Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tham gia liên kết, nông dân làm việc nhẹ, hưởng lương cao

16:30 27/08/2020 GMT+7
Thay vì dậy từ lúc 4 giờ sáng để tranh thủ làm đồng tránh nắng, giờ đây những nông dân ở Bình Định thảnh thơi ra đồng lúc 8 giờ. Nhờ liên kết sản xuất, các công đoạn được cơ giới hóa nên người dân không phải làm những việc nặng nhọc, nông sản vừa

Thay vì dậy từ lúc 4 giờ sáng để tranh thủ làm đồng tránh nắng, giờ đây những nông dân ở Bình Định thảnh thơi ra đồng lúc 8 giờ. Nhờ liên kết sản xuất, các công đoạn được cơ giới hóa nên người dân không phải làm những việc nặng nhọc, nông sản vừa thu hoạch đã có đơn vị bao tiêu nên hiệu quả sản xuất được nâng lên.

Tham gia liên kết, được hỗ trợ cơ giới hóa, mọi công đoạn thu hoạch lúa đều bằng máy, nông dân chỉ cân lúa, ký xác nhận. Ảnh: TH

Nông dân hưởng lợi kép

Đang thu hoạch vụ lúa Hè Thu, bà Dương Thị Thanh Hồng (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cho biết, toàn bộ các công đoạn đều được làm bằng máy, bà ngồi chờ người của doanh nghiệp cân lúa xong đến ký rồi về: “Mua lúa tươi nhưng giá lúa khô ở ngoài bán bao nhiêu thì ở đây người ta mua bấy nhiêu. Nhàn hơn là không phải phơi, chuyển lên rồi mình cân rồi giao tại ruộng”.

Theo bà Hồng, ngay từ đầu vụ, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, tạo ra sản phẩm đồng đều, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm… Mô hình “Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” do Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức, đầu tư và hỗ trợ xây dựng. Một số Công ty tham gia vào chuỗi liên kết sẽ hỗ trợ giống. Các HTX có nhiệm vụ quy hoạch, tập trung ruộng lúa của người dân thành vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

Thực hiện mô hình thí điểm ở HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1 có gần 160 hộ nông dân tham gia trên diện tích gần 30ha. Theo đó, Sở Công Thương Bình Định hỗ trợ nông dân gần 70 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; doanh nghiệp cho bà con tạm ứng lúa giống trị giá gần 40 triệu đồng… Sau đó, doanh nghiệp và người nông dân ký hợp đồng thu mua sản phẩm tại ruộng theo giá cố định đầu vụ hoặc giá thị trường thời điểm thu mua.

Qua thực hiện thí điểm mô hình này ở HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1, ruộng lúa đạt năng suất trung bình hơn 68 tạ/ha, cao hơn so với 65 tạ/ha với lúa ngoài mô hình; tổng thu gần 46 triệu đồng, cao hơn ngoài mô hình hơn 6,3 triệu đồng/ha.

“Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” là mô hình mới triển khai trên đồng ruộng tỉnh Bình Định. Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã xây dựng 2 dự án. Một là, Dự án Doanh nghiệp – HTX- Nông dân tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Dự án thứ 2, là trồng 1.000 cây dừa, thực hiện tại 3 xã của huyện Hoài Nhơn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty giống Bình Định doanh nghiệp trực tiếp mua lúa tại chân ruộng cho biết: “Ký từ đầu vụ, bây giờ tới thời điểm thu hoạch chúng tôi thu về chế biến đổ vào kho để tiêu thụ. Chất lượng lúa của năm nay năng suất đạt hơn những năm trước. Đối với người dân, mình cung ứng lúa giống ban đầu. Đến thời điểm thu mua, đảm bảo 100% đầu ra cho người dân. Còn người nông dân có trách nhiệm sản xuất lúa tiêu chuẩn. Cái này mang tính chất đại trà, quy trình bón phân, chăm sóc theo quy trình đưa ra có thể kiểm soát được”.

