Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tân Hưng thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phế thải nông nghiệp

07:13 16/06/2022 GMT+7
Vụ Đông Xuân 2022 vừa qua, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) xây dựng được nhiều mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Nhận thấy lợi ích của mô hình, vụ Hè Thu này, huyện tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nhằm tăng cường liên kết sản xuất, ổn định đầu ra cho nông dân. Cùng với đó, huyện tuyên truyền, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp.

Khắc phục các tồn tại về môi trường sau thu hoạch là mục tiêu quan trọng

Tại xã Vĩnh Châu B, mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao được triển khai, thực hiện tại ấp 4 với diện tích 120ha, có 27 hộ dân tham gia và sử dụng 2 loại giống là Đài thơm 8 và OM 18 để gieo sạ. Được biết, khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, nấm xanh - nấm trắng,... tương đương số tiền 2,5 triệu đồng/ha. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật của huyện sẽ thường xuyên xuống thăm đồng cùng nông dân để theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa.

Theo ông Trần Văn Bền (xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân được hướng dẫn tận tình về quy trình sản xuất và ký kết tiêu thụ với công ty. Điều này không chỉ giúp nông dân an tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định mà còn giúp nâng cao chất lượng lúa và cải tạo đất.

Theo ông Phan Văn Nỉ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, hiện nay các mô hình liên kết phát triển sản xuất lúa trên địa bàn huyện còn ít, người dân còn sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác hay xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Do đó, việc khắc phục các tồn tại về môi trường sau thu hoạch cũng như nhân rộng các mô hình liên kết đang là mục tiêu quan trọng mà huyện hướng đến trong vụ Hè Thu này.

Nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học, nông dân trong huyện Tân Hưng đã hạn chế được việc đốt gốc rạ sau thu hoạch, góp phần giảm ô nhiễm mô trường và tạo ra nguồn dinh dưỡng tốt cho đất đai. Tiêu biểu cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Hưng - “thủ phủ” lúa của tỉnh Long An đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong quá trình xử lý gốc rạ ngay trên ruộng đồng bằng chế phẩm sinh học.

Huyện Tân Hưng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong quá trình xử lý gốc rạ ngay trên ruộng đồng bằng chế phẩm sinh học.

Từ khi được nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, bà con huyện Tân Hưng đã canh tác được 3 vụ lúa/năm. Bên cạnh nguồn lợi về kinh tế, việc tăng số vụ sản xuất đã tạo ra áp lực trong xử lý gốc ra sau khi hoạch. Trước đây, khi chưa áp dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ, bà con thực hiện đốt nhanh ngay trên cánh đồng nhà mình. Điều này đã khiến cho đất ruộng trở nên cằn cỗi và ô nhiễm không khí môi trường gia tăng

Thấy được những bất cập trên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng đã chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn hội viên nông dân thực hiện ủ gốc rạ nhằm tạo ra lượng phân bón hữu cơ phục vụ cho mùa tới. Toàn bộ quy trình kỹ thuật đặc biệt là khâu pha chế lượng chế phẩm sinh học thích hợp cũng được các cán bộ trung tâm tập huấn cho bà con một cách chi tiết.

Nhân rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp

Thấy được hiệu quả từ việc áp dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ, HTX dịch vụ nông nghiệp 22/12 tại xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng cũng đã triển khai cho toàn thể xã viên HTX ứng dụng vào sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Nhân, Giám đốc HTX cho biết, sau khi được tiếp cận và thử nghiệm thành công về ứng dụng chế phẩm sinh học Sumitri, hiện hơn một nửa các hộ xã viên HTX đã áp dụng với diện tích sản xuất 50% và tiến tới toàn diện tích vào vụ tiếp theo.

Ngoài ra, ứng dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ, vừa bán được nguồn rơm, phần gốc rạ và tàn dư thực vật sẽ biến thành phân hữu cơ làm tăng lượng hữu cơ bổ sung cho đất, làm đất tơi, xốp nâng cao độ phì nhiêu giúp lúa đẻ nhánh tốt hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhằm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thời gian qua Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng đã hỗ trợ nông dân hơn 50% các chủng loại vật tư chủ yếu để thực hiện mô hình gồm lúa giống, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học (nấm xanh, nấm trắng). Ngoài ra, huyện còn đầu tư nhiều công trình nạo vét kênh, mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất... Toàn huyện có 11 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động, từng bước phát huy vai trò trong liên kết sản xuất.

Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho biết: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp, trong đó có việc sử dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ tại địa phương đã góp phần bảo đảm nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững”.

Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp địa phương, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nhân rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, bảo vệ môi trường và thuận lợi hơn cho quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hương Giang (tổng hợp)

Hội ND Lạng Sơn tăng cường tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Vừa qua, Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân (ND) tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp cho trên 90 học viên là cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Lộc Bình.