Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thành quả từ nông thôn mới tạo đà phát triển du lịch nông thôn

Trọng Binh - 10:54 15/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, đồng thời NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM sẽ là xu thế tất yếu, trong mối quan hệ hữu cơ, có tác động tương hỗ lẫn nhau. Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Trải nghiệm mô hình làng du lịch nông nghiệp Yên Đức (Đông Triều – Quảng Ninh)

Du lịch nông thôn gợi mở nhiều triển vọng

Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã lồng ghép xây dựng các mô hình điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM. Nhờ đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng và ngày càng đa dạng. Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tại thôn Phiêng An (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Khi triển khai xây dựng NTM, địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động sinh hoạt, sản xuất... gắn với du lịch cộng đồng. Bởi nơi đây vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Dao, sử dụng ngôn ngữ Dao, dịp lễ, tết mặc trang phục truyền thống dân tộc.

Hiện nay, Phiêng An đã hình thành khuôn viên vườn cây ăn quả như ổi, cam quýt, bưởi xen lẫn đồi chè, với diện tích khoảng 14,5ha. Các loại cây ăn quả ở đây được chăm sóc theo tiêu chí hoa quả sạch đạt tiêu chuẩn OCOP, phong phú về chủng loại, sản lượng đủ cung cấp quanh năm. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, người dân trong thôn đã tích cực chỉnh trang lại khuôn viên, vườn, chuồng trại chăn nuôi, chuyển hướng sản xuất trồng trọt, đổi mới cách thức sản xuất, sẵn sàng hợp tác xây dựng mô hình điểm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đời sống cũng tăng nguồn thu nhập...

Người dân thôn Phiêng An (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Dao.

Còn tại thôn Chúa Lải nằm cách trung tâm huyện Chợ Mới 25km và chỉ cách trung tâm thành phố Bắc Kạn 15km, thôn hiện vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày; các làn điệu hát sli, hát lượn, nấu các món ăn ẩm thực của người dân địa phương vẫn được duy trì. Hiện bà con trong thôn đã trồng hoa hai bên đường, thôn còn giữ được một số ngôi nhà sàn và đặc biệt hơn, người dân ở đây đã nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch, du khách đến thôn có thể trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã bắt đầu quan tâm và đưa khách du lịch đến thôn để tham quan, trải nghiệm du lịch và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp sạch của người dân tại hai thôn. Nắm bắt được thị hiếu của khách du lịch, một số hộ gia đình trong thôn đã mạnh dạn tìm hiểu, áp dụng mô hình phát triển trồng trọt kết hợp với trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách.

Từ kinh nghiệm và những thành công bước đầu ở Phiêng An và Chúa Lải, tỉnh Bắc Kạn sẽ có nhiều giải pháp để nhân rộng mô hình này. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn dự kiến sẽ đầu tư khoảng 16,2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho hai thôn nói trên. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, nâng cao kỹ năng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ du lịch; chế biến các món ăn... cho các hộ dân tại hai thôn. 

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá về mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp trên các kênh thông tin đại chúng. Ngoài ra, Bắc Kạn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về các tuor liên kết với điểm du lịch nông thôn cho các công ty, đơn vị lữ hành. Sau khi các mô hình đi vào hoạt động, phấn đấu mỗi năm thu hút hơn 15.000 lượt khách với dự kiến doanh thu mang lại khoảng 9 tỷ đồng và tăng dần về số lượng vào các năm tiếp theo.

Tạo sức hút từ những miền quê đáng sống

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG Xây dựng NTM Trung ương, hiện nay cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn nhìn chung khá đa dạng, tuy nhiên các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. 

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, trong 5 năm qua, vai trò của du lịch nông thôn thể hiện rõ trên ba khía cạnh: góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn vẫn tồn tại một số hạn chế như công tác quy hoạch cho du lịch cộng đồng, làng nghề, trang trại sinh thái gần như chưa có, rà soát cơ chế quản lý cho mô hình du lịch nông thôn, hạ tầng và nguồn nhân lực (mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 hướng dẫn viên biết tiếng Anh) và đảm bảo chuỗi du lịch với các công ty lữ hành còn nhiều kẽ hở.

Qua đó, thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất tiếp tục xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển du lịch trang trại cần sự phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan khác.

Khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, làng rau Trà Quế (Hội An) thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Khánh Linh

Theo Tổng cục Du lịch đánh giá, hoạt động du lịch nông thôn đã đem lại những đóng góp tích cực cho cả ngành Du lịch và khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Nhiều tour du lịch nông thôn độc đáo, hấp dẫn và trở thành thương hiệu để thu hút khách  du lịch trong và ngoài nước, điển hình như tour du lịch miệt vườn sông nước ĐBSCL; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao Tây Bắc… 

Nhiều địa phương như Lào Cai, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hoà Bình, Hà Giang, Tiền Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đã trở thành điểm đến có các sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu. Do đó, phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững.

Theo ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cần cố gắng định hướng thật tốt sản phẩm du lịch nông thôn nhằm thu hút du khách mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, tránh tình trạng sản phẩm chỉ mang tính thời vụ. Một số quy định về quy mô trang trại cần làm rõ, diện tích lớn bao nhiêu thì được gọi là trang trại.

Cũng theo ông Đoàn Văn Việt, việc xây dựng khung đề án phát triển du lịch cần thực hiện từng bước, thận trọng, trước mắt chưa thể xây dựng nghị định khi chưa có cơ sở thực tiễn hay chính sách bài bản. Trong quy hoạch xây dựng phát triển đến năm 2030, Bộ VHTTDL sẽ cố gắng đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch trong đó có du lịch nông thôn và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đưa ra một đề án phát triển du lịch nông thôn hoàn thiện với tinh thần xây dựng cao, làm cơ sở trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, phát triển du lịch nông thôn cần tập trung vào các định hướng như chính sách phát triển du lịch nông thôn; tổ chức không gian du lịch nông thôn; quản lý du lịch nông thôn; huy động nguồn lực; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; phát triển nhân lực du lịch nông thôn.

Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM phù hợp với định hướng xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đồng tình với đề xuất này, để phù hợp với tình hình Covid-19 hiện nay, Đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng phát triển du lịch nông thôn trong thời kỳ Covid-19 lại là một cơ hội cho ngành du lịch phát triển bởi khách du lịch ngày càng có xu hướng đến với thiên nhiên, các điểm du lịch hoang sơ và tránh xa các điểm du lịch đông khách truyền thống. Cần xây dựng nghị định về farmstay để trình Chính phủ phê duyệt, trong thời gian qua mô hình du lịch farmstay tương đối phát triển song vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, tiêu chí về du lịch cộng đồng đã có cần áp dụng bài bản rộng rãi hơn. Địa điểm du lịch cộng đồng phải đảm bảo ba điều kiện, có đăng ký kinh doanh, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, PCCC, ATVSTP và đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ khách du lịch.

Phát triển du lịch nông thôn bền vững là giải pháp quan trọng tạo sinh kế cho cư dân nông thôn đồng thời có thêm nguồn lực để đầu tư có sở hạ tầng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn. Trong giai đoạn tới, cần có các định hướng giải pháp phát triển du lịch nông thôn phải đảm bảo các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm. Đồng thời, các mô hình phát triển du lịch nông thôn phải phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.
 

Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 92/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, có xã đạt NTM kiểu mẫu đầu tiên trong