Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sống chung với hạn – mặn

09:36 15/04/2020 GMT+7
Chưa bao giờ hạn mặn đã và đang tàn phá khốc liệt ĐBSCL như thời gian này. Với tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra nhanh chóng buộc Nhà nước và người dân phải tính đến chuyện lâu dài để thích nghi ở những năm tới. Hiện tại, đây đó đã

Chưa bao giờ hạn mặn đã và đang tàn phá khốc liệt ĐBSCL như thời gian này. Với tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra nhanh chóng buộc Nhà nước và người dân phải tính đến chuyện lâu dài để thích nghi ở những năm tới. Hiện tại, đây đó đã có nhưng người nông dân đang tập dần cách sống chung với hạn – mặn.

Xuống màu trên đất nuôi tôm

Thới Bình – nổi tiếng với dòng sông Trèm Trẹm hiền hòa. Khác những vùng đất khác, nơi là vùng đất nhiễm phèn nặng nên chỉ chuyên canh cây lúa, nhưng sản lượng thấp, đời sống người dân vẫn nghèo, bấp bênh. Những năm 2000, địa phương mạnh dạn chuyển đổi hai mùa: Vụ lúa-vụ tôm ở hai mùa mặn ngọt, đời sống bà con có phần khấm khá hơn. Khi biến đổi khí hậu những năm gần đây diễn biến phức tạp, người dân đã mạnh dạn đưa mô hình sản xuất mới vào canh tác, đó là trồng màu trên đất ruộng-tôm này.

Cán bộ Hội Nông dân xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đang giới thiệu mô hình trồng màu trên đất nuôi tôm của địa phương. Tuy mới có hơn 30 hộ tham gia ở hai ấp 1,2 nhưng đã chứng minh được tính hiệu quả cao trong điều kiện khô hạn.

Đến ấp 2 xã Thới Bình, huyện Thới Bình, ai cũng biết vợ chồng thầy giáo Diệp Quốc Bửu và vợ là Dương Thị Phượng. Chỉ có 1ha đất, hai vợ chồng dành 1 công đất trên bờ ruộng trồng các loại hoa màu: Hành mướp, dưa, cà… thu hoạch được để sinh sống hằng ngày và đầu tư cho 9 công ruộng còn lại. 9 công đó, mùa ngọt hai vợ chồng anh trồng lúa, mùa mặn xuống giống nuôi tôm – cua. Cứ thế, mấy năm nay, cách lấy ngắn nuôi dài của anh đã “làm chơi, ăn thiệt”. Ngoài chuyện cuộc sống ổn định, anh chị đã nuôi hai con ăn học khôn lớn, đứa lớn tốt nghiệp đại học đã đi làm. Còn đứa con gái nhỏ cũng đang học đại học Cần Thơ nay cũng sắp ra trường.

Anh Bửu cho biết, cái khó ở vùng này vào mùa mặn đó là nước ngọt. Bởi đây là vùng sâu phèn mặn, không được cung cấp nước tập trung nên phải khoan cây nước để sinh hoạt. Từ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, anh đào ao trữ lại, bơm thêm một ít nữa. Cứ vậy có thể tiết kiệm tưới được cho 1 công màu trong suốt mùa khô. Lay lắt là vậy, 1 công màu đó cũng kiếm được vài chục triệu sau mỗi vụ. Năm nay tuy nắng hạn quá khốc liệt, nhưng đám màu của hai vợ chồng vẫn đủ sinh hoạt và thừa vốn để đầu tư cho vụ lúa vào tháng 6 dương lịch khi mưa xuống.

Chị Bé Hai, cán bộ nông nghiệp xã Thới Bình cho biết, địa bàn xã còn rất khó khăn do nhiễm phèn nặng. Vụ lúa năm nay bà con thu nhập cũng khá. Tuy nhiên vụ tôm lại thất bại hầu hết do nước sông độ mặn lên cao đến 35/1.000 và kéo dài. Không thể đưa lên ruộng nuôi tôm. Nhưng ở hai ấp 1 và 2, hơn 30 hộ không nuôi tôm mà đưa màu xuống ruộng lại thành công thu nhập khá. Thậm chí, nhiều hộ như gia đình anh Bửu chỉ trồng diện tích nhỏ bằng cách tận dụng bờ vuông cũng thu nhập hàng chục triệu đồng. Bởi vậy, đang là mùa hạn khô héo, nhưng hai bên đường nông thôn của xã vẫn dễ dàng bắt gặp những luống hoa màu xanh mướt, mát mắt người đi đường. Với thành công của mô hình, xã đang có chủ trương nhân rộng sang các ấp khác để nâng cao đời sống của nhân dân trong xã.

