Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Thay vì chống hạn, nên né hạn”

17:36 01/04/2020 GMT+7
Đó là ý kiến của Ths. Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với khu vực có ưu thế phát triển nông nghiệp như ĐBSCL thì việc hạn mặn đang đe dọa nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống là việc đang được

Đó là ý kiến của Ths. Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với khu vực có ưu thế phát triển nông nghiệp như ĐBSCL thì việc hạn mặn đang đe dọa nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống là việc đang được quan tâm nhất lúc này. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, thay vì chống hạn mặn xâm nhập, cần phải tìm những giải pháp bền vững, hiệu quả hơn như thuận theo tự nhiên, tránh né hạn mặn…

Hạn mặn gây thiệt hại hàng chục nghìn hec- ta lúa, cây ăn trái
Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lâu nay được biết đến có ưu điểm lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tổng diện tích lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng của cả nước. Riêng xuất khẩu gạo chiếm tới 90% sản lượng. Đó là chưa kể chiếm 70% diện tích nuôi trồng thủy hải sản; chiếm 60% sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Mặc dù có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển nhưng nhiều năm trở lại đây, nông nghiệp ở ĐBSCL liên tiếp hứng chịu do tình trạng xâm nhập mặn.
Đợt hạn mặn đang diễn ra trong những ngày gần đây được cho là đợt xâm nhập mặn mạnh nhất kể từ năm 2016. Tính đến giữa tháng 2.2020, khu vực ĐBSCL có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng của hạn, mặn. So với đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 khiến 600.000 người dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt, 160.000ha đất nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng, hạn mặn năm nay sớm hơn 1 tháng và nguy cơ vượt ngưỡng năm 2016 . Hàng chục nghìn hec – ta lúa chưa ngậm đòng đã chết khô, hơn 150.000 ha cây ăn trái, hoa màu… ở 3 tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang cũng đang xác xơ, héo rũ vì hạn hán và xâm nhập mặn.

Hệ thống kênh, mương chính dẫn nước phục vụ sản xuất ở xã Long Hòa, thị xã Gò Công bị khô hạn nứt nẻ từ nhiều ngày nay. Ảnh Vũ Sinh

Tình trạng thiếu nước ngọt kéo dài đã khiến cho hơn 10.000ha lúa Đông Xuân, chủ yếu ở tỉnh Bến Tre, mất trắng. Chị Đoàn Thị Kim Thoa ở ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho biết, gần 3ha lúa nhà chị đã bị khô héo chỉ vì thiếu nước. “Chưa kể thiệt hại kinh tế, giờ đây 4 lao động trong gia đình tôi cũng không biết làm gì qua ngày, kiểu này phải ra thành phố đi kiếm việc làm thêm” – chị Thoa nói.
Ông Lê Văn Hùng, ngụ xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm) cũng chung hoàn cảnh. Ông Hùng đã đầu tư gần chục triệu đồng để gieo sạ 1,2ha lúa giờ chỉ biết nhìn lúa chết khi chuẩn bị trổ bông. Ông Hùng cho hay: “Trước đó, cán bộ nông nghiệp có đến khuyến cáo không nên sản xuất lúa vụ này vì hạn, mặn nhưng gia đình tiếc đất để trống nên tự ý gieo sạ. Với lại đây là vụ trúng mùa nhất trong năm nên xung quanh ai cũng làm, mình cũng làm liều như năm trước. Tuy nhiên, không ngờ năm nay nước mặn về sớm nên hầu hết đều không thu hoạch được”.
Ông Nguyễn Vũ Phong – Phó Trưởng phòng NN&PTT huyện Giồng Trôm cho biết, nông dân trong huyện đã xuống giống hơn 800ha. Mặc dù ngành Nông nghiệp đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con không nên sản xuất vụ này vì hạn, mặn. Ngoài ra, các loại cây ăn trái đặc sản miền Tây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có nước tưới.
Ngoài những chính sách từ trung ương, tới địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội cũng đã vào cuộc cùng chung tay giúp nông dân vượt qua hạn mặn. Tại Bến Tre, ông Lê Văn Gặp – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã kêu gọi trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Bến Tre hãy chung tay thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống, ứng phó hạn hán trên địa bàn tỉnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã hỗ trợ các chuyến tàu vận chuyển nước ngọt và dụng cụ trữ nước; Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tặng 200 bồn trữ nước loại 500 lít, 500 bình nước uống loại 20 lít và chuyến tàu cấp 250m3 nước ngọt. Nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm ở Bến Tre đã trao tặng hàng ngàn dụng cụ chứa nước cho gia đình chính sách.
Giải pháp ứng phó là… né hạn
Theo Bộ NN&PTNT, hạn mặn đến sớm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Tính đến giữa tháng 2.2020, tổng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông – Xuân 2020 đã lên tới trên 32.000ha. Khoảng 80.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt: Sóc Trăng có 24.400 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bến Tre 12.700 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ…
Trước thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương, người dân và cả xã hội phải cùng chung tay xử lý hạn mặn.

 

Dòng kênh khô đáy ở miền Tây. Ảnh Hoàng Quân

Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh – nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ cho biết: Đợt hạn, mặn kỷ lục năm 2016, độ mặn hơn 2% nhưng chỉ lên tới Cần Thơ trong vòng vài tiếng vào thời điểm triều cường rồi rút dần và hết hẳn thì năm nay hạn mặn khốc liệt hơn, lên tới 3,5%, và kéo dài tới 2-3 tháng. “Giải pháp trước mắt vẫn chỉ là kêu gọi người dân tích trữ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước cho sinh hoạt và trồng trọt. Bên cạnh đó, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả” – ông Vinh nói. Dự báo phải tới đầu tháng 4 thì may ra hạn, mặn mới thấp hơn bởi triều cường xuống thấp.
Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề xâm nhập mặn một cách tổng thể, lâu dài. Theo đó, nguyên tắc cơ bản là: Thay vì chống hạn thì người dân nên học cách né hạn.
“Thực tế hạn, mặn không phải xảy ra ngay lập tức mà đã được cảnh báo từ nhiều tháng, nhưng có người tin, người không. Người tin đã né rồi, người nào không tin vẫn xuống giống. Bị thiệt hại lần nữa mới tin” – ông Thiện nói.
Ông Thiện cũng cho rằng cần phải tách việc sử dụng nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lượng nước sinh hoạt rất ít, chỉ khoảng 5% người dân có thể tự chứa dùng, nhưng lượng nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng thì cần rất nhiều, khó có thể tích trữ.

 Tôi cho rằng không nên cưỡng lại mà nên thuận theo thiên nhiên. Nghĩa là đừng tạo áp lực lên đất, đừng làm lúa trái mùa nữa. Phải phục hồi chung “sức khoẻ” của đồng bằng bằng cách giảm trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên để mùa nước có chỗ nước lũ vào, đồng ruộng hấp thu nước. Khi mùa khô nước từ từ rỉ ra bổ sung giúp cho vùng cửa sông cân bằng mặn, ngọt.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL.

Nguyệt Anh