn vị bà vẫn không thể “chốt đơn hàng” được với các thương lái xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc. Bởi lẽ nếu cộng chi phí “làm hàng” tại doanh nghiệp, đúng bao bì xuất khẩu, sẽ cần tăng 20.000 đồng/kg, tối thiểu giá xuất phải là 105.000 đồng/kg, thương lái không chấp nhận.

Đây là tình trạng chung của các đơn vị kinh doanh xuất khẩu sầu riêng những tuần qua, khi mùa sầu riêng bắt đầu. Thông tin từ các vùng sầu riêng miền Tây cũng trong tình cảnh tương tự, thương lái đều ngần ngại thu mua vì giá chốt ở vườn quá cao, trong khi chi phí phát sinh vận chuyển, kho bãi, làm hàng… đều vượt trội. Nhiều đơn vị dù đã ký với nông dân việc thu mua, song cuối cùng “bỏ chạy”. Dư luận bất mãn tràn lan, đánh giá các doanh nghiệp thu mua không giữ chữ tín, lại càng làm cho thị trường thêm hoang mang.

Không ít tư thương cho rằng, việc tạm dừng thu mua sầu riêng, cũng từng xảy ra ở nhiều vụ sầu riêng. Nguyên do, loại trái cây này có thời vụ thu hoạch nhất định, không thể để lâu như café, tiêu, điều… Chỉ cần sầu riêng chín già và rụng, người nông dân không tiêu thụ kịp là đổ bỏ. Do đó, nhiều thương lái lợi dụng điều này để ép giá nông dân, để đến khi trái già, sẽ mua với giá rẻ mạt. Vấn đề này, đã từng gây bức xúc rất lớn vào những năm sầu riêng được mùa. Tuy nhiên, cá biệt năm nay lại có khác, vì giá sầu riêng chốt tại vườn quá cao, dẫn đến lợi nhuận cho thương lái giảm, họ sẵn sàng từ chối. Vậy là sầu riêng “dội chợ”, tổn thất cuối cùng vẫn tính trên đầu người nông dân.

Cần những điều chỉnh đồng bộ

Theo bà Thái Thanh, việc tranh luận giá bán mua lâu nay khó bề ngã ngũ. Đã nhiều năm qua luôn có tình trạng nhà nông hô giá cao khi vào mùa, để rồi thương lái không mua, đến khi quá vụ phải bán đổ bán tháo, mọi bên đều thiệt hại. Theo số liệu, riêng Đắk Lắk hiện có hơn 22.000ha sầu riêng, sản lượng thu hoạch dự kiến đến 500.000 tấn/năm, tốc độ thu hoạch 8.400 tấn/ngày, xuất khẩu bình quân 460 container/ngày. Khối lượng nông sản lớn này nếu tồn tại mãi tình trạng giá cả trôi nổi lên xuống, bất hợp tác giữa người trồng và người mua, thiệt hại kinh tế chung sẽ rất lớn.

Để đôi bên cùng thắng trong cả mùa vụ, nhà vườn và thương lái nên cùng nhượng bộ ở mức giá phù hợp. Ảnh minh hoạ.

Theo đó, chỉ bằng cách nhà quản lý, các hội đoàn thể, doanh nghiệp cùng người nông dân chịu tương tác, chia sẻ để điều chỉnh với nhau, vấn đề mới giải quyết được. Trước hết, theo các doanh nghiệp, người nông dân không nên nghĩ ngắn hạn, mà nghe thông tin vào một thời điểm để đưa giá quá cao. Thực tế qua tính toán của nhiều nông dân, chi phí canh tác sầu riêng bình quân tầm 20.000 đồng/kg, nếu bán tại vườn ở mức 55.000 – 65.000 đồng/kg đã có lãi. Nếu các doanh nghiệp thu mua được giá này, việc buôn bán thu mua sẽ rất thuận lợi, các bên đều ổn thỏa.

Dĩ nhiên, để người nông dân chấp nhận nhượng bộ hạ giá vườn sầu riêng khi giá lên cao, cần có sự vào cuộc của các đoàn thể, chính quyền, cùng doanh nghiệp, với các chính sách sẽ hợp tác, hỗ trợ chi phí đầu vào từng vụ cho người nông dân. Khi người nông dân được giúp tư vấn canh tác từ nhà khoa học, hỗ trơ vốn đầu mùa, các khoản vật tư nông nghiệp trong canh tác…, chắc chắn việc hợp tác giữ giá vườn bình ổn là khả thi, kéo theo nhiều thuận lợi cho hướng tiêu thụ sản phẩm ổn định.

“Sầu riêng hô giá càng cao, thì người nông dân càng dễ bị thiệt hại. Vụ mùa dù sao cũng phải tiêu thụ, không thể giữ sầu riêng mãi trên cây”. bà Thái Thanh nhấn mạnh như vậy, và lưu ý, người nông dân đừng quên, thời vụ sầu riêng ở Thái Lan cũng không cách biệt lắm với mùa sầu riêng ở Việt Nam. Nếu không sớm tiêu thụ tốt, sầu riêng Thái Lan đến mùa thu hoạch sẽ áp đảo rất lớn, vì họ có nhiều lợi thế về canh tác, kỹ năng bán hàng, vốn đầu tư, giá cạnh tranh…

Do đó, giải pháp cùng hợp tác, cùng thắng giữa người nông dân và các bên thu mua xuất khẩu, để sầu riêng Tây Nguyên không còn đưa giá bán quá cao khiến người mua “ngoảnh mặt”, là điều cực kỳ cấp thiết trong tình hình hiện nay.