Nhờ liên kết sản xuất người trồng ớt ở huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Bịnh yên tâm sản xuất. Ảnh: TH

Hợp tác xã làm nòng cốt

Bên cạnh việc hỗ trợ các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời đẩy mạnh thành lập các mô hình liên kết lấy HTX làm trung tâm, tỉnh Bình Định đã đề ra lộ trình, trong năm 2020 thành lập 20 HTX mới thực hiện các mô hình liên kết chuỗi. Theo đó, Liên minh HTX Bình Định đã chủ động phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cùng góp vốn thành lập HTX. Ông Ngô Thanh Lý, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Việc phát triển các HTX theo chuỗi giá trị vừa đảm bảo yêu cầu của chương trình xây dựng NTM, vừa là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong thời kỳ mới.

Được Liên minh HTX tỉnh cùng chính quyền địa phương tư vấn, hướng dẫn, 24 nông dân chuyên sản xuất lúa giống ở xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) đã góp vốn thành lập HTX Nông nghiệp Đông Lâm. Ông Nguyễn Quốc Tiên, Giám đốc HTX cho hay: Việc thành lập HTX đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX. Trước mắt, chúng tôi duy trì liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa giống với các DN, sau đó HTX sẽ mở thêm nhiều loại dịch vụ khác để tăng nguồn thu cho thành viên và HTX.

Tại HTX Dịch vụ Diên Niên (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) ngay từ khi đi vào hoạt động đã triển khai phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) theo hướng đa ngành, lĩnh vực. Ngoài việc duy trì sản xuất đá granite để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; HTX còn tổ chức thêm một số dịch vụ khác, như: Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; cắt tạo dáng và hoàn thiện đá; trồng trọt, chăn nuôi; trồng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp; vận tải hàng hóa đường bộ; xây dựng nhà ở.

Theo ông Trần Xuân Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ Diên Niên, HTX chuyển hướng từ cơ chế quản lý hành chính sang SXKD dịch vụ theo cơ chế thị trường; xây dựng phương án, dự án SXKD phù hợp với đặc điểm, điều kiện của HTX trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong quá trình hoạt động, HTX sẽ tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các thành viên và HTX. Việc đa dạng hóa sản phẩm vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường, vừa đảm bảo nguồn thu cho thành viên và HTX.

Được thành lập từ tháng 3.2020, HTX Bina Food Bình Định tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ đã thống nhất phương án SXKD ớt để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Bà Mai Thị Thu Hà, Giám đốc HTX, chia sẻ: Ở Phù Mỹ, ớt là sản phẩm đặc thù, nguyên liệu đầu vào nhiều và ổn định, nên chúng tôi chọn địa phương này để xây dựng cơ sở SXKD. Trên diện tích 1ha đất tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh đã được huyện Phù Mỹ giao, HTX sẽ tiến hành xây dựng nhà xưởng, kho lạnh để dự trữ, bảo quản sản phẩm và lắp đặt dây chuyền sản xuất, chế biến ớt tự động. HTX phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động các hộ dân trồng ớt tham gia HTX; hướng dẫn các thành viên áp dụng phương pháp sản xuất ớt hữu cơ và ký hợp đồng thu mua sản phẩm lâu dài cho thành viên.

Hiện, ngoài 3 HTX nói trên, còn có HTX Dịch vụ nông nghiệp Cát Hải (xã Cát Hải, huyện Phù Cát) và HTX Spring Chi (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) đã được thành lập và triển khai phương án SXKD. “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục vận động, tư vấn và hỗ trợ các địa phương thành lập thêm 15 HTX thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trên nhiều lĩnh vực. Liên minh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để đầu tư phát triển SXKD, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động” ông Lý cho biết thêm.

Việc phát triển các HTX theo chuỗi giá trị vừa đảm bảo yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong thời kỳ mới.

Thành Hưng