Trữ ngọt mùa hạn

Sầu riêng, sản vật đặc trưng của vùng miền Tây, có từ thuở khẩn hoang mở đất. Cái ngọt thơm đặc trung vốn có của nó chỉ ngon và ngọt khi trồng ở gần dòng Mekong phù sa ngọt mát. Và không ít người được biết rằng, giống cây đỏng đảnh cao quí này chỉ chịu được nước sông Cửu Long.
Hạn 2020 đến nhanh, kèm theo xâm mặn sâu. Cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi đến vùng Cái Bè, Tiền Giang nước sông Tiền ở đây đã nhiễm mặn lên đến 3/1.000. Đối với vùng miệt Cà Mau Kiên Giang, độ mặn đó vẫn thích ứng nhiều cây trái khác. Nhưng ở vùng Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre thì với độ mặn vậy sẽ làm cây sầu riêng cháy khô, cây lớn cũng dần chết. Nếu dùng nước giếng khoan, dù ngọt mấy cây sầu riêng cũng èo uột, không trái hoặc chết khô. Nên mùa này, một khối nước sông Mekong chở từ Sa Đéc, Long Xuyên về tận đây có giá 30.000 – 40.000 đồng/m3. Nếu chở đến tận nhà xa vài cây số, một khối nước lên đến 180.000 đến 200.000 đồng/m3, trong khi nước giếng ngọt ở đây tối đa chỉ 5.000 đồng/m3.

Anh Lưu Thái Sơn, ở xã Long Khánh, Thị Xã Cai Lậy đang giới thiệu mô hình lọc mặn tự nhiên bằng cách trồng lục bình kèm bón phân lân để lấy nước tưới cây.

Để giải quyết bài toán này, anh Lưu Thái Sơn, 40 tuổi ở xã Long Khánh, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã nghĩ ra cách khử mặn nước sông Tiền. Tuy mới thử nghiệm bước đầu nhưng đạt hiệu quả cao. Tại các kênh mương trong vườn sầu riêng nhà mình, anh lót bạt cao su và bơm nước sông Tiền đã nhiễm mặn vào trữ. Sau đó trồng lục bình để chúng lọc nước tự nhiên, kèm bón thêm phân lân. Sau chừng 1 tháng, độ mặn trong nước chỉ còn 0,1/1.000, đủ chuẩn để tưới cho vườn sầu riêng đang khô khát. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư còn khá cao nên anh chưa áp dụng đại trà.

Đến vùng ngọt Trần Văn Thời, Cà Mau mùa này, sẽ không khỏi chạnh lòng nhìn cảnh lúa cháy khô vì tất cả các kênh sông ngòi đều cạn nước. Kèm theo 1.200 điểm sụt, lún nghiêm trọng, khiến người xem liên tưởng vùng đất này hoang tàn sau trận bom. Thế nhưng, đến xã Khánh Bình Đông thì lại khác, người dân đã áp dụng cách trữ nước truyền thống ngàn xưa bằng cách đào ao. Nên mùa khô hạn, người dân vẫn đủ nước tưới cho ruộng màu của họ.

Hàng năm, vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch, sau khi thu hoạch vụ lúa, bà con nông dân nơi đây bắt đầu xuống giống vụ hoa màu đậu xanh, bí, dưa gang, dưa hấu… trên ruộng thay cho vụ 3. Vừa giải quyết bài toán thiếu nước cho những cánh đồng lúa, vừa tăng cao thu nhập do “trúng đậm” từ sản phẩm của vụ màu.

Ông Đinh Văn Phúc, ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cho biết, mấy năm gần đây, mô hình đưa màu xuống ruộng lúa đã được gia đình thực hiện có hiệu quả cao. Mà nguồn nước chỉ từ 4 ao trữ nước từ tháng mưa, dưới ao, ông còn thả thêm cá để cải thiện bữa ăn. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Phúc có thu nhập không dưới 120 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3-4 lần trồng lúa.

“Nhiều ấp trong xã Khánh Bình Đông đang áp dụng cách đào ao tích trữ nước trồng màu như gia đình ông Phúc. Việc chủ động nguồn tưới đã giải quyết được vấn đề nan giải thiếu nước mùa khô. Bởi nơi đây chưa từng được dòng Mekong tưới ngọt do quá xa. Tuy vậy, đã tạo được thu nhập đáng kể cho bà con trong vùng. Nhiều xã khác của vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, Cà Mau cũng đang áp dụng trồng đậu xanh, bí đỏ rất thành công, cho sản lượng cao, thu nhập kinh tế cao hơn nhiều so với hai vụ lúa ở mùa mưa. Cách đây ít năm, đào ao chứa nước trồng màu là biện pháp tăng thu nhập, nhưng bây giờ lại là một giải pháp chống biến đổi khí hậu hiệu quả nhất”.
Anh Nguyễn Văn Tĩnh, cán bộ nông nghiệp xã Khánh Bình Đông.

Bài, ảnh: Nam Hoàng