Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thêm Thanh Hóa xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi

20:45 25/02/2019 GMT+7
Ngoài Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, hiện nay bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã ghi nhận xuất hiện tại tỉnh Thanh Hóa. Theo thông tin mà Bộ NN&PTNT vừa phát đi, tại Thanh Hóa, từ ngày 23/2 đã phát hiện tại hộ ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long,

Ngoài Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, hiện nay bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã ghi nhận xuất hiện tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo thông tin mà Bộ NN&PTNT vừa phát đi, tại Thanh Hóa, từ ngày 23/2 đã phát hiện tại hộ ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có 48 con lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF) và buộc phải tiêu hủy toàn bộ 226 con lợn của hộ chăn nuôi.

Ngay ngày 23/2, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã lấy 3 mẫu phủ tạng và 2 mẫu máu của hộ ông Thanh và 12 mẫu máu của 2 hộ xung quanh hộ ông Thanh.

Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ khá cao lây lan trên diện rộng. Nguồn: Internet

Ngày 24/2, Chi cục Thú y vùng III đã có Phiếu trả lời kết quả số 247/CĐXN-CĐ kết luận: 5 bệnh phẩm (3 mẫu phủ tạng và 2 mẫu máu) lấy tại hộ ông Thanh dương tính với vi rút ASF; không phát hiện thấy vi rút ASF trên 12 mẫu máu lấy tại 2 hộ xung quanh.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y vùng III đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y Thanh Hóa chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch như: Đã tạm cấp cho huyện Yên Định 800 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc, 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, 10 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng.

Huyện Yên định đã tổ chức huy động tại chỗ 100 bộ quần áo báo hộ, 2 tấn vôi, 200 lít hóa chất, 5 bình động cơ và 32 bình bơm điện, bơm tay để phun tiêu độc khử trùng.

Bên cạnh đó, thành lập 5 chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, 8 chốt kiểm soát quanh vùng đệm; 2 đội kiểm tra lưu động liên ngành gồm công an, thú y, quản lý thị trường để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài.

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức ra quân kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm tại cơ sở, điểm giết mổ lợn; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn; tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh ASF xảy ra trên địa bàn…

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 phát hiện bệnh ASF sau Hưng Yên, Thái Bình và Hải Phòng.

TN