Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng cường kiểm soát và sử dụng đúng cách

08:56 29/08/2020 GMT+7
Mỗi năm cả nước phải bỏ ra từ 500 – 700 triệu USD để nhập khẩu thuốc bảo thực vật (BVTV) cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn tấn thuốc được nông dân sử dụng cho cây trồng. Có một thực trạng là nông dân sử dụng thuốc BVTV một cách tùy tiện, tình

Mỗi năm cả nước phải bỏ ra từ 500 – 700 triệu USD để nhập khẩu thuốc bảo thực vật (BVTV) cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn tấn thuốc được nông dân sử dụng cho cây trồng. Có một thực trạng là nông dân sử dụng thuốc BVTV một cách tùy tiện, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đã đến mức báo động. Để bảo vệ sức khỏe con người và hướng đến nền nông nghiệp an toàn cần phải có biện pháp mạnh trong quản lý, kiểm soát sử dụng thuốc BVTV.

Nông dân cùng cán bộ Chi cục BVTV An Giang, nhân viên Công ty Syngenta thu gom bao bì thuốc BVTV trên kênh rạch. Ảnh: Khánh Nguyên.

Tiềm ẩn rủi ro, thiệt hại kinh tế

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang có xu hướng ngày càng nhập khẩu nhiều thuốc trừ sâu và nguyên liệu. Liên tục nhiều năm gần đây, lượng thuốc trừ sâu, nguyên liệu nhập về VN ngày càng có xu hướng tăng và qua khảo sát thực tế, việc lạm dụng cũng chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ đầu năm 2020 cho đến ngày 15.6, Tổng cục Hải quan công bố Việt Nam đã nhập khẩu 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này.

Thuốc BVTV là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nông sản. Tuy nhiên, đa số người dân không chủ động trong việc lựa chọn mà chọn mua qua giới thiệu của người bán hàng; thuốc BVTV thật, giả, kém chất lượng chỉ thực sự được nhận biết khi đã sử dụng trên cây trồng; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại về kinh tế.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện nay, ngành BVTV đang đứng trước tình hình mới, phải đối mặt với một số vấn đề như biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế ngày càng cao, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong nước cũng tăng theo. Để thỏa mãn nhu cầu này của xã hội, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải khoa học hơn, trong đó chú trọng việc sử dụng cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học là vấn đề cần thiết.

Ngoài ra, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết từ cấp song phương đến châu lục và liên châu lục thì rào cản kỹ thuật đang được các nước sử dụng triệt để như một biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước của họ. Chính vì thế, hàng rào kỹ thuật cả về kiểm dịch thực vật (KDTV) và ATTP đang được các nước nâng lên ở mức rất cao. Cụ thể về mặt KDTV, các nước hầu như đòi hỏi nước xuất khẩu phải cung cấp một bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng.

Thực tế hiện nay, việc loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng thuốc BVTV trong danh mục hiện nay còn đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, các đối tượng cây trồng khác chưa được tập trung phát triển.

Nhiều loại thuốc BVTV đã bị loại khỏi danh mục thuốc được sử dụng tại Việt Nam vẫn được mua bán trôi nổi trên thị trường. Ảnh: QA

Nông dân chịu tác hại đầu tiên

Mặc dù thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong vấn đề sử dụng thuốc BVTV và phân bón nhưng việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang rất đáng báo động. Tình trạng này sẽ dẫn đến các nguy cơ về mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại…

Bà Trương Thị Khoán (thành phố Thái Bình) cho biết: Gia đình tôi cấy 5 sào lúa để lấy thóc phục vụ gia đình. Chúng tôi mong cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp quản lý nhà nước về các mặt hàng thuốc BVTV và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thường xuyên, quyết liệt hơn để bảo vệ sản xuất và sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, việc trang bị cho người dân cách nhận biết và hướng dẫn cách xử lý khi gặp phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng cũng cần được thực hiện nhiều hơn. Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền để người dân lựa chọn sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV của các đơn vị có uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Theo ông Hoàng Trung, khi sử dụng thuốc BVTV, nông dân cần thực hiện nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thành phần và liều lượng. Với rau quả, nông sản sau khi phun thuốc BVTV, ít nhất phải 15-20 ngày mới được thu hoạch.

“Gần đây, chúng tôi có nghe nhiều nơi bà con phun các loại hóa chất bảo quản bề mặt để tăng giá bán ngay trước thu hoạch. Hành động này là tuyệt đối không nên, nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Khi phun thuốc BVTV, người phun phải chọn hướng trên gió, nên phun vào lúc giữa trưa có nắng, tránh phun ngay trước khi trời mưa vì thuốc sẽ bị rửa trôi ngấm vào đất, vào mạch nước ngầm vô cùng nguy hại cho cộng đồng. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi khuyến cáo bà con hạn chế sử dụng thuốc sâu…” ông Trung cho hay.

Phải tăng cường kiểm soát

Trước thực tế hỗn loạn của thị trường thuốc BVTV, đa số nông dân vẫn lệ thuộc vào đại lý bán thuốc, rất ít người có thể tự chủ được trong việc sử dụng thuốc hợp lí. Ông Nguyễn Văn Huyên, một trong những nhà vườn lớn tại xã Phì Điền (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), chia sẻ: “Thị trường thuốc BVTV đang hỗn loạn. Khi mua thuốc BVTV mà cứ nhìn bao bì hấp dẫn hoặc nghe đại lý quảng cáo thì chỉ có chết. Nông dân phải tự cứu mình thôi”, ông Huyên nói.

Để quản lý tốt hơn vấn đề về thuốc BVTV trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Cần phải giảm lượng thuốc BVTV. Hiện, chúng ta đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn/năm. Trong đó, việc đầu tiên cần phải tập trung vào nhóm thuốc trừ cỏ; nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nhóm có độc tố cao mà được sản xuất từ những năm trước và đến bây giờ không còn phù hợp với sinh thái; nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên 1 đối tượng cây trồng.

Theo ông Cường, cũng cần phải kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới. Song song với đó, phải chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV. Phải minh bạch và nhà nước phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương. Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con vào sản xuất chuỗi. Có như vậy, bà con nông dân sẽ tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Tránh tình trạng cứ có sâu là dùng thuốc.

Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối và người nông dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khuyến khích các DN khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc BVTV sinh học để thay thế dần nhóm thuốc hóa học….

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung cho biết thêm, cần tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Kiên quyết loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục.

Thực tế hiện nay, việc loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng thuốc BVTV trong danh mục hiện nay còn đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, các đối tượng cây trồng khác chưa được tập trung phát triển.

Bảo An