Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tham gia tổ hợp tác nhiều hội viên tăng thu nhập

09:34 08/04/2020 GMT+7
Từ khi mô hình Tổ hợp tác đan lục bình ấp Cả Sáu ra đời đã thu hút được nhiều hội viên nông dân tham gia. Tổ hợp tác đã liên kết chặt chẽ các thành viên lại với nhau, chủ động được tìm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, luôn tạo điều

Từ khi mô hình Tổ hợp tác đan lục bình ấp Cả Sáu ra đời đã thu hút được nhiều hội viên nông dân tham gia. Tổ hợp tác đã liên kết chặt chẽ các thành viên lại với nhau, chủ động được tìm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, luôn tạo điều kiện giúp đỡ và tương trợ cho nhau cùng phát triển.

Được thành lập từ năm 2008, đến nay Chi hội Hội Nông dân ấp Cả Sáu, xã Thanh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã có những bước tiến vượt bật với tổng hội viên hơn 300 người tham gia. Thời gian qua, Chi hội trưởng và các thành viên của chi hội đã tuyên truyền, vận động bà con nơi đây tham gia các mô hình kinh tế sản xuất có hiệu quả cao. Điển hình là nghề thủ công truyền thống đan lục bình, tranh thủ những lúc nông nhàn, nhiều hội viên và người dân nơi đây đã tận dụng các bãi bồi ven sông để trồng, đan lục bình và nghề này cho thu nhập rất ổn định.

Bà Lê Thị Loan, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình ấp Cả Sáu bên sản phẩm của các tổ viên làm ra.

Liên kết chặt chẽ, chủ động được đầu vào và ra cho sản phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Lượm – Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Cả Sáu, xã Thanh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cho biết: Trước đây, đời sống người dân nơi đây rất bấp bênh, nên khi vận động bà con tham gia vào chi hội còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi mô hình Tổ hợp tác đan lục bình ấp Cả Sáu ra đời đã thu hút được nhiều người dân tham gia, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho lao động nông nhàn nơi đây. Tổ hợp tác đã liên kết chặt chẽ các thành viên lại với nhau, chủ động được tìm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, luôn tạo điều kiện giúp đỡ và tương trợ cho nhau cùng phát triển.

Bà Lê Thị Loan, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình ấp Cả Sáu cho biết: Ngày trước, lục bình tại đây trôi trên sông rất nhiều gây tắc nghẽn dòng chảy, từ ngày nghề đan lục bình phát triển tại địa phương không những tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn giải quyết được vấn đề nan giải trên. Đây là nghề thủ công ai cũng có thể làm được, nếu nhanh nhẹn thì chỉ trong một tuần học nghề là có thể đan được sản phẩm. Sản phẩm từ lục bình của Tổ hợp tác chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của các công ty rồi xuất khẩu đi nước ngoài. Các mặt hàng thủ công được các cơ sở làm như: Thảm, bàn ghế và một số sản phẩm dùng để trang trí nội thất…

Để sản phẩm đạt chất lượng thì lục bình tươi sẽ được phơi nắng từ 4 -5 ngày mới đạt được độ dẻo theo tỷ lệ 13kg lục bình tươi cho ra 1kg lục bình khô và giá thu mua 1kg lục bình khô nguyên liệu hiện nay là 13-14 ngàn đồng, nếu chịu khó bà con lại có thêm thu nhập. Trước khi làm ra sản phẩm, người thợ phải ngâm nước chừng 5 phút để khi đan sợi lục bình không bị gãy.

Các sản phẩm lục bình chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, các công ty gửi mẫu là các khung sắt được làm sẵn, người thợ chỉ đan theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về cho Tổ hợp tác. Các sản phẩm từ lục bình qua bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp mắt, đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc và khách hàng có thể đặt mẫu theo ý thích. Sản phẩm từ lục bình là sản phẩm thủ công độc đáo được thị trường quốc tế ưu chuộng, nên các sản phẩm của Tổ hợp tác làm ra không chỉ được sử dụng trong các nhà hàng, khách sạn trong nước, mà còn xuất khẩu đi khắp các nước châu Âu.

Hội viên ND Chi hội ND ấp Cả Sáu trồng hoa ven đường.

Giúp tổ viên thoát nghèo, nâng cao thu nhập

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần và lối sống lành mạnh cho hội viên, ông Lượm chia sẻ: Chi hội Hội Nông dân ấp Cả Sáu hàng tháng đều bỏ ra 1 ngày để tổ chức văn nghệ với câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ bảo vệ môi trường như trồng hoa bên đường, nhặt rác, sử dụng thuốc trừ sâu phải tập trung lại để huyện thiêu hủy. Ngoài ra, chi hội còn vận động hội viên chuyển đổi cây trồng sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như trồng chanh không hạt với thu nhập rất ổn định. Vận động các thành viên cùng đóng góp vào quỹ chung nhằm hỗ trợ cho hội viên nông dân khó khăn có nguồn vốn để chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện đời sống.

Nói về nghề đan lục bình ông nói đây là nghề thu nhập cao cho người nông nhàn ở thôn quê và là nghề mưu sinh cho một số hộ gia đình. Những người đan lục bình đa số là các chị em phụ nữ, ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, họ thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng khi đã quen tay quen việc thì thu nhập từ nghề đan lục bình còn cao hơn thu nhập chính là nghề nông và công việc đan lục bình luôn có quanh năm, cây lục bình còn được xem là cây xóa đói giảm nghèo.

Theo bà Loan, gây dựng được hơn 3 năm, Tổ hợp tác đan lục bình ấp Cả Sáu hiện nay đã phát triển được trên 150 hội viên và có hơn 30 cá nhân đang xin tham gia Tổ hợp tác. Trên thị trường hiện nay, nhu cầu về sản phẩm lục bình vẫn còn nhiều và nghề đan lục bình vẫn đang có cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa. Một người đan lục bình giỏi có thể kiếm được hơn 300.000 đồng một ngày, một người tay nghề bình có thể kiếm được từ 150.000 -200.000 đồng một ngày. Tổ hợp tác có thu nhập trung bình với doanh thu trên 5 tỷ đồng/ năm.

Từ thành công trên, người dân nơi đây thường tìm đến Tổ hợp tác để học nghề với mong muốn có được việc làm, tạo ra sản phẩm để tăng thu nhập gia đình và ai có nhu cầu học nghề thì đều được bà Loan dạy miễn phí. Để cơ sở phát triển ngày càng bền vững thì nguồn vốn là yếu tố quyết định, nhờ vào Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Thạnh Hóa cho vay 300 triệu đồng mà Tổ hợp tác mới được phát triển như hiện nay, tạo công ăn, việc làm cho chị em ở nông thôn và lao động nông nhàn có nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp đã tạo sự liên kết và chủ động của từng hội viên yên tâm sản xuất vì đã có đầu ra ổn định, cùng nhau thoát nghèo và làm giàu bền vững. Từ đó, đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho rất nhiều lao động nông nhàn tại địa phương, giúp các hội viên cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và ngày càng có nhiều hội viên xin vào Hội…
Theo ông Trần Văn Thành – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Hóa.

Bài, ảnh: Vân Nguyễn